Tuesday, April 23, 2024
Trang chủĐiểm tinBắc Kinh muốn lợi dụng Thủ tướng Đức chống phán quyết của...

Bắc Kinh muốn lợi dụng Thủ tướng Đức chống phán quyết của PCA?

Bắc Kinh sẽ không bỏ qua cơ hội thuyết phục bà Angela Merkel ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt là về vụ kiện của Philippines.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: katehon.com.

Đa Chiều ngày 12/6 đưa tin, hôm qua Chủ Nhật Thủ tướng Đức Angela Merkel đã dẫn theo một nửa thành viên Nội các cùng khoảng hơn 20 nhân vật đứng đầu các tập đoàn, doanh nghiệp lướn của Đức sang thăm Trung Quốc.

Bà Angela Merkel sẽ cùng chủ trì Đối thoại Chính phủ Đức – Trung Quốc lần thứ 4 với người đồng cấp Trung Quốc. Đây là lần thứ 9 bà Merkel thăm Trung Quốc trong cương vị Thủ tướng Đức.

Tuy nhiên trong 3 vòng đối thoại cũng như 8 lần thăm Trung Quốc trước đó, hai bên chưa bao giờ đề cập đến vấn đề Biển Đông. Lần này Bắc Kinh lại chủ động đề xuất đưa vấn đề Biển Đông vào bàn nghị sự khi đón bà Angela Merkel.

Lý do của sự đường đột này nhiều khả năng liên quan đến việc Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông.

Anh – Pháp đều kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA, Bắc Kinh cầu cứu Đức

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-7 tại Nhật Bản tháng trước, Thủ tướng Anh David Cameron đã lên tiếng kêu gọi, Trung Quốc cần phải tôn trọng phán quyết của PCA, nếu không sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp phát biểu tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 15 hôm 5/6 tại Singapore kêu gọi, hải quân của các nước Liên minh châu Âu cần hiện diện thường xuyên hơn ở Biển Đông để bảo vệ luật pháp quốc tế, tự do hàng hải hàng không.

“Nếu Luật Biển quốc tế (UNCLOS) hôm nay không được tôn trọng ở Biển Đông, thì ngày mai có thể bị đe dọa ở Bắc Cực, ở Địa Trung Hải hay các vùng biển khác”, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Pháp khẳng định.

Trong khi đó, Đức là quốc gia lớn nhất trong EU, là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. Khi Pháp kêu gọi EU tuần tra chung ở Biển Đông, nếu Đức phản đối thì kêu gọi của Paris khó thành hiện thực. Nếu chỉ một vài nước thành viên EU thực hiện thì sức ảnh hưởng sẽ giảm nhiều.

Càng gần ngày PCA ra phán quyết, Trung Quốc càng tìm mọi cách vận động, lôi kéo các quốc gia khác ủng hộ lập trường của họ trong vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh tuyên bố đã có 40 nước ủng hộ họ, nhưng không đưa ra danh sách.

Trong khi đó The Diplomat chỉ ra, tính toán “hào phóng” nhất cũng chỉ có tối đa 6 nước bị Bắc Kinh lôi kéo và công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc.

Bởi vậy Bắc Kinh sẽ không bỏ qua cơ hội thuyết phục bà Angela Merkel ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt là về vụ kiện của Philippines khi Thủ tướng Đức đến Bắc Kinh.

Mặt khác, trong số 40 nước mà Trung Quốc đề cập hầu hết là các nước nghèo, phụ thuộc vào tiền vay và đầu tư từ Trung Quốc ở châu Phi, châu Mỹ Latinh, Trung Á…Không có quốc gia phương Tây nào ủng hộ Bắc Kinh.

Dùng kinh tế làm con bài gây sức ép buộc Berlin lên tiếng về Biển Đông khó thành

Là quốc gia xuất siêu lớn nhất thế giới, một đất nước xuất khẩu điển hình, nên thị trường và những đơn hàng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Đức cũng như sự thành công của Thủ tướng Angela Merkel, Đa Chiều bình luận.

Trong Liên minh châu Âu, Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc, thị trường Trung Quốc chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức.

Ý thức được sức mạnh của đòn bẩy kinh tế, lần này Trung Quốc chủ động yêu cầu đưa Biển Đông vào chương trình nghị sự là muốn vừa ép vừa tranh thủ lôi kéo Berlin lên tiếng ủng hộ lập trường của Bắc Kinh.

Tuy nhiên người viết cho rằng, trong quan hệ kinh tế – thương mại phải trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi thì hợp tác mới có thể lâu dài, Đức không phải chỉ kiếm lời từ thị trường Trung Quốc, mà cũng mang lại cho Trung Quốc rất nhiều lợi ích.

Hai bên cần nhau chứ không có chuyện chiếu trên – chiếu dưới để Bắc Kinh có thể gây sức ép với Berlin, hay chèn thêm các vấn đề chính trị phục vụ mưu đồ bành trướng Biển Đông.

Mặt khác về kinh tế – thương mại, South China Morning Post ngày 12/6 cho biết, một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cho kết quả, 41% doanh nghiệp châu Âu đang đánh giá lại hoạt động và hiệu quả tại thị trường Trung Quốc do Bắc Kinh quá chậm chạp trong việc mở cửa nền kinh tế đối với doanh nghiệp nước ngoài.

Angela Stanzel từ Chương trình Châu Á và Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu nhận xét: “Ngành công nghiệp Đức đã trở nên khá thất vọng với môi trường kinh doanh ở Trung Quốc”.

Trong khi Bắc Kinh cũng muốn lợi dụng tiếng nói của bà Angela Merkel kêu gọi WTO công nhận kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế thị trường. Còn các nhà lập pháp EU vẫn phản đối nới lỏng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm vào Trung Quốc với tỉ lệ áp đảo.

Bởi vậy cá nhân người viết cho rằng, Bắc Kinh khó có thể lôi kéo hay ép Thủ tướng Đức Angela Merkel trong việc đưa ra những tuyên bố Băc Kinh có thể lợi dụng chống lại luật pháp quốc tế, chống lại phán quyết của PCA trong vấn đề Biển Đông.

Mặc dù cho đến nay Đức ít lên tiếng về vấn đề Biển Đông, nhưng trong tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh G-7 mà Đức là một thành viên, 7 quốc gia công nghiệp phát triển đã nhắc lại cam kết cần duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế như đã phản ánh trong UNCLOS.

Các tranh chấp hàng hải cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, bao gồm cả các biện pháp pháp lý. G-7 tái khẳng định tầm quan trọng của việc yêu cầu các bên làm rõ yêu sách trên cơ sở luật pháp quốc tế, kiềm chế các hành động đươn phương, không giải quyết tranh chấp bằng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực.

Đặc biệt G-7 lần đầu tiên khẳng định lập trường kêu gọi các bên tranh chấp tìm cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bao gồm cả biện pháp thông qua các thủ tục pháp lý như đưa ra cơ quan tài phán, trọng tài quốc tế.

Có lẽ đây là câu trả lời rõ ràng hơn cả đối với Bắc Kinh cũng như đối với dư luận khu vực và quốc tế. Để trong trường hợp Trung Quốc “mớm lời” hay giải thích phát biểu của nước khác về Biển Đông theo ý Bắc Kinh và khác hẳn bản chất lập trường của họ, dư luận cũng không có gì ngạc nhiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới