Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBắc Kinh thô lỗ và ngạo mạn

Bắc Kinh thô lỗ và ngạo mạn

Theo tờ The Philippine Star, ASEAN không thể công bố tuyên bố chung với lời lẽ cứng rắn về tranh chấp ở Biển Đông đã rút lại ủng hộ đối với tuyên bố chung để tránh “va chạm” với Trung Quốc.

Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Ngày 16-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose giải thích, tuyên bố chung đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về các diễn biến làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Đồng thời cho biết, Trung Quốc đã phản đối tuyên bố chung sử dụng câu chữ “cứng rắn”, vì sẽ khiến Mỹ và đồng minh có thể lợi dụng để can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông.

Gây bất hòa trong ASEAN

Ngày 15-6, ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh không 

gây áp lực đối với bất kỳ quốc gia nào của ASEAN để rút lại và sửa chữa tuyên bố chung về Biển Đông sau khi họp với Trung Quốc. Theo tờ The Straits Times, ông Lục Khảng đưa ra tuyên bố kể trên để phản bác lại cáo buộc cho rằng, Trung Quốc đã gây áp lực đối với các nước ASEAN, khiến họ bất ngờ rút lại tuyên bố chung được công bố trước đó không lâu. 

Ngày 16-6, tờ The Strait Times nhận định, tuyên bố chung của ASEAN đã bị Trung Quốc “đánh chìm” bằng việc vận động các nước ASEAN thân thiết với mình phong tỏa nó. “Đây giống như một liên minh mơ hồ hoặc chỉ đơn giản là những nước không nắm rõ tình hình, chứ không phải là một khối đồng nhất”, Euan Graham, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Lowy ở Sydney, Australia, nhận định.

Cùng ngày 16-6, tờ Tempo dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir cho biết, nước này tiếp tục ủng hộ mọi nỗ lực củng cố ổn định và hòa bình ở Biển Đông. Đồng thời giải thích, Indonesia không phải là nước có tranh chấp ở Biển Đông, luôn khách quan và ủng hộ thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Ngoài ra, ông Arrmanatha Nasir còn nhấn mạnh, văn bản đã công bố sau hội nghị tuy chỉ là thông cáo báo chí, nhưng nội dung phù hợp với các tuyên bố trước đó của ASEAN về Biển Đông.

Indonesia cho rằng, văn bản Malaysia đưa ra không phải là tuyên bố chung của ASEAN và có sự nhầm lẫn trong vấn đề này! Bởi theo ông Arrmanatha Nasir, văn bản được đưa ra trước đó chỉ đơn thuần là “chỉ dẫn truyền thông” cho các Ngoại trưởng ASEAN tham khảo tại cuộc họp báo sau cuộc họp, chứ không phải tuyên bố chung cuối cùng đã được các nước thống nhất.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Malaysia, tuyên bố của ASEAN không thể phát ra nếu không có sự đồng thuận của tất cả các bên. Theo nhận định của nhà phân tích Đông Nam Á tại Đại học Ipek ở Thổ Nhĩ Kỳ Bridget Welsh, vụ việc dường như xuất phát từ sai lầm của Malaysia! Nhưng theo Giáo sư Carl Thayer, Trung Quốc có thể đã phản đối những lời lẽ mà Ban thư ký ASEAN đã đề cập trong tuyên bố chung, nên họ buộc phải rút lại văn bản này.

Bịa tạc trắng trợn

Ngày 17-6, tờ South China Morning Post đưa tin, từ lâu Trung Quốc đã tuyên bố, có đầy đủ tài liệu lịch sử để chứng minh cho cái gọi là “chủ quyền không tranh cãi ở Biển Đông”, nhưng Bắc Kinh vẫn phái các nhà nghiên cứu Trung Quốc ra nước ngoài ráo riết thu thập “tư liệu lịch sử”. Theo tờ China News Services, các nhà nghiên cứu Đại học Vân Nam đã hợp tác với Đại học Tehran của Iran để nghiên cứu 50 bản đồ Ba Tư có niên đại từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XVII và dịch ra tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.

Và theo người đứng đầu nhóm học giả Trung Quốc kể trên cho biết, có những bản đồ cổ được đánh dấu bằng chữ “biển Nam Trung Hoa” hoặc “vịnh Nam Trung Hoa” và một số vùng đất gắn chữ “đảo của Trung Quốc”? Trong khi đó, phóng viên của Tân Hoa xã và Nhân Dân nhật báo được giao phỏng vấn một số học giả, chính trị gia ở Brazil, Thái Lan, Bungaria, Pakistan… để thu gom ý kiến ủng hộ Bắc Kinh về Biển Đông. 

bac kinh tho lo va ngao man

Tàu quân sự Trung Quốc diễu võ dương oai ngoài Biển Đông

Trước đó, các Đại sứ Trung Quốc ở nước ngoài cũng được lệnh luân phiên viết bài đăng trên báo chí truyền thông của nước sở tại nhằm vận động, tạo sự ủng hộ đối với Bắc Kinh trước khi Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan ra phán quyết về vụ kiện của Philippines.

Cùng ngày 17-6, tờ The Wall Street Journal cho biết, sau khi giới truyền thông Trung Quốc tuyên bố, đã có 60 quốc gia trên thế giới ủng hộ lập trường của Bắc Kinh chống lại phán quyết của PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông, Ba Lan đã vô cùng sửng sốt khi có tên trong danh sách kể trên. Và đến nay có 5 quốc gia trong số 60 nước được Bắc Kinh liệt kê ủng hộ đã công khai bác bỏ sự bịa đặt trắng trợn của Trung Quốc, trong đó có Ba Lan và Slovenia.

Tháng trước, giới truyền thông Trung Quốc tuyên bố, có 40 quốc gia ủng hộ và nay con số này đã nâng lên 60, nhưng Bắc Kinh không đưa ra danh sách cụ thể, khiến dư luận hoài nghi. Theo kết quả nghiên cứu của tờ The Wall Street Journal và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, chỉ có 8 quốc gia công khai ủng hộ Trung Quốc tẩy chay phán quyết của PCA. Đó là Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho.

Giới bình luận cho rằng, sự tham gia đột xuất của Lesotho để “lên tiếng ủng hộ” Bắc Kinh chống lại PCA được coi là kết quả của chiến dịch vận động, mua chuộc mà Trung Quốc đã và đang tiến hành.

Ngày 16-6, tờ The Straits Times trích lời một quan chức ASEAN cho biết, Trung Quốc đã thô lỗ và ngạo mạn tại cuộc họp với các Ngoại trưởng ASEAN ở tỉnh Vân Nam vừa qua. Bởi vào cuối buổi họp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đưa ra “bản đồng thuận 10 điểm” và đề nghị các Ngoại trưởng ASEAN cân nhắc thông qua.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan (đồng chủ tọa cuộc họp) đã đưa ra dự thảo tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN về vấn đề Biển Đông và sẽ đọc tại cuộc họp báo. Theo ông Vivian Balakrishnan, ASEAN đã “bày tỏ lo ngại nghiêm trọng” về tình hình Biển Đông tại cuộc họp với Trung Quốc. Bản dự thảo tuyên bố chung có đề cập tới sự “lo ngại nghiêm trọng” này.

Và vì bất đồng với “bản đồng thuận 10 điểm” của Bắc Kinh, nên các Ngoại trưởng ASEAN đã quyết định, Ngoại trưởng Singapore không tham gia đồng chủ trì cuộc họp báo chung với ông Vương Nghị bởi “thể hiện bất đồng với Trung Quốc trước báo chí sẽ là hành động thô thiển”.

Diễu võ dương oai

Theo tờ Daily Beast, nếu chiến tranh nổ ra, Trung Quốc sẽ thực hiện chiến thuật “lan truyền thông tin sai lệnh, chiêu dụ địch đào ngũ hoặc đầu hàng” và hiện Bắc Kinh có một công cụ trợ giúp điều này. Đó là điều máy bay 4 động cơ Y-8GX7 (tương tự như EC-130J của không quân Mỹ), thực hiện chiến tranh tâm lý “trong lòng địch”. 5 năm trước (2011-2016), Trung Quốc đã thành lập một trụ sở mới chuyên về hoạt động tâm lý chiến ở tỉnh Phúc Kiến, cạnh eo biển Đài Loan.

Kể từ năm 1958, Trung Quốc đã lập chương trình phát thanh “Voice of the Strait” để tuyên truyền nhằm vào những người sống tại Đài Loan. Và máy bay Y-8GX7 vẫn hữu ích đối với Bắc Kinh. Bởi mấy năm qua, Trung Quốc đã xây dựng đường băng trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép và họ có thể sử dụng máy bay Y-8GX7 cho mục đích tương tự, nếu chiến tranh nổ ra.

Năm 2013, phiên bản Y-8GX7 lần đầu tiên xuất hiện và được lan truyền tại Trung Quốc. Nhưng 3 năm sau, hầu như không có báo cáo về phiên bản Y-8GX7 này.

Theo giới truyền thông, không quân Trung Quốc vừa tiếp nhận phi cơ vận tải chiến lược hạng nặng Yun-20 (Y-20 do Bắc Kinh tự chế tạo và phát triển) hôm 15-6 tại Trung tâm thử nghiệm bay của Tập đoàn Công nghiệp hàng không.

Và Trung Quốc đã chính thức biên chế lô phi cơ vận tải chiến lược hạng nặng Y-20 (chưa rõ có mấy chiếc), giúp thực hiện vận tải tầm xa, chuyên chở hàng hóa (có thể chở xe tăng Type 99A2 nặng 64 tấn), và mở rộng phạm vi hoạt động (lên tới 5.800km). Giới quân sự cho rằng, việc Trung Quốc sở hữu máy bay vận tải cỡ lớn sẽ giúp quân đội nước này nhanh chóng điều động lực lượng, vũ khí trang bị, tăng cường quốc phòng, hỗ trợ bảo vệ không phận và lãnh hải…

Tân Hoa xã cho biết, ngày 13-6, tàu đổ bộ Type 071 mang tên Trường Bạch Sơn 989 đã tới Biển Đông để diễn tập tấn công phòng ngự tổng hợp có sử dụng bắn đạn thật. Tuy không tiết lộ cụ thể địa điểm, nhưng theo Tân Hoa xã, nội dung diễn tập bao gồm sử dụng pháo chính và pháo phụ tấn công đối hải, đối bờ và bắn pháo gây nhiễu.

Theo tuyên bố của Bắc Kinh, cuộc diễn tập nhằm nâng cao khả năng sử dụng vũ khí thực tế cho binh lính trên tàu, đồng thời nâng cao trình độ tác chiến ứng phó với tình huống khẩn cấp cho Trường Bạch Sơn 989 – một trong những tàu đổ bộ tấn công lớn nhất và hiện đại nhất của Trung Quốc.

Theo thống kê, hải quân Trung Quốc hiện có 4 tàu đổ bộ Type 071, trong đó có 3 chiếc được biên chế cho Hạm đội Nam Hải, lực lượng chuyên trách địa bàn Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới