Thursday, March 28, 2024
Trang chủĐiểm tinĐối thoại Shangri-La khai mạc tại Singapore: Biển Đông sẽ là tâm...

Đối thoại Shangri-La khai mạc tại Singapore: Biển Đông sẽ là tâm điểm

Diễn đàn an ninh thường niên lớn nhất châu Á sẽ khai mạc hôm nay 3/6 tại Singapore, với các chủ đề trọng tâm là tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, các hành động quân sự của Triều Tiên và chủ nghĩ Hồi giáo cực đoan.

Các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông được dự đoán sẽ bị chỉ trích mạnh mẽ tại diễn đàn (Ảnh: Reuters)

Đối thoại Shangri-La, một hội nghị thượng đỉnh an ninh hàng đầu khu vực được Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London tổ chức, sẽ có sự tham dự của ít nhất 20 bộ trưởng quốc phòng các nước, giám đốc điều hành của IISS tại châu Á Tim Huxley cho hay.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha, một cựu quan chức quân đội lên nắm quyền cách đây 2 năm, dự kiến có bài phát biểu quan trọng để khai mạc diễn đàn.

Ngoài chủ đề các hành động quân sự của Triều Tiên và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong khu vực, tranh chấp Biển Đông dự kiến sẽ là một trọng tâm của các cuộc thảo luận, giữa lúc Trung Quốc gia tăng các hành động bành trướng trong khu vực.

Diễn đàn cũng là nơi để quan chức quân sự các nước hội thảo kín.

Các diễn đàn những năm trước đã chứng kiến các cuộc “đấu khẩu” công khai giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter ngày 2/6 đã tới Singapore để tham gia Đối thoại Shangri-La.Sự hiện diện của ông Carter nằm trong một nỗ lực ngoại giao lớn hơn của Mỹ nhằm xây dựng và duy trì các liên minh ở châu Á-Thái Bình Dương, mà Mỹ xem là đóng vai trò quan trọng đối với các lợi ích an kinh và kinh tế lâu dài của chính nước này.

Chuyến đi tới Singapore lần này là chuyến công du thứ 5 của ông Carter tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi ông gọi là khu vực quan trọng nhất đối với tương lai nước Mỹ, kể từ khi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tháng 2/2015.

Những tuyên bố cứng rắn của Mỹ

Trong năm qua, Trung Quốc đã gia tăng các cuộc tuần tra hàng hải trên khắp Biển Đông và xây dựng một loạt các đảo nhân tạo phi pháp .

Ông Carter đã lên tiếng rất mạnh mẽ về các động thái quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và chỉ mới tuần trước đã cảnh báo Bắc Kinh đang có nguy cơ xây “Vạn Lý Trường Thành tự cô lập”.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã lên tiếng rất mạnh mẽ về các động thái quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông (Ảnh: AFP)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã lên tiếng rất mạnh mẽ về các động thái quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông (Ảnh: AFP)

Không có cuộc gặp chính thức nào giữa Mỹ và Trung Quốc tại Shangri-La, nơi ông Carter sẽ có bài phát biểu quan trọng vào thứ Bảy.

Trung Quốc đã bóng gió về chuyện có thể sớm tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Bắc Kinh đã làm điều tương tự 2 năm trước ở Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo tranh chấp với Nhật.

“Tất nhiên chúng tôi sẽ rất quan ngại về tuyên bố của Trung Quốc đối với một ADIZ”, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay. “Việc tuyên bố ADIZ trên vùng lãnh thổ tranh chấp là hành động khiêu khích”.

Tuy nhiên, quan chức trên cũng khẳng định “một tuyên bố như vậy không ảnh hưởng tới các hoạt động quân sự của chúng tôi”. Quân đội Mỹ đã tiến hành vài cuộc tuần tra tự do hàng hải bằng cách điều tàu và máy bay đi qua các khu vực Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền để chứng tỏ rằng Mỹ không công nhận các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.

Washington cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các mối quan hệ với các đối tác khu vực để đối trọng với các hành động của Trung Quốc.

Trong khi đó, căng thẳng ở Biển Đông được dự đoán sẽ đẩy chi tiêu quốc phòng tại châu Á-Thái Bình Dương tăng gần 25% từ năm 2015 lên khoảng 533 tỷ USD vào năm 2020, tạp chí quốc phòng IHS Jane’scho biết trong một nghiên cứu công bố ngày 2/6.

“Đến năm 2020, trung tâm thu hút chi tiêu quốc phòng dự kiến sẽ tiếp tục chuyển dịch từ các quốc gia đang phát triển ở Tây Âu và Bắc Mỹ sang các thị trường đang nổi, đặc biệt tại châu Á”, giám đốc IHS Jane’sPaul Burton cho hay.

RELATED ARTICLES

Tin mới