Saturday, November 2, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHoàn Cầu ấm ức: Mỹ bỏ cấm vận vũ khí với Việt...

Hoàn Cầu ấm ức: Mỹ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam, sao không dỡ với TQ?

Đến giờ này Thời báo Hoàn Cầu vẫn loay hoay, quanh quẩn với ý thức hệ, nhân quyền trong khi quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và xu thế văn minh tiến bộ…

Xã luận Thời báo Hoàn Cầu ngày 24/5 tiếp tục tuyên truyền chống phá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và chuyến thăm chính thức của Tổng thống Barack Obama với tít bài: “Xã luận: Obama trước khi rời nhiệm sở không thả lưới bủa vây Trung Quốc”.

Mỹ dỡ hoàn toàn cấm vận vũ khí cho Việt Nam, sao vẫn cấm vận Trung Quốc?

Mở đầu bài xã luận, Thời báo Hoàn Cầu viết: “Hôm 23/5 Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam đã kéo dài 41 năm qua, dỡ bỏ rào cản cuối cùng do Chiến tranh Việt Nam để lại. Trước đó, năm 2014 Mỹ đã tuyên bố nới lỏng lệnh cấm vận này.

Mặc dù Obama nói rằng động thái này không nhằm vào Trung Quốc, nhưng hậu quả của kiểu làm ăn “giấu kim trong bọc sẽ có ngày lòi ra” rõ ràng sẽ làm trầm trọng hơn xu thế đối đầu chiến lược giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.

Giao dịch vũ khí giữa Mỹ và các nước có hệ thống chính trị khác biệt như Trung Quốc và Việt Nam chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng. Đồng thời nó cũng chịu sự chi phối với những tiêu chuẩn, thước đo nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực khác.

Lâu nay Mỹ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc, cấm luôn cả châu Âu bán vũ khí cho Trung Quốc. Động thái này hầu hết được xem là do bắt nguồn từ sự khác biệt về ý thức hệ.

Nhưng hiện tại với việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, một quốc gia theo thể chế xã hội chủ nghĩa, có thể thấy chiến lược ngoại giao của Mỹ không còn bị “ý thức hệ hóa” như trước khiến người ta phải xem xét lại, nghiên cứu kỹ.

Cử chỉ này của ông Obama vừa nhằm mục đích để lại di sản ngoại giao trước khi rời Nhà Trắng, đồng thời còn tính toán đến chiến lược thúc đẩy chính sách xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương. Khi Mỹ cần gấp rút bao vây Trung Quốc trên Biển Đông, bất luận là ý thức hệ hay nhân quyền đều có thể nới lỏng hơn một chút.”

Đến giờ này Thời báo Hoàn Cầu vẫn loay hoay, quanh quẩn với ý thức hệ, nhân quyền trong khi quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và xu thế văn minh tiến bộ, hợp tác hữu nghị của nhân loại đã phát triển một chặng đường quá xa.

Với tư duy và lập luận luẩn quẩn như vậy thì có thể hiểu, tại sao Thời báo Hoàn Cầu lại thấy ấm ức vì Mỹ không dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Trung Quốc.

Thời báo Hoàn Cầu là một trong những cơ quan ngôn luận hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc mà vẫn sử dụng chiêu bài ý thức hệ, nhân quyền để tuyên truyền chống phương Tây, chống Hoa Kỳ, chống quan hệ Việt – Mỹ thì lấy đâu ra lòng tin để hợp tác với Mỹ và phương Tây mà đòi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí với Trung Quốc?

Mặt khác, “giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình là muốn xẻ đôi Thái Bình Dương với Hoa Kỳ, đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông, vượt mặt Washington trở thành bá chủ, siêu cường số 1 bằng quân sự kết hợp kinh tế mặc nhiên là rào cản vững chắc đối với khả năng Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Trung Quốc.

Bởi lẽ rất đơn giản, làm gì có chuyện người Mỹ hai tay dâng công nghệ quân sự tiên tiến của mình cho Trung Quốc giúp họ tiếm ngôi, soán vị, “đá” Mỹ văng khỏi khu vực châu Á – Thái Bình Dương? 

Thời báo Hoàn Cầu cũng nên hiểu điều này, để đừng đặt ra những câu hỏi ngây ngây ngô ngô không có lời đáp như vậy.

Tất nhiên, Trung Quốc không mua được vũ khí tiên tiến của Mỹ hay các nước khác mà vẫn cho ra được những sản phẩm “na ná” thì có thể hiểu họ đi bằng con đường nào, cũng như trình độ “nhái” của họ tài giỏi đến đâu. Càng như vậy, Mỹ và phương Tây càng phải cảnh giác.

Ngoài ra, nếu Trung Quốc không theo đuổi mục tiêu bành trướng, độc chiếm Biển Đông bằng những hành vi leo thang, phiêu lưu quân sự, uy hiếp an ninh quốc gia của các nước láng giềng ở Biển Đông thì đã không có chuyện các nước nhỏ phải tìm cách nâng cao phòng thủ và kêu gọi Hoa Kỳ tăng cường cam kết bảo vệ tự do hàng hải, hàng không và luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Thời báo Hoàn Cầu nên nhìn lại chính hành vi của Trung Quốc và tự trả lời xem, tại sao cả khu vực này đều cảnh giác trước Trung Quốc? Đặt vấn đề Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam là nhằm vào Trung Quốc là hoàn toàn sai lầm.

Chỉ khi nào Bắc Kinh hiểu rằng, sở dĩ Mỹ phải làm điều này chính là vì hành vi leo thang bành trướng, phiêu lưu quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông thì khi đó bài toán tự nó có lời giải. Trung Quốc bỏ đường lưỡi bò, quay trở lại hành xử đàng hoàng theo luật pháp quốc tế là Biển Đông lại thái bình, sóng yên bể lặng, dù nước nào đó muốn chống Trung Quốc cũng khó.

Tự dệt lưới ảo tưởng, mua dây buộc mình

Thời báo Hoàn Cầu viết: “Trong chiến lược của Mỹ xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam có một vị trí đặc biệt. Chính sách của Mỹ nhằm vào Việt Nam có 3 điểm tập trung:

Một là thông qua nhấn mạnh dân chủ, nhân quyền, tiếp tục giương cao ngọn cờ giá trị Mỹ tại Đông Nam Á.

Hai là mượn tay Việt Nam để khuấy Biển Đông. 6 năm trước Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố, Mỹ có lợi ích quốc gia cốt lõi ở Biển Đông khi tham dự hội nghị tại Hà Nội đã khiến Biển Đông không còn một ngày bình yên.

Ba là thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam, lấy TPP làm nền tảng để tái tổ chức dây chuyền sản xuất, hy vọng thông qua đó chiếm thị phần của Trung Quốc trên thị trường quốc tế, thúc đẩy chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương thu được hiệu quả kinh tế.

3 điểm Mỹ tập trung thúc đẩy quan hệ với Việt Nam vừa nêu có thể xem như 3 tấm lưới Hoa Kỳ đang giăng ra để bủa vây Trung Quốc: Ý thức hệ, an ninh và kinh tế thương mại. 3 tấm lưới này liên tục xiết chặt một mục tiêu trung tâm, đó là củng cố địa vị lãnh đạo của Hoa Kỳ trong khu vực. 

Việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam có liên quan đến 3 tấm lưới này, ý nghĩa thực tế của nó nằm ở chỗ tăng cường lòng tin giữa hai bên, mở rộng điều kiện hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.”

Bình luận của Thời báo Hoàn Cầu cho thấy sự ảo tưởng và ấu trĩ. Dân chủ, nhân quyền là những giá trị tiến bộ, văn minh và ngày càng phổ quát của nhân loại, cho dù có thể có cách hiểu, giải thích và vận dụng khác nhau tùy tình hình, hoàn cảnh mỗi nước.

Nếu nước độc lập mà người dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.

Do đó, việc Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường đối thoại, củng cố chia sẻ hiểu biết lẫn nhau về các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền là hành động thiết thực, vì lợi ích của nhân dân hai nước chứ không phải vì bất kỳ áp lực nào.

Còn câu chuyện Biển Đông ai mới là kẻ khuấy đục, thì chỉ cần nhìn vào các đảo nhân tạo, tên lửa phòng không HQ-9, tên lửa chống hạm YJ-63, chiến đấu cơ J-11, JH-7, siêu ra đa quân sự, siêu giàn khoan 981 và hành vi cướp biển hung hãn nhằm vào ngư dân lương thiện các nước ven Biển Đông thì có thể tìm ngay được câu trả lời.

Do đó, 3 tấm lưới mà Thời báo Hoàn Cầu đề cập trên thực tế chính là do cuồng vọng bành trướng, tự kỷ nước lớn và thói quen hành xử võ biền bất chấp luật pháp quốc tế dệt thành, tự mua dây buộc mình rồi đổ vấy đổ thừa cho kẻ khác.

Giáo sư Trung Quốc mỉa mai: Việt Nam mỗi chân đứng trên một thuyền

Trong một động thái có liên quan, ngày 23/5, Thời báo Hoàn Cầu phỏng vấn Giáo sư Thời Ân Hoằng từ Đại học Nhân Dân Trung Quốc về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama. Ông Hoằng bình luận:

“Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam là một cột mốc quan trọng, đánh dấu hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Mặc dù Mỹ vẫn còn bất mãn với chế độ chính trị Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cũng như vấn đề nhân quyền, nhưng đứng trước một Trung Quốc đang trỗi dậy và ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực ngày càng tăng, Mỹ lựa chọn làm sâu sắc quan hệ với Việt Nam.

Sau khi dỡ bỏ cấm vận, nhiều khả năng Mỹ sẽ bán cho Việt Nam tàu chiến và vũ khí sát thương trên biển để bố trí ở Biển Đông. Đối với Việt Nam mà nói, tính toán đến các lợi ích kinh tế và an ninh, Việt Nam vẫn phải bảo vệ quan hệ với Trung Quốc, do đó Việt Nam bắt dầu bước mỗi chân lên một chiếc thuyền”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành Quốc khách của Tổng thống Obama tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng năm ngoái, Tổng thống Obama đang ở thăm Việt Nam 3 ngày, tuyên bố tôn trọng lựa chọn thể chế của Việt Nam và mong muốn thúc đẩy hợp tác toàn diện với Việt Nam, thiết nghĩ chỉ bấy nhiêu đã là câu trả lời đầy đủ nhất.

Chừng nào những học giả Trung Quốc còn lấn cấn, quẩn quanh với “ý thức hệ” và “nhân quyền”, chừng đó Trung Quốc sẽ vẫn còn một mình một kiểu, chẳng giống ai trong thế giới này.

Việt Nam ý thức được vai trò, vị thế cũng như khó khăn của mình khi nằm trong vòng cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn.

Ứng xử khéo léo trên cơ sở bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, lợi ích sống còn của dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế, đối thoại thay cho đối đầu là lựa chọn của Việt Nam.

Chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể bảo vệ mình, duy trì hòa bình, phát triển và góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực, trong đó cân bằng quan hệ giữa các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc – Hoa Kỳ là việc hết sức quan trọng.

Giáo sư Hoằng có thể gọi sự cân bằng ấy theo cách hiểu của ông là “mỗi chân trên một chiếc thuyền”, tất nhiên vế sau không nói ra thì ai cũng thấy, đó là 2 chiếc thuyền ấy đang đi ngược chiều nhau. Nói cách khác, dường như vị giáo sư Trung Quốc này chỉ muốn Việt Nam lựa chọn thuyền này hay thuyền kia mà thôi.

Nhưng Việt Nam có quỹ đạo, có mục tiêu, có đường đi của riêng mình. Tránh voi chẳng xấu mặt nào, nhưng không có nghĩa vì thế mà phải trở thành “chư hầu kiểu mới” của một loại “thực dân kiểu mới”.

Phải tốn bao xương máu và nước mắt, Việt Nam mới có được nền độc lập như ngày nay nên người Việt thấu hiểu, trân quý giá trị vĩnh hằng của độc lập dân tộc gắn liền tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Những ai nào thiện chí giúp đỡ Việt Nam thực hiện mục tiêu này, thì đó là bạn tốt của Việt Nam. Ngược lại, những ai chỉ chăm chăm ép Việt Nam phải “chọn thuyền”, kẻ đó đích thực không phải là bạn, phải hết sức cảnh giác.

RELATED ARTICLES

Tin mới