Saturday, April 20, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiViệt Nam sẽ là 1 trong 2 nền kinh tế tăng trưởng...

Việt Nam sẽ là 1 trong 2 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ĐNA

Đây là ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo các Ngân hàng Châu Á lần thứ 17 do Ngân hàng Nhà nước VN và The Asian Banker tổ chức diễn ra sáng 11/5.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị

Hệ thống ngân hàng đã thực hiện cải cách toàn diện

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và ủng hộ Chủ đề của Hội nghị lần này là “các đột phá mới”- phản ánh tầm nhìn dài hạn với quyết tâm thực hiện đổi mới sáng tạo, hướng tới một cộng đồng tài chính – ngân hàng năng động, hiệu quả, vượt qua thách thức để cùng phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và hướng tới phát triển bền vững với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% trong giai đoạn 2016-2020. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ và là một trong ba quốc gia Đông Á tăng trưởng khởi sắc trong năm 2015; đồng thời nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ ổn định và sẽ là một trong hai nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2016.

Thủ tướng khẳng định tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, từng bước tiếp cận  chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng cho biết thêm, thời gian qua hệ thống ngân hàng VN đã thực hiện cải cách toàn diện nhằm phát huy tối đa được vai trò của mình cũng như đáp ứng sự phát triển năng động của một nền kinh tế đang đổi mới mạnh mẽ. Sau 5 năm cải cách, bức tranh toàn cảnh của toàn hệ thống đã được đổi thay tích cực, đóng góp quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng được dư luận trong nước và quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Tiếp tục cải cách ngân hàng là yếu tố khách quan

Theo Thống đốc ngân hàng nhà nước VN Lê Minh Hưng, Ngân hàng Nhà nước xác định cải cách ngân hàng là một tất yếu khách quan và nhu cầu nội tại của hệ thống cần được tiến hành thường xuyên, liên tục để chủ động đối phó với những khó khăn, biến các thách thức thành cơ hội phát triển bền vững trong tương lai.

Thống đốc cũng cho biết thêm, song song với quá trình cải cách hệ thống ngân hàng là việc VN đã chủ động và tích cực hội nhập với nền kinh tế khu vực và quốc tế. Ông Hưng cũng chỉ ra hai dấu mốc quan trọng gần đây nhất của tiến trình hội nhập ngành ngân hàng là việc cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập và kết thúc đàm phán, ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do quan trọng trong đó nổi bật là hiệp định Châu Á xuyên Thái Bình Dương (TPP).

“Quá trình hội nhập quốc tế vừa là cơ hội vừa là áp lực và cả động lực để các cơ quan quản lý cũng như các tổ chức tài chính trong nước không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. Do vậy, ngành ngân hàng đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ thể chế, nâng cao năng lực xây dựng và hoạch định chính sách, thanh tra giám sát và quản lý hệ thống ngân hàng, tăng cường minh bạch hóa thông tin, năng lực thể chế, đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, tiến tới áp dụng các chuẩn mực quốc tế cao” – Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Thống đốc ngân hàng nhà nước khẳng định thời gian tới, ngành ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hội nhập với hệ thống tài chính khu vực và thế giới, không ngừng nâng cao năng lực, áp dụng chuẩn mực quốc tế, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường Việt Nam. Đồng thời, Thống đốc bày tỏ mong muốn trong giai đoạn cải cách mạnh mẽ sắp tới, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng trong nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới