Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTiếp cận "song phương" với Trung Quốc - trò chơi mạo hiểm

Tiếp cận “song phương” với Trung Quốc – trò chơi mạo hiểm

Khi nói đến chính sách đối ngoại, điều duy nhất được Rodrigo Duterte làm rõ cho đến nay là ông mong muốn gây thiện cảm với Trung Quốc.

Ngư dân Philippines đang đối mặt với một tương lai vô định trước sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông và sự không chắc chắn trong chính sách đối ngoại của chính phủ mới. Ảnh minh họa: Reuters.

Alan Robles, một nhà báo thường trú tại Manila, Philippines ngày 24/6 bình luận trên South China Morning Post lo ngại, cách tiếp cận “song phương” với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông không biết sẽ đưa Philippines đi đâu về đâu khi Tổng thống vừa đắc cử Rodrigo Duterte cho thấy, ông sẵn sàng bỏ qua “tình bạn được nuôi dưỡng cẩn thận trong khu vực” để đổi lấy mối quan hệ với Trung Quốc.

Lo ngại của Alan Robles xuất hiện trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có thể ra phán quyết bất cứ lúc nào về vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) ở Biển Đông. Các chuyên gia tin rằng, phần lớn phán quyết sẽ nghiêng về Manila.

Một phán quyết như vậy sẽ đánh dấu chiến thắng của chiến lược ngoại giao đa phương và pháp lý quốc tế mà chính quyền Tổng thống Benigno Aquino III nỗ lực theo đuổi trong vấn đề Biển Đông. Nhưng phán quyết này có thể “rơi tự do trong lòng Rodrigo Duterte”, người sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 30/6 này.

Trong chiến dịch tranh cử, Duterte có những phát biểu về chính sách đối ngoại nghe như lời “huyên thuyên của kẻ say rượu”, Alan Robles viết. Khi được hỏi ông sẽ làm gì với tranh cãi ở Biển Đông nếu trúng cử Tổng thống, Duterte trả lời ông sẽ cưỡi xuồng đến Scarborough và cắm cờ Philippines.

Ông xúc phạm Úc với một lời nói đùa về dâm ô, bày tỏ sự ác cảm đối với Hoa Kỳ, đưa ra những lời tục tĩ chống lại Đức Giáo Hoàng, Singapore và Liên Hợp Quốc. Nhưng có một điều lạ là tuyệt nhiên ông Duterte chưa bao giờ tấn công Trung Quốc.

Sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử, cựu Thị trưởng Davao tuyên bố rằng những phát biểu nêu trên của ông đơn thuần chỉ là chiến lược vận động tranh cử. Ông cam kết sẽ thận trọng trong phát ngôn và ứng xử khi trở thành  Tổng thống.

Từng làm Thị trưởng Davao trong 20 năm, Rodrigo Duterte giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với cam kết đè bẹp tham nhũng và dẹp sạch bọn tội phạm, giải quyết vấn đề giao thông ở Manila, thay đổi cách điều hành của chính phủ.

Khi nói đến chính sách đối ngoại, điều duy nhất được Rodrigo Duterte làm rõ cho đến nay là ông mong muốn gây thiện cảm với Trung Quốc.

Ông nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải đàm phán với Bắc Kinh, cách tiếp cận bị người tiền nhiệm Aquino bỏ qua (sau 18 năm ròng rã đàm phán với Bắc Kinh đi vào ngõ cụt).

Vài tháng trước, Duterte tuyên bố ông có thể đàm phán với Trung Quốc về việc cùng khai thác Biển Đông nếu Bắc Kinh đồng ý đầu tư xây dựng một dự án đường sắt ở Philippines. Tất nhiên Bắc Kinh sẽ cảm thấy “mát lòng mát dạ” với đề xuất này, đó là điều không có gì lạ.

Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa đến chào ông Rodrigo Duterte sau khi biết tin ông trúng cử Tổng thống Philippines, ảnh: SCMP.

Triệu Giám Hoa, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines là một trong số những người đầu tiên chúc mừng ông Rodrigo Duterte khi ông đắc cử Tổng thống. Ông Hoa đã đến chào Rodrigo Duterte tại Davao ngày 16/5 sau khi ông vừa đắc cử. Trong khi Duterte chỉ đồng ý gặp Đại sứ Mỹ trong tháng 6.

