Saturday, September 14, 2024
Trang chủBiển nóngTQ đẩy mạnh nghiên cứu về Biển Đông

TQ đẩy mạnh nghiên cứu về Biển Đông

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về Biển Đông; thành lập thêm nhiều Viện, Trung tâm, Cơ sở nghiên cứu dưới nhiều hình thức khác nhau; tăng cường giao lưu học thuật quốc tế về Biển Đông nhằm tìm kiếm các nguồn tài nguyên và “bằng chứng lịch sử” để hỗ trợ cho yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Viện nghiên cứu Nam Hải

Hoạt động nghiên cứu về Biển Đông được Chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm; các Viện, Trung tâm, Cơ sở nghiên cứu tiến hành đồng bộ hóa dưới nhiều hình thức khác nhau.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì hay Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhiều lần đưa ra tuyên bố khẳng định sự quan tâm của Chính phủ Trung Quốc đối với công tác nghiên cứu khoa học về Biển Đông. Chính phủ Trung Quốc cũng dành một nguồn kinh phí và chính sách lớn cho các đơn vị nghiên cứu, có chính sách đãi ngộ tốt đối với giới chuyên gia, nhà nghiên cứu của TQ trong vấn đề Biển Đông; mở thêm nhiều đơn vị nghiên cứu mới bằng nhiều hình thức và cấp độ khác nhau, song Chính phủ Trung Quốc vẫn đứng đằng sau chỉ đạo.

Các đơn vị nghiên cứu của Trung Quốc tiến hành nghiên cứu một cách đồng bộ về: Luật Biển Đông và quan hệ quốc tế; Lịch sử và văn hóa Biển Đông; Kinh tế chính trị xã hội các nước ven Biển Đông; Tài nguyên môi trường Biển Đông; Hợp tác an ninh và tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông; Chiến lược và quyết sách trong vấn đề Biển Đông; Luật quốc tế và tranh chấp Biển Đông, Chính sách Biển Đông của các các nước; Nghiên cứu đối sách giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông; Bảo vệ môi trường và khai thác phát triển tài nguyên Biển Đông; Chiến lược và cơ chế phát triển kinh tế hải dương; “Con đường tơ lụa trên Biển” thế kỷ 21… Ngoài ra, các đơn vị nghiên cứu của Trung Quốc tiến hành hợp tác nghiên cứu, trao đổi nghiên cứu học thuật với hơn 20 nước như Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Malaysia, Philippnes, Indonesia, Đài Loan… và có liên kết với gần 100 Viện, Trung tâm nghiên cứu trên thế giới và nhiều tổ chức Chính phủ, phi chính phủ của khu vực và quốc tế.

Các kết quả nghiên cứu đã góp phần tham mưu cho Chính phủ Trung Quốc đưa ra nhiều quyết sách quan trọng trong vấn đề Biển Đông. Một số viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc như Viện nghiên cứu Nam Hải, Trung tâm hợp tác sáng tạo Nam Hải Trung Quốc được đưa vào danh sách các Viện nghiên cứu trọng điểm quốc gia, góp phần quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối quốc gia. Những thành quả nghiên cứu của một số viện trên như “Nguyên nhân và phát triển tranh chấp ở Biển Đông”, “Báo cáo đánh giá tình hình khu vực Biển Đông hàng năm”… được đánh giá cao và có ảnh hưởng lớn đến nhiều cơ quan, ban ngành của Trung Quốc; được nhiều chuyên gia, học giả Trung Quốc và quốc tế sử dụng các dữ liệu trong các công trình nghiên cứu.

Số lượng chuyên gia, học giả Trung Quốc nghiên cứu về Biển Đông ngày một tăng; các đề tài, bài nghiên cứu về Biển Đông ngày càng nhiều. Trước đây, số chuyên gia, học giả Trung Quốc nhiên cứu về Biển Đông chỉ có một nhóm nhỏ, nằm rải rác ở một số Viện, Trung tâm, đại học lớn của Trung Quốc, như Viện Nghiên cứu Nam Hải, Đại học Phúc Đán, Đại học Bắc Kinh… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng các chuyên gia, học giả và các Viện, Trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc “nhiều như nấm”, hầu hết các tỉnh, thành và đại học của Trung Quốc đều có các Viện, Trung tâm nghiên cứu riêng. Đáng chú ý, Trung Quốc đang trẻ hóa đội hình chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, đa phần số chuyên gia của Trung Quốc có độ tuổi từ 30 – 45 và số lượng các bài viết, đề tài nghiên cứu về Biển Đông của Trung Quốc tăng đột biến trong 5 năm gần đây. Tuy nhiên, nội dung các bài nghiên cứu của Trung Quốc còn mang nặng tính bao biện cho lập trường và yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đổ lỗi cho các nước khác làm phức tạp tình hình và “xâm chiếm” biển đảo của Trung Quốc; ít có các bài viết phân tích từ khía cạnh luật pháp quốc tế một cách công bằng.

