Wednesday, April 24, 2024
Trang chủĐiểm tinMỹ cảnh báo tên lửa DF-26 của Trung Quốc đe doạ đảo...

Mỹ cảnh báo tên lửa DF-26 của Trung Quốc đe doạ đảo Guam

Chính phủ Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang nâng tầm bắn của nhiều loại vũ khí, đặc biệt là tên lửa tầm trung DF-26 để tấn công đảo Guam của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột.

 

Tên lửa tầm trung DF-26 của Trung Quốc

Uỷ ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ – Trung (USCC) thuộc chính phủ Mỹ hôm 10.5 công bố báo cáo cho rằng Trung Quốc gần đây đã trình làng nhiều loại tên lửa đạn đạo và hành trình mới, đặt ra mối đe doạ cho Mỹ.

Báo cáo còn đánh giá Trung Quốc tiếp tục phát triển công nghệ giúp nâng cao độ chính xác của các loại vũ khí nhắm mục tiêu vào các thực thể trên đảo Guam của Mỹ tại Thái Bình Dương và các thực thể xung quanh.

Theo giáo sư nghiên cứu chiến lược Toshi Yoshihara tại trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, vùng chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc vẫn chỉ đạt được đến chuỗi đảo thứ nhất (tức vùng phòng thủ của Mỹ từ đảo Okinawa đến Đài Loan rồi Philippines). Tuy nhiên, nếu Trung Quốc mở rộng đến chuỗi đảo thứ hai (gồm đảo Guam), thì đảo Guam rồi sẽ mất đi lợi thế “không thể bị đụng đến”.

Mối lo ngại lớn nhất được nêu trong bản báo cáo này là tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26. Tên lửa này có nhiều biến thể, tầm bắn từ 3.000-4.000 km, xa hơn mọi loại tên lửa hiện tại của Trung Quốc, trừ tên lửa liên lục địa. DF-26 được các chuyên gia đặt cho biệt danh là “Sát thủ Guam” vì có thể được phóng từ lục địa Trung Quốc và bắn tới đảo Guam của Mỹ.

Theo báo cáo cảnh báo, tên lửa DF-26 sẽ giúp Trung Quốc có được những cú đánh đa dạng và chất lượng nhất từ trước đến nay nhắm vào đảo Guam.

DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung đầu tiên của Trung Quốc có khả năng bắn tới Guam. Thiết kế của loại tên lửa này cho phép nó mang theo nhiều loại đầu đạn, gồm cả đầu đạn hạt nhân. Hồi tháng 9.2015, Trung Quốc đã trình làng tên lửa này tại buổi duyệt binh. Theo báo cáo của USCC, có thể Trung Quốc đã đưa loại tên lửa này đi vào hoạt động dù với số lượng nhỏ.

Chuyên gia Eric Heginbotham nghiên cứu quốc phòng châu Á tại Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) nhận định mối đe doạ của DF-26 là có thật. Theo ông, tên lửa này cơ bản được thiết kế nhằm tấn công đảo Guam và trong vài năm tới, những vũ khí khác của Trung Quốc có khả năng cũng đạt được sự hiệu quả đó, đặc biệt là tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm, theo tạp chí Foreign Policy.

Mỹ cảnh báo tên lửa DF-26 của Trung Quốc đe doạ đảo Guam - ảnh 2

Trung Quốc có thể bắn nhiều tên lửa DF-26 cùng lúc để tấn công nhằm bù lại sự thiếu chính xác của loại tên lửa này AFP

Báo cáo của USCC đánh giá rằng khả năng xảy ra một cuộc tấn công nhắm vào Guam là thấp vì sự thiếu chính xác của loại tên lửa đạn đạo tầm trung này, nhưng việc Trung Quốc tiếp tục ra mắt và triển khai các loại vũ khí mới có thể đe doạ lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Theo đó, mối lo ngại chủ yếu là Trung Quốc sẽ bắn nhiều tên lửa DF-26 để bù lại mức độ thiếu chính xác của loại tên lửa này; hoặc có thể cho tàu ngầm tiếp cận và khai hoả với hy vọng một vài tên lửa sẽ không bị phát hiện.

Đảo Guam hiện là nơi đồn trú của hơn 5.000 lính Mỹ, nhiều cơ quan quân sự và 4 tàu ngầm hạt nhân. Nhiều máy bay chiến đấu đa nhiệm và máy bay ném bom cũng thường xuyên có mặt tại đây.

Mỹ cảnh báo tên lửa DF-26 của Trung Quốc đe doạ đảo Guam - ảnh 3

Các chuyên gia cho rằng THAAD chỉ thường dùng để chống tên lửa liên lục địa chứ không để chống một cuộc tấn công ồ ạt các tên lửa tầm ngắn Bộ Quốc phòng Mỹ

Các chuyên gia cho rằng Mỹ có nhiều cách để đề phòng Trung Quốc tấn công căn cứ chiến lược này, bao gồm tăng cường khả năng phòng thủ tại đảo Guam. Hiện Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Guam. Hệ thống này có thể phát hiện và ngăn chặn các tên lửa đạn đạo như DF-26. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng THAAD thường chỉ được sử dụng chống tên lửa liên lục địa hơn là chống nhiều tên lửa tầm ngắn cùng lúc.

Mặt khác, Mỹ có thể đầu tư vào các hệ thống phòng thủ mới như súng điện từ… Một lựa chọn khác là Mỹ có thể phân tán lực lượng khắp Thái Bình Dương thay vì tập trung tại Guam.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Heginbotham, phân tán lực lượng cũng đồng nghĩa với việc làm mất đi sự hiệu quả trong hoạt động của các đơn vị, làm sức mạnh chiến đấu bị giảm sút nếu xảy ra xung đột.

RELATED ARTICLES

Tin mới