Friday, April 19, 2024
Trang chủĐiểm tinĐường sắt đô thị ra Nội Bài: Vẫn lợi thế thầu Trung...

Đường sắt đô thị ra Nội Bài: Vẫn lợi thế thầu Trung Quốc?

Nhà thầu Trung Quốc luôn có lợi thế hơn so với các nhà thầu khác vì bỏ thầu giá rẻ, đánh vào điểm yếu của Việt Nam là nguồn vốn.

Đề xuất xây dựng dự án đường sắt đô thị từ sân bay Nội Bài về trung tâm

Đã cần chưa?

Trước việc UBND TP. Hà Nội kêu gọi vốn đầu tư cho dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 6, từ trung tâm Hà Nội tới sân bay Nội Bài, dài 47km, đường đôi 1435mm, tổng vốn đầu tư là 14.282 tỷ đồng, PGS.TS Nguyễn Đình Thám – Trưởng Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, đến năm 2020 thì thủ đô vẫn chưa cần có tuyến đường sắt đô thị này.

Phân tích rõ hơn quan điểm của mình, ông Thám nói: “Tuyến đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố hiện nay đã có nhiều công ty kinh doanh, như tuyến xe bus 86 chất lượng cao mới mở, taxi sân bay với hình thức khuyến mại một chiều.

Thế nhưng, lượng khách sử dụng các dịch vụ trên không hề nhiều, hoặc đến mức quá tải, cho nên việc xây dựng ngay dự án trên là chưa cần thiết, mà chỉ cần cho chiến lược phát triển lâu dài, nhưng chúng ta chưa nhiều tiền để làm các dự án viển vông trên.

Nghĩa là ở đây nếu muốn xây dựng thì phải dựa theo năng lực vận chuyển hành khách trong tương lai, dĩ nhiên, khi đưa ra dự án ai cũng sẽ đưa ra con số khổng lồ, vẽ ra hiệu quả lớn, nhưng thực tế triển khai thì chưa thể biết rõ. Vì thế, theo tôi trước mắt chưa cần đầu tư.

Nếu làm chiến lược quy hoạch, thì cũng nên chỉ rõ khi nào bắt đầu làm và phải làm với tốc độ nhanh, chứ không phải làm 5-10 năm như hiện nay”.

Đồng tình quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – Nguyên Hiệu trưởng Đại học xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, lưu lượng khách đi từ trung tâm lên sân bay Nội Bài hiện nay không quá nhiều, trong khi đã có tuyến xe bus chuyên chở và nhiều hãng taxi.

Cho nên phải tính toán được có bao nhiêu lượng người 1 ngày di chuyển đến đây, có nghĩa dự báo được nhu cầu vận chuyển hành khách, thì hãy nên đề xuất tính cần thiết của dự án này.

Xây dựng hình thức nào cũng là tiền của dân

Bên cạnh đó, đề cập đến vấn đề kêu gọi vốn đầu tư theo hình thức PPP, ông Hùng nghi ngại, liệu tiền thuế nhờ khai thác tuyến đường sắt đô thị có hoàn lại được khoản đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng hay không, hay cứ lấy tiền thuế của dân ra đề bù lại? Tất cả đều phải công khai trong hồ sơ dự án, để thẩm định kỹ càng.

“Tôi rất nghi ngại, khi đầu tư lớn hàng chục nghìn tỷ, mà lãi suất vay 8-10%/năm từ lúc xây đến lúc đưa vào khai thác thì mất thêm bao nhiêu tiền. Nếu so với đầu tư một tuyến xe bus chất lượng cao thì có rẻ hơn không, với giá thành đắt, hành khách sẽ lựa chọn hình thức nào.

Cho đến hiện tại, tôi thấy loại hình vận chuyển bằng taxi vẫn được hành khách lựa chọn nhiều nhất”, ông Hùng chỉ rõ.

Theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn Đình Thám, xây dựng bất kỳ công trình nào, dù theo hình thức BOT, PPP thì đều là tiền của dân, tiền của nhà nước. Có lẽ, vì thế nên ai cũng thích làm, thích triển khai nhiều dự án, thể hiện rõ “tư duy nhiệm kỳ”, làm càng được nhiều dự án thì được nhiều tiền, còn hậu quả ra sao thì nhiệm kỳ sau sẽ gánh chịu.

Nói chung chúng ta đang vẽ quá nhiều “bánh vẽ hóa tương lai”, 2 tuyến đường sắt đô thị nội đô chưa biết bao giờ khai thác thương mại được, hiệu quả ra sao chưa biết, đường ô tô bus nhanh cũng được làm ra, nhưng chưa khai thác. Khi đầu tư thì nói rất hay, nhưng hiệu quả ra sao thì chưa ai biết.

Thậm chí, cứ nói là công ty này đầu tư, nhà thầu này làm, nhưng quy cho cùng vốn vẫn là lấy từ Ngân hàng ra, mà Ngân hàng toàn là Ngân hàng quốc doanh, nên thực chất không có ai bỏ tiền túi ra đầu tư, tất cả đều là tiền của dân.

Lợi thế giá rẻ của Trung Quốc

Về mặt lựa chọn công nghệ, theo ông Thám, ở các nước phát triển về loại hình trên, thì trình độ công nghệ cũng ngang nhau, chỉ là nước ra đời trước, nước ra đời sau. Nhưng quy luật chung “tiền nào của nấy”, muốn giá rẻ thì chất lượng kém, muốn giá cao thì chất lượng tốt hơn, vấn đề cân nhắc ra sao mới là quan trọng.

Bởi vì, còn phải phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư, từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn trúng vì luôn bỏ thầu giá rẻ hơn so với các nước khác, nên nhiều lợi thế khi đấu thầu. Đó chính là điểm yếu của Việt Nam khi lựa chọn nhà thầu.

Theo nguyên lý cơ chế thị trường khi đấu thầu, giá càng thấp càng tốt, nhưng nếu làm đúng thì còn có tiêu chuẩn đạt được mức giá đó, chứ không phải giá thấp với bất cứ điều kiện nào.

Đầu tiên là phải xác định mục tiêu dự án, quy định rõ khi đấu thầu, đối chiếu, so sánh xem nhà thầu đáp ứng được bao nhiêu yêu cầu, chất lượng thế nào, khoản tiền có bao nhiêu, chứ không được thả nổi các tiêu chí khi đấu thầu.

Riêng với nhà thầu Nhật Bản, đây là nước đang phát triển, thừa tiền đầu tư, còn chúng ta là nước cần vay tiền để phát triển, mà vay theo cơ chế thị trường thì họ có lợi.

Mà đã vay thì phải trả, kể cả vốn ODA hay dưới bất kỳ hình thức nào, chỉ là thế hệ nào trả nợ, có lẽ vì vậy mà nợ công của Việt Nam đang cao hàng đầu ASEAN.

Chính vì thế, phải rút kinh nghiệm từ các dự án trước, đầu tiên phải nêu mục tiêu của dự án từ tiêu chí kỹ thuật, chất lượng công trình, giá cả. Sau đó, chọn nhà đầu tư đáp ứng được tất cả các mục tiêu đó, còn không thì chúng ta loại ra. Đấu thầu công khai, kiểm soát chặt chẽ hợp đồng.

Nhìn nhận từ góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng phân tích: “Khi làm chúng ta càng độc lập về công nghệ càng tốt, tránh việc nhập thiết bị từ Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc cũng làm nhiều tuyến đường sắt đô thị, nhưng kỹ thuật khi đàm phán hợp đồng mà chủ đầu tư Việt Nam thường bị hạn chế, nên chọn gói thầu kém.

Chúng ta cứ lo ngại các nhà thầu như Nhật Bản, Nga hay Đức giá thành đắt, nhưng nhìn vào nhà thầu Trung giá thành ban đầu thấp, nhưng đội vốn gấp đôi, rồi lại gấp ba, chất lượng thì không đảm bảo.

Để hạn chế tình trạng này, chủ đầu tư trước hết phải “trong sạch” và nếu nhà thầu Trung Quốc vẫn thắng thầu dù chủ đầu tư đã thực hiện đúng hoặc do những ràng buộc liên quan đến điều khoản vay vốn, thì hợp đồng phải hết sức chặt chẽ để ràng buộc nhà thầu.

Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn phải xem xét thật kỹ, nếu nhà thầu đưa ra giá dự thầu thấp mà không giải trình được thì phải cương quyết loại bỏ nhà thầu, tránh tình trạng để nhà thầu trúng thầu rồi dây dưa không thực hiện, thi công kém chất lượng hoặc quay lại ép chủ đầu tư tăng giá như những dự án vừa qua”.

RELATED ARTICLES

Tin mới