Ngoài ra một điều “không chắc chắn” nữa trong chính sách đối ngoại của Philippines tới đây theo Alan Robles là, ông Rodrigo Duterte lựa chọn Perfecto Yasay, một cựu lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái và kinh nghiệm ngoại giao là con số 0 làm Ngoại trưởng.

Trả lời một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Yasay nói rằng: “Có khả năng lớn là Trung Quốc sẽ thắng kiện trong vụ này”, nhưng ông không đưa ra lý do cụ thể.

Điều này tạo ra hoài nghi về sự vững chắc và tính liên tục trong chính sách đối ngoại của Philippines trong thời điểm quốc gia này phải đối mặt với vấn đề an ninh quốc tế có thể sẽ là trầm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới II.

Một tuần sau khi tiếp kiến Đại sứ Trung Quốc, Trung Quốc nới lỏng “cho phép” ngư dân Philippines vào đánh bắt trong đầm phá bãi cạn Scarborough. Tổng thống mới đắc cử của Philippines lập tức cảm ơn Trung Quốc.

“Tôi muốn cảm ơn Trung Quốc đã hiểu hoàn cảnh của người Philippines”, Rodrigo Duterte nói. Phát biểu này của ông đã gây ra một phản ứng dữ dội trên các phương tiện truyền thông xã hội Philippines.

Người ta cho rằng, việc để Bắc Kinh “cho phép” ngư dân Philippines vào đánh bắt ở Scarborough và cảm ơn của Tổng thống đắc cử có thể bị hiểu thành, Duterte thừa nhận Trung Quốc có chủ quyền đối với Scarbrough.

Sau đó ông rút lại phát biểu này. Trong cuộc họp báo ngày 2/6 ông Rodrigo Duterte nói rằng sẽ không bao giờ từ bỏ yêu sách của Philippines đối với Scarborouhg.

Tuy nhiên ông chờ PCA ra phán quyết và sau đó thử tiếp cận vấn đề bằng cơ chế đa phương. Nếu sau ba hoặc bốn năm không hiệu quả, ông sẽ “tiếp cận song phương” với Trung Quốc.

Tranh minh họa chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Rodrigo Duterte của tờ South China Morning Post, phản ánh lập trường của Alan Roble và SCMP.

Cho đến nay Bắc Kinh đã nhanh chóng tranh thủ Rodrigo Duterte. Triệu Giám Hoa ca ngợi ông là một người rất mạnh mẽ và nguyên tắc, là nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn làm việc để cải thiện quan hệ song phương,

Tuy nhiên theo Alan Robles, có 2 vấn đề đặt ra nếu ông Rodrigo Duterte “tiếp cận song phương” với Trung Quốc trong việc tìm cách giải quyết tranh chấp Biển Đông. Một là Philippines sẽ chẳng khác gì một kẻ yếu đuối chỉ nặng 98 pound đường đầu với “một con khỉ đột nặng 800 pound”.

Hai là ngay cả khi các cuộc đàm phán song phương dẫn đến kết quả một thỏa thuận hợp tác đạt được, thì Philippines sẽ luôn phải đối mặt với vấn đề Trung Quốc đòi áp dụng luật pháp của họ vào bất kỳ thỏa thuận hợp tác nào.

Theo cách hiểu của người viết, Philippines sẽ phải chấp nhận cái gọi là nguyên tắc “chủ quyền thuộc Trung Quốc” thì mới có thể hợp tác, khai thác chung với Trung Quốc.

Chính quyền của tân Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ phải đối mặt với nguy cơ Trung Quốc tiếp tục leo thang quân sự hóa khu vực và có thể đơn phương áp đặt cái gọi là một vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông.

Người tiền nhiệm Benigno Aquino III đã xây dựng một chính sách ngoại giao đa phương, tiếp cận vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc thông qua cơ quan tài phán, đề cao vai trò của ASEAN, Hoa Kỳ và những nước khác.

Nếu Rodrigo Duterte phá bỏ tất cả những điều này, ông sẽ bắt đầu một trò chơi mạo hiểm trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới