Thursday, April 25, 2024
Trang chủQuân sựMỹ kích hoạt lá chắn tên lửa châu Âu, Nga dọa đáp...

Mỹ kích hoạt lá chắn tên lửa châu Âu, Nga dọa đáp trả

Bất chấp giải thích rằng hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm vào Iran, điện Kremlin coi đây là mối đe dọa trực tiếp.

Phi đội bay F-16 của Không quân Mỹ biểu diễn tại Mihail Kogalniceanu, Romania ngày 8/6/2011. (Nguồn: AP)

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ châu Âu từ các mối đe dọa tên lửa đạn đạo được nâng mức sẵn sàng hoạt động tuần này, bao gồm kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa tại một căn cứ ở Romania ngày 12/5 và triển khai xây dựng hệ thống tương tự tại một căn cứ khác ở làng Redzikowo, Ba Lan ngày 13/5. Căn cứ này dự kiến sẽ hoạt động năm 2018.

Hệ thống phòng thủ tại căn cứ không quân ở Deveselu, miền nam Romania đã được phát triển trong nhiều năm và theo các quan chức NATO và Hoa Kỳ, nhằm chống lại các mối đe dọa tiềm tàng từ tên lửa tầm xa ở Trung Đông, chủ yếu là từ Iran.

“Phổ biến tên lửa đạn đạo là một mối đe dọa ngày càng gia tăng”, Phó phát ngôn viên NATO Carmen Romero nói. “Ngày càng có nhiều nước đang cố gắng để phát triển hoặc sở hữu tên lửa đạn đạo. Hơn nữa, công nghệ tên lửa đang trở nên tinh vi hơn, sát thương với độ chính xác cao và tầm bắn được mở rộng.”

Hoa Kỳ và NATO nói rằng lá chắn tên lửa này – có khả năng theo dõi và bắn hạ tên lửa – hoàn toàn nhằm mục đích phòng thủ và, trong bất kỳ trường hợp nào cũng không thể chống lại kho dự trữ lớn gồm nhiều tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga.

“Chúng tôi đã có những thách thức rất, rất khó khăn” khi đối phó với Nga, Frank Rose, Trợ lý Ngoại trưởng về Kiểm soát và thanh sát vũ khí cho biết ngày 11/5. “Nga đã và đang xây dựng một hệ thống tiên tiến trong một thời gian dài và họ làm điều đó rất tốt. Chúng tôi không có năng lực kỹ thuật để đối phó với mối đe dọa đó.”

Trước đó, Nga đã kịch liệt phản đối việc khởi động và triển khai thêm một hệ thống quân sự tiên tiến ngay trước cửa ngõ đất nước. Và động thái trên chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây lên mức trầm trọng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Dù hiện tại, hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO chưa phải là mối đe dọa đối với khả năng hạt nhân của Nga nhưng điện Kremlin quan ngại về lá chắn tên lửa này có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác định quyết tâm của Mỹ và NATO theo đuổi dự án trên ngay cả sau khi đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran là bằng chứng về việchệ thống tên lửa trên là nhằm chống lại Nga.Các quan chức phương Tây đã bác bỏ điều này.

Nga đã đe dọa sẽ phản ứng với kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan bằng cách triển khai tên lửa Iskander đến Kaliningrad, vùng lãnh thổ của Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania.

Tên lửa Iskander, có thể được trang bị cả đầu đạn hạt nhân và thông thường, có tầm bắn lên tới khoảng 500 km (300 dặm) và bao phủ lãnh thổ Ba Lan. Vũ khí này đã được triển khai tạm thời đến Kaliningrad trong cuộc diễn tập quân sự trong năm ngoái để chứng minh khả năng triển khai vũ khí nhanh chóng của Nga.

Hai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania và Ba Lan là một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa Tiếp cận thích ứng châu Âu theo từng giai đoạn. Hiện nay hệ thống này cũng bao gồm các radar ở Thổ Nhĩ Kỳ và bốn tàu khu trục hải quân với một hải cảng ở Tây Ban Nha. Hệ thống này đang hoạt động dưới sự chỉ huy của Hải quân Hoa Kỳ, nhưng sẽ được chuyển giao cho NATO khi hoàn thiện chương trình hoạt động.

RELATED ARTICLES

Tin mới