Wednesday, April 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiThông điệp từ việc Mỹ điều chiến hạm áp sát Đá Chữ...

Thông điệp từ việc Mỹ điều chiến hạm áp sát Đá Chữ Thập

“Trước những hành động cứng rắn và ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ đã đáp trả bằng những hành động mạnh mẽ. Thông qua việc điều chiến hạm đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Chữ Thập, Mỹ muốn “nhắc nhở” Trung Quốc tôn trọng các quy tắc trong luật pháp quốc tế”, Tiến sĩ Trần Việt Thái nhận định.

Khu trục hạm USS William P. Lawrence mang theo tên lửa dẫn đường đã thực hiện tuần tra khu vực 12 hải lý quanh Đá Chữ Thập hôm 10/5 (Ảnh: Navy.time).

Thông tin về việc hôm 10/5, Mỹ đã điều khu trục hạm USS William P. Lawrence đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1988 đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế.

Để cung cấp thông tin đa chiều đến độc giả, phóng viên Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao xoay quanh vấn đề này.

TS Trần Việt Thái cho biết: Đây là lần thứ 3 kể từ chưa đầy 1 năm trở lại đây, Mỹ đã điều chiến hạm và chiến đấu cơ tuần tra ở Biển Đông. Đặc biệt, là áp sát các thực thể nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Trường Sa và Hoàng Sa trong phạm vi 12 hải lý. Điều này rõ ràng, Mỹ đã và đang hiện thực hóa được một số mục tiêu.

Thứ nhất, Mỹ đã tuyên bố chương trình tuần tra thực thi quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.  Nhằm chuyển một thông điệp rất mạnh mẽ tới các nước trong khu vực cũng như toàn thế giới, nhất là đối với Trung Quốc – nước đã đơn phương tiến hành các hoạt động bành trướng lãnh thổ, quân sự hóa Biển Đông một cách trắng trợn trong thời gian qua về quyền tự do đi lại vô hại trên biển, không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào khác.

dieu chien ham ap sat da chu thap my tiep tuc nhac nho trung quoc
Tiến sĩ Trần Vệt Thái – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao

Thứ hai, với các bước đi cứng rắn, quyết liệt và ngày càng ngang ngược ở Biển Đông, Trung Quốc đang đi ngược lại các quy tắc của luật pháp quốc tế. Bằng chứng là đường băng dài tới 3000m được xây dựng trên Đá Chữ Thập, tập trận bắn đạn thật rầm rộ trên Biển Đông.

Điều này làm gia tăng căng thẳng và là một bước quan trọng trong quá trình Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa các thực thể nhân tạo ở Biển Đông. Và Mỹ phải có hành động đáp trả mạnh mẽ.

Thứ ba, Mỹ cũng muốn thông qua hành động lần này để “nhắc nhở” Trung Quốc nên tôn trọng các quy tắc trong luật pháp quốc tế. Nhất là Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 mà nước này cũng là thành viên ký kết. Mỹ luôn có chính sách nhất quán là tôn trọng tự do hàng hải, không muốn cho các nước khác có tuyên bố quá đáng trên Biển Đông.

dieu chien ham ap sat da chu thap my tiep tuc nhac nho trung quoc
Hình ảnh Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam sau khi đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây dựng đường băng dài 3000m phục vụ mục đích quân sự hóa (Ảnh: CSIS).

“Qua chuyến tuần tra bằng tàu khu trục USS William P. Lawrence lần này, Mỹ cũng muốn gửi tới Trung Quốc thông điệp rằng, Mỹ sẽ ngày càng can dự sâu rộng hơn vào vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trung Quốc nên tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) trước vụ kiện Đường lưỡi bò do Philippines khởi xướng từ năm 2012. Nguy cơ làm căng thẳng tình hình Biển Đông sẽ còn xảy ra nếu Trung Quốc ngày càng hung hăng”, TS. Trần Việt Thái nhận định.

Cũng theo TS. Thái, không thể không nhắc tới tác động và thông điệp của chuyến tuần tra lần này trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ B. Obama (Từ 22 – 25/5), Trung Quốc sẽ có những sự tính toán. Đặc biệt, trong chương trình nghị sự giữa lãnh đạo cấp cao Việt – Mỹ chắc chắn sẽ có vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

“Trước các bước đi mạnh mẽ và quyết đoán của các cường quốc tại khu vực này, các nước liên quan như Việt Nam nên có những đối sách thật phù hợp và tỉnh táo. Về mặt ngoại giao, chúng ta vẫn luôn kiên định con đường hòa bình để giải quyết các tranh chấp theo tinh thần của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Chúng ta hoan nghênh sự đóng góp tích cực của các bên vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông”, vị Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược chia sẻ thêm.

RELATED ARTICLES

Tin mới