Đáng chú ý, Trung Quốc có một lực lượng chuyên gia, học giả được đánh giá là theo trường phái “diều hâu”, trong đó chủ yếu là những sỹ quan quân đội Trung Quốc, nhiều người trong số họ mang hàm Thiếu tướng như Doãn Trác, Trương Thiệu Trung… thường có những bài viết, phát biểu mang tính hiếu chiến, đe dọa các nước liên quan. Trong bất cứ vụ việc gì ở Biển Đông, bất kể là hành động khiêu khích của Trung Quốc hay những hành đông vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, số chuyên gia này đều sử dụng chiêu bài “cả vũ lấp miệng em”, kêu gọi Chính phủ Trung Quốc dùng vũ lực giải quyết hoặc lên án các nước “xâm phạm chủ quyền” của Trung Quốc.

Trong cùng thời điểm, TQ tuyên bố thành lập 3 trung tâm là nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế và tìm cách củng cố yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông. Bên lề Diễn đàn Châu Á Bác Ngao hàng năm tại tỉnh Hải Nam, Viện Nghiên cứu Biển Đông quốc gia Trung Quốc (NISCSS) và Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế của Indonesia (25/3) tuyên bố thành lập Trung tâm Trung Quốc – Đông Nam Á Nghiên cứu về Biển Đông (CSARC). Giám đốc Cục Hải dương Trung Quốc (SOA) Vương Hồng (16/3) tuyên bố Trung Quốc sẽ thành lập trung tâm cảnh báo sóng thần ở Biển Đông. Phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc, Chủ tịch Tòa Án Tối Cao Trung Quốc Chu Cường (13/3) cho biết, Trung Quốc sẽ thành lập “Trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế” nhằm “kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, các quyền hàng hải và lợi ích cốt lõi khác của Trung Quốc”.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng mục đích của CSARC là nhằm “tăng cường trao đổi học thuật và thể chế đồng thời đẩy mạnh việc duy trì hòa bình và ổn định chung trên biển giữa các nước trong khu vực”. Trong khi đó, Giám đốc NISCSS Ngô Sỹ Tồn khẳng định Trung tâm sẽ là nền tảng cho các thảo luận liên quan đến Biển Đông, là một mô hình hợp tác nghiên cứu hàng hải giữa các nước trong khu vực. NISCSS sẽ thường xuyên tổ chức các hội thảo quốc tế và trao đổi học thuật tại thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Trái ngược với những gì Trung Quốc tuyên bố, giới chuyên gia, học giả quốc tế nhận định, việc Trung Quốc thành lập những Trung tâm trên, đặc biệt là “Trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế” là là động thái tiếp theo nằm trong chuỗi chiến lược hiện thực hóa yêu sách phi lý về chủ quyền tại những vùng biển mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép; đây có thể là bước chuẩn bị cho việc Trung Quốc sẽ tuyên bố không chấp nhận những phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc tại The Hague (Hà Lan) liên quan vụ Philippiens kiện Trung Quốc.

Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu về Biển Đông. Công tác nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam thời gian qua đã gặt hái được nhiều thành công, góp phần lớn vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều Hội thảo quốc tế về Biển Đông, có nhiều bài viết đánh giá về tình hình Biển Đông được giới chuyên gia quốc tế sử dụng làm trích dẫn trong các đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, cùng với việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền sai sự thật về tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghiên cứu về biển đảo, góp phần tuyên truyền thông tin chính xác cho cộng đồng quốc tế, giúp người dân trên thế giới hiểu được chính sách bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam và lên án những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới