Tuesday, April 23, 2024
Trang chủBiển nóngTrung Quốc nghĩ gì về an ninh hàng hải ở Biển Đông

Trung Quốc nghĩ gì về an ninh hàng hải ở Biển Đông

Cùng với việc tích cực lôi kéo các nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, chuyên gia, học giả Trung Quốc còn đẩy mạnh các công tác nghiên cứu về an ninh hàng hải và đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ nhằm đảm bảo an ninh, lợi ích quốc gia và đối phó với những thách thức về an ninh hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhiều tàu Trung Quốc ngăn cản một tàu Cảnh sát biển Việt Nam (Ảnh: vnexpress)

Giới chuyên gia Trung Quốc đánh giá thách thức an ninh của Trung Quốc ở Biển Đông chủ yếu là do tranh chấp chủ quyền và một số nước lớn tăng cường can dự trong vấn đề Biển Đông

Thứ nhất, Biển Đông có trữ lượng dầu khí, khí đốt lớn và nguồn hải sản phong phú. Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc – CNOOC (11/2012) đã ước tính khu vực Biển Đông chứa khoảng 125 tỉ thùng dầu và hơn 14.000 tỉ m3 khí đốt thiên nhiên chưa được khai thác; có khoảng 2.040 loài cá gồm nhiều bộ, họ khác nhau, trong đó có giá trị kinh tế cao khoảng 110 loài, có trên 600 loài rong biển là nguồn thức ăn có dinh dưỡng cao và là nguồn dược liệu phong phú; dưới đáy biển có nhiều khoáng sản quý như thiếc, ti tan, thạch anh, nhôm, sắt, măng gan, đồng và các loại đất hiếm.

Thư hai, Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, Châu Âu – Châu Á, Trung Đông – Châu Á. Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông gồm: tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy – ê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Australia, New Zealand; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; tuyến Đông Á đi Australia và New Zealand, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150 – 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hồng Công.

Thứ ba, Trung Quốc chưa “thực thi quyền quản lý lâu dài” ở Biển Đông, năng lực hải quân tác chiến vùng biển xa còn hạn chế và số đảo Trung Quốc chiếm đóng (phi pháp) ít hơn so với một số nước tranh chấp. Hiện Trung Quốc đang chiếm đóng (phi pháp) 7 rạn san hô ở quần đảo Trường Sa, trong khi đó Việt Nam quản lý 21 thực thể, Philippines quản lý 10 thực thể, Malaysia quản lý 7 thực thể.

Thứ tư, các nước ASEAN đẩy mạnh hợp tác khai thác tài nguyên và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

Thứ năm, một số nước lớn (Mỹ, Nhật Bản…) tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, đẩy mạnh can thiệp trong vấn đề Biển Đông nhằm ngăn chặn Trung Quốc thực thi “chủ quyền” và quyền khống chế các tuyến hàng hải quan trọng trong khu vực.

Thứ sáu, cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng. Mỹ vừa viện cớ tuần tra, giám sát hoạt động tự do hàng hải để giám sát Trung Quốc, vừa cố tình xâm nhập bất hợp pháp vùng biển và vùng trời của Trung Quốc, khiến an ninh hàng hải của Trung Quốc bị đe dọa nghiêm trọng. Trong vài tháng gần đây, Mỹ đã thực hiện 3 chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông. Chiến dịch thứ nhất diễn ra gần đá Subi, chiến dịch thứ hai diễn ra gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hòn đảo có khu vực lãnh hải 12 hải lý theo UNCLOS, chiến dịch thứ ba gần khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trên đá Chữ Thập thuộc chủ quyền của Việt Nam. Mỹ (18/5) cũng cáo buộc Trung Quốc cử 02 máy bay chiến đấu J – 11 áp sát máy bay do thám EP – 3 của Mỹ khi đang hoạt động ở Biển Đông với khoảng cách quá gần (áp sát ở khoảng cách 15 m), đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của phi hành đoàn.

Thứ bảy, vấn đề tranh chấp Biển Đông ngày càng phức tạp, nhiều nước sử dụng cả biện pháp cứng và mềm để quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông. Philipines đang tăng tốc một cách tích cực trong việc tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế đối với chủ quyền Biển Đông, từ việc lên án Trung Quốc đối với quân sự hóa chủ quyền, cho đến tìm sự ủng hộ về mặt hiện diện của Mỹ tại Biển Đông nhằm “ngăn chặn Trung Quốc thay đổi nguyên trạng ở Trường Sa.

Các mối đe dọa an ninh của Trung Quốc ở Biển Đông tiếp tục có xu hương gia tăng trong thời gian tới là do:

Thứ nhất, cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản có xu hướng kéo dài. Giới chuyên gia cho rằng, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh chủ yếu và sẽ triển khai tiếp các hoạt động kiềm chế, bao vây chiến lược Bắc Kinh. Đáng chú ý, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (15/4) hủy chuyến thăm Trung Quốc và đi thị sát tàu sân bay USS John Stennis hiện tại Biển Đông, Phó Chủ tịch quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long ngay lập tức đi thăm các đảo tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Giáo sư Tô Hạo, Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho biết, “Bắc Kinh xem các hành động của nước này ở Biển Đông là hợp pháp trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và Trung Quốc sẽ không thay đổi thái độ hay kế hoạch triển khai ở Biển Đông chỉ đơn thuần do Mỹ”.

Thứ hai, tranh chấp trên Biển Đông ngày càng phức tạp, Trung – Mỹ tiếp tục có nhiều bất đồng trong vấn đề Biển Đông và việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông có khả năng phát sinh các xung đột ngoài ý muốn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (31/3) cho rằng, những tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết bằng con đường hòa bình thông qua đối thoại trực tiếp giữa Trung Quốc và các bên liên quan, tái cam kết Bắc Kinh tôn trọng và giữ an toàn tự do hàng hải cũng như quyền bay của các nước khác ở khu vực Biển Đông theo luật pháp quốc tế; bày tỏ hi vọng Mỹ sẽ “tuân thủ nghiêm ngặt cam kết không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông”, mà thay vào đó đóng vai trò là bên duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Brack Obama vẫn khẳng định không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp này nhưng muốn đảm bảo tự do hàng hải và sẽ tăng cường cho tàu hải quân của nước này thực hiện tuần tra hàng hải ở Biển Đông trong thời gian sắp tới; cho biết Mỹ, Nhận Bản và Hàn Quốc cùng chia sẻ một tầm nhìn chung về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với nền tảng là “một trật tự dựa trên nguyên tắc, trong đó tất cả các quốc gia dù lớn dù nhỏ hành động theo các quy định và nguyên tắc chung”. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work bày tỏ lo ngại Trung Quốc có thể thiết lập một Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông và tuyên bố Mỹ sẽ không công nhận ADIZ do Trung Quốc đơn phương tuyên bố ở Biển Đông, khẳng định Mỹ sẽ xem đây là một động thái “gây bất ổn”.

Thứ ba, sự thay đổi cục diện chính trị và điều chỉnh chính sách trong quan hệ với Trung Quốc của một số nước nhỏ xung quanh sẽ ảnh hưởng đến an ninh của Bắc Kinh. Cục diện chính trị tại Myanmar, Việt Nam và Thái Lan có nhiều thay đổi (Myanmar vừa tổ chức bầu cử Tổng thống, Việt Nam tổ chức Đại hội và bầu cử Quốc hội, Thái Lan tiến hành cải cách Hiến pháp), đặc biệt là điều chỉnh chính sách ngoại giao và quan hệ với Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với môi trường an ninh Trung Quốc.

Thứ tư, chủ nghĩa khủng bố và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống tiếp tục gia tăng. China Daily cho biết, trong năm 2016 Trung Quốc sẽ bắt đầu đưa ra gói quy định đầu tiên về chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo ở Khu tự trị Tân Cương – Uighur. Người đứng đầu Hội đồng Nhân dân khu tự trị Tân Cương – Uygur, ông Naim Yasin cho biết, điều đó sẽ cung cấp sự hỗ trợ pháp lý mạnh mẽ trong việc chống các mối đe dọa sự ổn định và an ninh của Trung Quốc. Trước đó, Hội nghị lần thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc khóa 12 đã thảo luận dự luật chống khủng bố đầu tiên của nước này. Nhiều đại biểu cho rằng, chủ nghĩa khủng bố đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình và phát triển trên thế giới, là kẻ thù chung của toàn nhân loại và cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Trung Quốc đang diễn ra vô cùng phức tạp, do đó việc ban hành luật chống khủng bố là cần thiết.

Thứ năm, Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và một số nước tiếp tục lên tiếng phản đối Trung Quốc cải tạo đảo, đá ở Biển Đông. Ngoài ra, Nhật Bản thông qua Luật An ninh mới, cho phép quyền tự vệ tập thể để can thiệp sâu hơn trong vấn đề Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhiều lần lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đào đắp đất và xây dựng trái phép các công trình trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam; yêu cầu Trung Quốc nghiêm túc tôn trọng chủ quyền Việt Nam, tôn trọng Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động xây dựng trái phép cũng như các hoạt động đơn phương khác và không để tái diễn hành động tương tự trong tương lai. Philippines đã gửi nhiều thư phản đối hành động thay đổi hiện trạng của Trung Quốc.

Thứ sáu, Việt Nam có thể tiếp nối Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài Liên hợp quốc và đẩy mạnh khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Đáng chú ý, giới chuyên gia kiến nghị Chính phủ Trung Quốc thực hiện tổng thể nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an ninh ở Biển Đông cũng như bảo vệ “chủ quyền” của Trung Quốc

Về chính sách: Kiên trì chính sách phát triển hòa bình, nhanh chóng đưa ra chiến lược tổng thể về Biển Đông, hoàn thiệt chính sách và luật pháp về biển; tăng cường phối hợp với Đài Loan để “bảo vệ quyền lợi” ở Biển Đông. Giải quyết tốt mối quan hệ với các nước ven Biển Đông, bao gồm tăng cường nghiên cứu hệ thống chính trị của các nước xung quanh, làm tốt công tác đánh giá và dự báo các mối nguy hiểm, phòng ngừa sự thay đổi chính trị của các nước gây thiệt hại và ảnh hưởng hoạt động kinh tế của Trung Quốc ở Biển Đông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông; tiếp tục xây dựng, cải tạo đảo, đá (phi pháp) ở Biển Đông; nâng cao năng lực bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Tích cực ngăn chặn các thế lực bên ngoài can thiệp vào vấn đề Biển Đông, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, làm tốt công tác định hướng dư luận trong nước. Lợi dụng và định hướng có hiệu quả các tổ chức phi chính phủ (NGO), nhằm phát huy tối đa tác dụng của NGO để đối phó với thách thức an ninh hàng hải ở Biển Đông. Trong kết cấu quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ, cần gia tăng quản lý, khống chế tốt những bất đồng trong quan hệ song phương và vấn đề Biển Đông, thúc đẩy hợp tác thực chất trên biển giữa Trung Quốc và Mỹ. Dựa trên “tư tưởng kép” do Thủ tướng Lý Khắc Cường đề ra để tăng cường hợp tác với ASEAN và thúc đẩy chuyển đổi mô hình an ninh Đông Á.

Về kinh tế: Cần điều chỉnh kết cấu kinh tế và phát triển kinh tế hải dương; giải quyết tình trạng nền kinh tế và tài nguyên phụ thuộc vào tình hình an ninh trên biển; tập trung phát triển kinh tế hải dương, nâng cao tỷ trọng kinh tế hải dương trong GDP.

Về quốc phòng: Ưu tiên phát triển hải quân đáp ứng yêu cầu đề phòng khả năng xảy ra chiến tranh với Đài Loan và bảo vệ “chủ quyền” lãnh hải; đảm bảo an ninh cho các vùng duyên hải và các tuyến đường hàng hải trọng yếu; tăng cường bố trí phòng thủ, nâng cao năng lực hải quân.

Về hợp tác quốc tế: Tăng cường hợp tác quốc tế đảm bảo an ninh ở Biển Đông; tích cực giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng, trước khi đạt được các hiệp nghị phân định biên giới, cần có biện pháp tạm thời đảm bảo hòa bình, ổn định các vùng biển tranh chấp.

Trên thực tế, tình hình an ninh hàng hải ở Biển Đông trở nên căng thẳng, mất ổn định không phải do các nước tích cực can dự vào tranh chấp Biển Đông mà là do các hành động hung hăng, coi thường pháp luật và xâm chiếm trái phép các đảo, đá của các nước láng giềng, trong đó phần lớn là của Việt Nam

Cùng với sức mạnh tổng hợp đang được nâng cao, Trung Quốc đẩy mạnh việc cải tạo phi pháp các bãi cạn, đá ở Biển Đông; quân sự hóa trên các đảo nhân tạo phi pháp; đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm (16/5 – 1/8); ngăn chặn phi pháp ngư dân các nước đánh bắt cá tại ngư trường truyền thống, trong vùng đặc quyền kinh tế của họ; áp đặt một số quy định về hàng hải ở Biển Đông; kiên quyết giữ lập trường giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bằng cách đàm phán song phương trực tiếp với các nước, nhằm gây sức ép, buộc các nước phải “nghe theo” Trung Quốc… khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng và giải quyết tranh chấp ở Biển Đông dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế đi vào bế tắc.

Việc các nước có tranh chấp ở Biển Đông hay những nước lớn có lợi ích ở Biển Đông can dự hay quốc tế hóa vấn đề Biển Đông cũng chỉ là hành động tự vệ, thượng tôn pháp luật nhằm đảm bảo hòa bình, ổn đinh ở Biển Đông cũng như chủ quyền của từng nước trong khu vực. Thiết nghĩ, các nước cần phải tăng cường đoàn kết hơn nữa, phối hợp hành động trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự để đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông, ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc.

Giới chuyên gia, học giả Trung Quốc đưa ra các bài nghiên cứu, đánh giá không khách quan về tình hình Biển Đông là nằm trong chiến lược tổng thể đánh lạc hướng cộng đồng quốc tế về những gì đang diễn ra thực tế ở Biển Đông. Thời gian tới, Trung Quốc chắc chắn sẽ không thay đổi quan điểm trong vấn đề Biển Đông, tích cực triển khai theo một số kiến nghị của giới chuyên gia Trung Quốc như tăng cường nghiên cứu hệ thống chính trị của các nước xung quanh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông, tiếp tục xây dựng, cải tạo đảo, đá (phi pháp) ở Biển Đông, ngăn chặn các thế lực bên ngoài can thiệp vào vấn đề Biển Đông, điều chỉnh kết cấu kinh tế và phát triển kinh tế hải dương, ưu tiên phát triển hải quân…

RELATED ARTICLES

Tin mới