Thursday, April 18, 2024
Trang chủĐiểm tinQuan hệ Trung – Nga nguội lạnh dần

Quan hệ Trung – Nga nguội lạnh dần

Quan hệ Trung – Nga một thời ấm lên, phía Nga hy vọng vào túi tiền lớn cũng như sự ủng hộ của Trung Quốc đối với kinh tế Nga đang bị Phương Tây trừng phạt, còn phía Trung Quốc hy vọng vào nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Nga. Nhưng qua mấy năm, thực tế làm Nga thất vọng. Bởi vậy, dư luận cho rằng chuyến thăm Trung Quốc trong tháng 6/2016 của Tổng thống Putin sẽ chẳng mấy mặn mà.

Putin -Tập Cận Bình

Theo báo chi Nga và Trung Quốc ngày  17/6/2016, Tổng thống Nga Putin sẽ có chuyến thăm Trung Quốc trong tháng 6/2016 nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước, đồng thời ông cũng tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc trong tháng 6/2016.

Tuy nhiên dư luận cho rằng chuyến thăm này sẽ chẳng mấy mặn mà như trước đây, bởi vì Nga không còn hy vọng nhiều đối với Trung Quốc như trước. Một thời Tổng thống Putin từng nói “con thuyền kinh tế Nga đang trông chờ vào cánh buồm của Trung Quốc”, nhất là khi Nga bị Mỹ và Phương Tây tiến hành trừng phát kinh tế sau “Sự kiện trưng cầu dân ý sáp nhập Crime về Nga” hồi tháng 3/2014. Khi đó, Nga có kế hoạch chuyển hướng sang phía Đông để dựa vào sự hỗ trợ của Trung Quốc.

Tháng 5/2014, trong chuyến thăm Trung Quốc và dự Hội nghị thượng đỉnh “Những biện pháp hiệp tác và xây dựng lòng tin” (CICA)  họp ở Thượng Hải của Tổng thống Putin, hai bên đã ký kết hiệp định hợp tác dầu lửa trong 30 năm trị giá 400 tỉ USD, đồng thời nâng cấp quan hệ từ “Đối tác hiệp tác chiến lược toàn diện tin cậy bình đẳng sâu rộng hơn nữa” (3/2013) lên “Quan hệ đối tác hiệp tác chiến lược toàn diện Nga – Trung giai đoạn mới”, tăng cường hợp quân sự, nhất là tập trận chung trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Do tình hình dầu khí thế giới biến động bất lợi làm cho kinh tế Nga ngày càng khó khăn trong khi kinh tế Trung Quốc suy giảm, thì hợp tác này bị chững lại cho dù về mặt chính trị hai bên vẫn tỏ ra thân thiện, như Tập Cận Bình sang Nga dự Lễ duyệt binh ngày 9/5/2015 tại Quảng trường Đỏ và  Tổng thống Putin sang thăm Trung Quốc dự Lễ duyệt binh ngày 3/9/2015, tiếp đó Thủ tướng Nga Medvedev sang thăm Trung Quốc tháng 12/2015.

Nhưng những hoạt động bề ngoài tỏ ra thân thiết này vẫn không thể xoay chuyển được trạng thái quan hệ hai nước hiện nay đang trở nên nguội lạnh. Gần hai năm qua, lãnh đạo hai nước đã có tới 8 lần gặp gỡ nhau để tăng cường quan hệ, nhưng do lợi ích riêng của mình, các cuộc gặp gỡ này cũng không giúp ích cho tăng cường quan hệ kinh tế, trái lại hợp tác kinh tế ngày càng thụt lùi.

Trong bài “Bắc Kinh sẽ cho Tổng thống Putin đụng đầu vào cột” đăng trên mạng xã hội “Đa chiều” ngày 16/6/2016, tác giả Nhiếp Chấn Vũ cho rằng hai năm qua, ông Putin thực hiện “Kế hoạch trở lại Châu Á” tăng cường quan hệ với Trung Quốc, nhưng  tới nay không đạt được ý định. Kết quả hợp tác không như lãnh đạo Nga mong muốn.

Tác giả dẫn phát biểu của Leonid Michelson, nhà doanh nghiệp Nga thành đạt ở Trung Quốc nói: “Chúng ta (tức nước Nga) buộc phải thừa nhận rằng kế hoạch hướng Đông của Putin không đạt được kết quả, thậm chí có thể nói là thất bại”.

Học giả Nga Gabuev cho biết năm qua buôn bán giữa Trung Quốc và Mỹ đạt xấp xỉ 600 tỷ USD, với EU đạt 593 tỷ USD, trong khi đó, con số này với Nga là 64,2 tỷ USD, giảm 28,6% so với năm 2014.

Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông Học viện Khoa học Nga, Andrei Ostrovski nói trong khi Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài tới trên 880 tỉ USD, nhưng đầu tư vào Nga rất nhỏ giọt, chưa đầy 8 tỉ USD. Phía Nga hy vọng trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 12/2015 của Thủ tướng Medvedev, hai bên sẽ ký được nhiều văn bản hợp tác lớn, nhưng rốt cuộc gần 30 văn bản và hạng mục hợp tác được ký kết đều không đáng kể và không tương xứng với quan hệ hai nước hiện nay.

Trong chuyến thăm Nga ngày 12/10 tới 14/10/2014 của Thủ tướng Lý Khắc Cường, hai nước lại ký kết hơn 50 văn bản hợp tác kinh tế trị giá 18 tỉ USD, nhưng rốt cuộc con số này chủ yếu vẫn nằm trên giấy tờ.

Do đồng Rúp của Nga giảm giá và giá dầu thế giới sụt giảm, nên rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không muốn đầu tư vào Nga, cho rằng kinh tế Nga suy giảm là cơn ác mộng đối với họ. Trong bài “Trung Quốc không muốn chơi với bạn mình”, Tờ “Thương nhân” của Nga ngày 16/6/2016 cho rằng Tổng thống Putin hy vọng chuyến thăm Trung Quốc trong tháng 6/2016 sẽ có nhiều sự hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc, nhưng ông sẽ thất vọng, bởi vì chủ nghĩa thực dụng của người Trung Quốc đâu có đơn giản phát triển quan hệ hữu nghị với Matxcova”. Dư luận cho rằng Trung Quốc có tiền, Nga có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú thì hợp tác hai bên đương nhiên sẽ được tăng cường, nhưng đâu có phải đơn giản như vậy, nên các nhà quyết sách của Nga đã thất vọng. Vì Người Trung Quốc giờ đây rất thực dụng, họ không muốn đưa tiền vào nơi đang sa sút. Từ trước tới nay, trong quan hệ với các nước khác, người Trung Quốc cũng như vậy, họ rất thực dụng, họ không muốn vung tiền cho người bạn đang khốn khó mà không thu được lợi ích gì.

Tạp chí Vlast của Nga ngày 16/6/2016 viết: “Theo logic thì Người Trung Quốc chẳng có lý do gì để đầu tư vào Nga, họ sẽ đi Mỹ vì ở đó họ vừa có lời về kinh tế, vừa tiếp nhận được kỹ thật hiện đại. Ngoài ra, họ tìm kiếm những nơi giá nguyên liệu rẻ,  luạt pháp chưa chặt chẽ để kiếm lời, còn Nga không được như họ mong muốn.

Ngay trong thời kỳ quan hệ hai nước nồng ấm, các học giả Trung Quốc đã khuyến cáo lãnh đạo Trung Quốc phải giữ cự ly với Nga.  

Trong bài “Nước cờ chiến lược Trung – Mỹ”, đăng trên tờ “Văn Trích” của Trung Quốc, Tác giả Ngưu Bạch Vũ cho rằng “cần giữ cự ly” với Nga, bởi lẽ trong lịch sử quan hệ với Nga từ trước tới nay, hai nước đã có nhiều bi kịch xảy ra. Mỗi nước đều có lợi ích riêng của mình và Nga không thể đáp ứng được mọi yêu cầu của Trung Quốc. Còn Giáo sư Trương Thanh Mẫn, thuộc Học viện quan hệ quốc tế Bắc Kinh ngày 8/5/2015 cho rằng mặc dù quan hệ Trung – Nga nồng ấm, nhưng thực chất không cao. Quan hệ Trung – Mỹ mới là thực chất và liên quan tới những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Dư luận của Nga cũng cho rằng quan hệ Nga – Trung thực chất  “nóng trên lạnh dưới”, nghĩa là lãnh đạo hai nước tỏ ra thân thiết, mặn mà nhưng thực chất bên dưới thờ ơ lạnh nhạt. Tờ Izvesta của Nga cho rằng kể từ Thời Pie Đại Đế hơn 300 năm tới nay chưa bao giờ chiến lược của Nga hướng sang Đông. Nếu có chăng chỉ là nhất thời chứ không phải là chiến lược lâu dài. Báo “Độc lập” của Nga cho rằng: “Nếu như Nga xích lại với Trung Quốc để giải quyết khó khăn tạm thời là điều dễ hiểu, nhưng lấy đây là một “Chiến lược, một quyết sách lâu dài thì nước Nga sẽ đi vào ngõ cụt. Chiến lược lâu dài hướng Đông với Trung Quốc chỉ làm Nga thụt lùi và không có tương lai.”

Thực tế diễn biến mấy năm qua cho thấy nhận xét và đánh giá của học giả hai nước là có cơ sở, hiện nay trên thực tế quan hệ Trung – Nga đang thụt lùi và suy giảm, chủ yếu do chủ nghĩa thực dụng của Người Trung Quốc hiện nay. Ngày 16/6/2016, ông Tập Cận Bình mở đầu chuyến thăm 3 nước là Serbia, Ba Lan và Uzbeckistan để củng cố chiến lược “Một vành đai một con đường” của mình và quan hệ này tạo điều kiện cho Trung Quốc kiếm được nhiều lợi ích hơn so với quan hệ Trung – Nga.

RELATED ARTICLES

Tin mới