Thursday, April 18, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiGiấc mơ đường sắt Trung Quốc tan vỡ: Kinh nghiệm Việt Nam

Giấc mơ đường sắt Trung Quốc tan vỡ: Kinh nghiệm Việt Nam

Việt Nam cần thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng và rút ra bài học kinh nghiệm từ việc hủy hợp đồng đường sắt của các nước với Trung Quốc.

Ảnh minh họa

Dừng hợp đồng theo cơ chế thị trường

Trước thông tin không vui cho các kế hoạch xây đường sắt của Trung Quốc ở Mỹ và Bolivia, trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng, ở các nước tiên tiến, phát triển, các công trình xây dựng được tuân thủ nghiêm ngặt hợp đồng. Việc nhà thầu chậm trễ hay có bất kỳ thiếu sót, hạn chế nào không thể khắc phục đúng thời hạn thì việc hủy hợp đồng là hoàn toàn đúng luật.

“Việc này hoàn toàn bình thường, không có gì lấy làm lạ cả. Không chỉ riêng nhà thầu Trung Quốc mà nước nào cũng vậy, nếu vi phạm họ sẵn sàng chiếu theo hợp đồng để xử lý. Việc này tuân thủ nghiêm ngặt, đúng theo cơ chế thị trường hiện nay. Bên nào sai, bên đó chịu”,  ông Sanh khẳng định.

Giữa 2 cái mất và cái được, các nước phải tính toán để chọn cái có lợi nhất cho mình. Hơn nữa, thời gian ban đầu chưa có nhiều những  lệ thuộc, giằng buộc giữa hai bên nên việc các nước thận trọng, lựa chọn cho mình những nhà thầu tốt hơn là điều dễ hiểu. Nhiều nước trên thế giới đã làm việc này rồi, ở Đông Nam Á cũng có Indonesia hay Thái Lan…”, ông Hùng nhấn mạnh.Cùng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng thừa nhận, bất cứ hợp đồng nào, các nước đều tính đến những lợi ích về kinh tế và chính trị. Khi những quyền lợi này không được đảm bảo, chắc chắn họ sẽ cân nhắc để đưa ra quyết định sáng suốt.

Trung Quốc khó lòng đạt giấc mơ đường sắt

Phân tích về tham vọng muốn làm bá chủ trong lĩnh vực đường sắt của Trung Quốc, ông Nguyễn Đình Thám – Trưởng Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội khẳng định Bắc Kinh đang tự đặt mình vào hoàn cảnh khó khi liên tiếp bị các nước hủy hợp đồng, dừng hợp tác.

“Các nước lớn, trong đó có Trung Quốc luôn muốn bành trướng, xâm nhập thị trường trên thế giới. Cụ thể là họ đang tích cực xây dựng kế hoạch đầy tham vọng mang tên “Con đường tơ lụa” mới với sự kết nối cảng biển từ Hy Lạp tới Hà Lan cũng như hệ thống đường sắt ở Hy Lạp, Serbia, Hungary.

Tuy nhiên ở đây có 2 yếu tố quyết định đến tham vọng đó của Trung Quốc.

Thứ nhất về năng lực. Bắc Kinh chưa đủ, công nghệ và kỹ thuật còn kém nhiều quốc gia có công nghệ tiên tiến trên thế giới. Trung Quốc chỉ có thể áp dụng điều này với những nước bị phụ thuộc nguồn vốn, năng lực yếu.

Thứ hai là niềm tin, Trung Quốc cũng không đạt được. Tính toàn diện thì họ đều không đạt được 2 yếu tố đó nên Trung Quốc khó có thể đạt được giấc mơ làm bá chủ đường sắt trên thế giới”, ông Thám nhận định.

Cùng chung ý kiến,  ông Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng nhấn mạnh, giấc mơ nào cũng cần có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng. Đặc biệt với tham vọng làm bá chủ thế giới về đường sắt thì Trung Quốc lại càng phải có mục tiêu và định hướng cụ thể.

“Giá rẻ là một lợi thế của Trung Quốc. Nhưng bí quyết công nghệ mới là điều quan trọng, không thể ngày một, ngày hai được. Thực tế độ bền, tuổi thọ đường ray Trung Quốc chưa có, việc ồ ạt xây dựng đường tàu, nâng cấp toa tàu cũng không quyết định gì nhiều đến việc làm chủ hệ thống đường sắt trên thế giới của nước này”, ông Hùng cho hay.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Đối chiếu với cách xử lý cương quyết, gọn ghẽ của các nước với các nhà thầu Trung Quốc chậm tiến độ, thi công mất an toàn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng thừa nhận ở Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém.

Đặc biệt, đằng sau nhiều dự án dư luận còn nghi ngờ liên quan đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm dẫn đến tình trạng Trung Quốc thắng nhiều dự án tại Việt Nam với giá rẻ, rồi sau đó quá trình thi công liên tiếp đội giá, tăng thời gian, quá trình thi công không đảm bảo.

Bàn về giải pháp khắc phục tình trạng này, ông Hùng khẳng định cần phải học hỏi kinh nghiệm các nước, đặt biệt quy định rõ ràng trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến các dự án, công trình xây dựng để xử lý.

“Các nước khác quyết định liên quan chặt chẽ đến trách nhiệm cá nhân, họ sẵn sàng từ chức khi mắc sai lầm. Tuy nhiên ở nước ta chưa có điều này.

Tôi nghĩ kỹ thuật hay năng lực thì chúng ta hoàn toàn có thể tự quyết định, lựa chọn được nhưng có những việc thuộc về lỗi hệ thống, lỗi tập thể. Một người quyết, một người làm nên trách nhiệm không ai chịu.

Giờ phải quy trách nhiệm cá nhân và phải làm ráo riết việc này thì tình hình mới có thể tốt hơn được”, ông Hùng nêu ý kiến.

Trong khi đó, ông Phạm Sanh lưu ý, các doanh nghiệp Việt Nam khi đàm phán, ký kết với phía nhà thầu Trung Quốc cần hết sức chú ý đến vấn đề hợp đồng.

“Việt Nam cần phải cẩn thận trong các hợp đồng với Trung Quốc, từ khâu đàm phán, thương thảo hợp đồng. Những hợp đồng đường sắt với Bắc Kinh, nhất là tuyến Cát Linh – Hà Đông thì hở từ quản lý hợp đồng đến ký kết hợp đồng. Ban quản lý dự án, Bộ GTVT đã hứa nhiều lần nhưng vẫn không làm được.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông về tiến độ cuối năm 2016 sẽ hoàn thành bàn giao, đưa vào khai thác. Như vậy là chậm nhiều so với dự kiến. Giờ cần nhìn lại xem tại sao chậm, chậm chỗ nào, có phải nhà thầu không hay ngay từ đầu hình thức vay của chúng ta đã bị hở”, ông Sanh gợi mở.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác vị chuyên gia giao thông nhắc tới đó là người đứng đầu, lãnh đạo cao nhất có quyết tâm thực hiện tới nơi, tới chốn, giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh hay không.

“Cần nhìn lại phía Việt Nam, tại sao chúng ta không thể hủy hợp đồng được trong khi các nước đã làm rất tốt. Quan trọng nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu.

Trước đây cũng có nhiều dự án Việt Nam không chọn các nhà thầu Trung Quốc ngay từ đầu như nhà máy nhiệt điện Long Phú của tập đoàn dầu khí hay dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TPHCM) đang thi công đã dừng lại để lựa chọn nhà thầu mới do phía Trung Quốc chậm trễ. Đó là những bài học để chúng ta rút kinh nghiệm”, ông Sanh nhấn mạnh.

Bổ sung thêm ý kiến của ông Phạm Sanh, ông Nguyễn Đình Thám đề nghị phía Việt Nam nên lựa chọn và áp dụng các điều khoản trong hợp đồng FIDIC của Liên đoàn quốc tế các kỹ sư tư vấn để hạn chế thấp nhất những rủi ro.

“Các nước cần phải tôn trọng hợp đồng FIDIC. Nếu ký hợp đồng mà không đạt được các tiêu chí hợp đồng thì các nước có quyền hủy hợp đồng, thậm chí họ có thể kiện, bắt bồi thường. Việt Nam cũng nên học hỏi kinh nghiệm này”, vị chuyên gia kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới