Wednesday, April 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ xuất khẩu ô nhiễm sang Viễn Đông: Nga buộc phải chọn

TQ xuất khẩu ô nhiễm sang Viễn Đông: Nga buộc phải chọn

Với một Viễn Đông thưa dân khát đầu tư, một quốc gia đang khó khăn vì bao vây, cấm vận, để Trung Quốc đầu tư là lựa chọn bắt buộc của Nga.

Các nhà máy của người Trung Quốc. Ảnh: china-mike.com.

Đó là nhận định của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) trước việc Trung Quốc đang chuyển dần các cơ sở sản xuất ra nước ngoài, trong đó có vùng Viễn Đông Nga.

Lựa chọn bắt buộc

Trung Quốc đang đề xuất chuyển một số cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc lĩnh vực luyện kim, sản xuất xi măng, chất hóa học của nước này sang vùng Viễn Đông Nga. Nhiều người hoài nghi rằng các chi phí về mặt môi trường vượt quá lợi ích nhận được khi các cơ sở trên đều thuộc các ngành làm bẩn môi trường.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, việc các doanh nghiệp hoạt động các lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Trung Quốc tìm cách chuyển nguồn lực ra nước ngoài đã trở thành một xu hướng từ nhiều năm nay.

Theo đó, sau khi vượt Nhật Bản về GDP vào năm 2010, kinh tế Trung Quốc đã chuyển sang một giai đoạn mới, bước chuyển được dự đoán sẽ kéo dài hàng thập niên: từ mô hình quảng canh, sản xuất sử dụng nhiều nhân công, nguyên vật liệu trên nền tảng là công nghiệp nặng như sắt thép, xi măng, dần dần chuyển sang sản xuất hàng hóa dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao.

Trước đó, Trung Quốc đã trải qua một cuộc chạy maratong từ năm 1978 đến năm 2010 với phương châm: chạy nhanh “đuổi kịp Pháp vượt Pháp, đuổi kịp Anh vượt Anh, đuổi kịp Đức vượt Đức, đuổi kịp Nhật vượt Nhật…”. Với tốc độ đó và nền sản xuất là công xưởng của thế giới, bên cạnh ánh hào quang là tổng lượng GDP  lớn, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới, kinh tế Trung Quốc chất chứa những vấn đề nội bộ của nó. Đó là sản xuất dư thừa, hàng hóa không tiêu thụ được, các xí nghiệp hoạt động cầm chừng…

“Vì thế, Trung Quốc đã tiến hành công việc chuyển sản xuất công nghiệp nặng ô nhiễm ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Nhưng Việt Nam chỉ là quốc gia nhỏ, vùng Viễn Đông của Nga  là nơi Trung Quốc hướng tới. Với diện tích 6,2 triệu km2, vùng Viễn Đông chỉ có 6 triệu dân, là nơi cực kỳ thưa dân. Từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014 và bị Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) bao vây, trừng phạt, Nga bị đẩy vào cảnh cực kỳ khó khăn, một miền Viễn Đông hoang vu như vậy rất cần có đối tác đầu tư vào.

Như vậy, nhu cầu của Trung Quốc gặp nhu cầu của Nga, cộng hưởng với nhau. Người Nga biết rõ Trung Quốc sẽ chuyển công nghiệp nặng ô nhiễm, lại chỉ ở tầm thấp và trung bình sang Viễn Đông nhưng với tình cảnh đang khó khăn bởi bao vây cấm vận, với một vùng Viễn Đông thưa thớt khát đầu tư, họ không còn lựa chọn nào khác, đành nghiến răng nhắm mắt mà nhận.

Hơn nữa, việc thu hút đầu tư vào Viễn Đông là một khó khăn với Nga. Tại sao các nước khác không rót vốn  vào vùng đất giàu tài nguyên như Viễn Đông? Là vì tất cả liên quan đến lợi ích, vì Trung Quốc ở gần hơn cả và Trung Quốc đang thừa mứa công nghiệp lạc hậu, còn công nghiệp của Nhật, Pháp, Đức… không đầu tư vào đây do hiệu quả quá thấp. Người Pháp, Đức cách xa hàng ngàn cây số, hơn nữa đầu tư vào Viễn Đông không phải là đầu tư vào công nghệ thông tin, không phải làm ra vi mạch mà đầu tư hàng tiêu dùng thô, công nghiệp nặng, những lĩnh vực mà các nước phát triển nói trên ít làm…

Thực tế, người Nga rất cảnh giác. Từ năm 1936 Stalin rồi đến Khrusov năm 1962 đều lần lượt khẳng định người Trung Quốc không đáng tin bởi họ nói một đằng, làm một nẻo. Tuy nhiên, như đã nói, Nga giống như người đói, dù biết miếng ăn đắng nhưng vẫn phải nuốt”, ông Lê Văn Cương phân tích.

Vị chuyên gia về quan hệ quốc tế nhấn mạnh, trong bài toán đánh đổi giữa Nga và Trung Quốc, Moscow vẫn có cái lợi. Từ chỗ đất bỏ không, Nga thu được mỗi năm hàng tỷ USD. Tuy nhiên, cái giá Nga phải trả cũng quá lớn và thế hệ sau của quốc gia này sẽ phải trả.

Toan tính của Trung Quốc

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược chỉ rõ, việc Trung Quốc chuyển sự dư thừa công nghiệp ra nước ngoài do trong nước không có đầu ra và không chỉ nhằm vào Nga.

“Thực chất, đây chính là một phần của chiến lược “Một vành đai, một con đường”. Mục đích chính trị của chiến lược này là thống lĩnh thế giới theo chỉ dẫn của Brzezinski trong cuốn sách “Bàn cờ lớn” xuất bản năm 1989. Ông ta cho rằng, về lâu dài kẻ nào thống trị lục địa Á-Âu, kẻ đó sẽ thống trị thế giới. Chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc vắt ngang lục địa Á-Âu, đi qua 40 quốc gia giàu tài nguyên nhưng thiếu vốn đầu tư. Trung Quốc đổ tiền làm đường sắt, đường bộ, đường không, phát triển mạng lưới thông tin, điện… và quy luật đã chỉ rõ,quốc gia nào bị phụ thuộc kinh tế dứt khoát phụ thuộc về chính trị.

Chuyện Trung Quốc đầu tư vào để khai phá vùng Viễn Đông Nga cũng vậy. Gần trăm năm nay người Nga luôn tồn tại một nỗi sợ rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ lấy vùng Viễn Đông. Trung Quốc giáo dục cho gần 1,4 tỷ dân mình rằng Viễn Đông là của Trung Quốc bị Nga hoàng chiếm và khi có cơ hội họ sẽ chiếm lại.

Khi chuyển các nhà máy lạc hậu, ô nhiễm sang Viễn Đông Nga, Trung Quốc vừa thực hiện chiến lược “Một vành đai, một con đường” vừa thực hiện chiến lược tràn ngập lãnh thổ bằng nhân khẩu học. Từ lâu họ đã đề ra chiến lược không cần đánh, không cần mất hòn tên mũi đạn nào mà mặc nhiên qua bầu cử Viễn Đông thuộc về Trung Quốc. 6 triệu người Nga trải trên 6,2 triệu km2, trong khi 4 tỉnh Trung Quốc bao quanh Viễn Đông là 300 triệu người, chỉ cần di dân nhẹ nhàng, thâm nhập biên giới mềm, chỉ chưa đầy 20 năm vùng Viễn Đông sẽ là 3 người Trung Quốc, 1 người Nga. Kế hoạch ấy của Trung Quốc rất đơn giản”, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho biết.

Đặt ra nghi ngại nếu không thận trọng, nền kinh tế Nga sẽ bị phụ thuộc sâu vào kinh tế Trung Quốc với Thiếu tướng Lê Văn Cương, ông khẳng định, kinh tế Nga không phụ thuộc vào Trung Quốc được vì xét cho cùng, công nghệ của Nga phát triển hơn rất nhiều và nó gắn với châu Âu. Chỉ có điều, trong một vài thập niên tới, hàng hóa giá rẻ Trung Quốc sẽ tràn ngập Nga, giết chết nền công nghiệp nhẹ của Nga.

“Người Nga rất thông minh, trước mắt có thể họ chưa giải quyết được do thiếu tiền, thiếu công nghệ nhưng về lâu dài sẽ có cách xử lý bài toán này. Chỉ cần giá dầu tăng lên Nga sẽ làm được nhiều việc nhưng đến thời điểm này đúng là rất khó”, ông nhấn mạnh.

Bởi vậy, để Nga giảm phụ thuộc vào Trung Quốc vừa tận dụng được đầu tư của nước này, theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ khôi phục kinh tế của Nga. Nếu Nga có khả năng khôi phục sớm thì họ sẽ tập trung vốn, công nghệ vào Viễn Đông.

“Trước mắt, Nga khó có thể khuyến khích chuyển giao công nghệ hiện đại với cam kết tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao dựa trên các tiêu chuẩn cao về an toàn cho môi trường và con người vì như đã nói, không ai làm công nghệ hiện đại ở Viễn Đông vì không hiệu quả, chỉ có Trung Quốc dư tiền, dư công nghệ lạc hậu mới làm”, ông nói.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới