Friday, April 19, 2024
Trang chủĐiểm tinVụ kiện Biển Đông: Sau phán quyết của PCA sẽ là gì?

Vụ kiện Biển Đông: Sau phán quyết của PCA sẽ là gì?

Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague về vụ kiện biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã đến rất gần.

 

Tàu sân bay Mỹ xuất hiện ở biển Đông hôm 18/6. (Ảnh: Huanqiu)

Trung Quốc không hề e ngại trước thềm phán quyết vụ kiện biển Đông

Trong những ngày này, sự quan tâm của dư luận quốc tế tập trung vào tuyên bố chủ quyền “mơ hồ” được Trung Quốc đưa ra với toàn bộ vùng nước nằm bên trong cái mà Bắc Kinh gọi là “đường chính đoạn”, hay “đường lưỡi bò”.

Trong bài phân tích đăng tải trên tờ Strait Times (Singapore) ngày 28/6, giáo sư chiến lược học Hugh White của Đại học quốc gia Australia (ANU) cho rằng phán quyết của PCA đang rất được mong đợi bởi các nước khu vực biển Đông.

Nhưng hơn thế nữa, là ở Washington, nơi nhiều người muốn thấy yêu sách chủ quyền của Trung Quốc bị bác bỏ một cách chính thức.

Mỹ cùng các đồng minh tin rằng phán quyết được do một cơ quan trọng tài được quốc tế công nhận đưa ra sẽ gia tăng áp lực về ngoại giao và đạo đức, buộc Bắc Kinh chấm dứt những yêu sách hung hăng như hiện nay về lãnh thổ.

Theo giáo sư White, Washington “dường như bị thuyết phục rằng” khi đối diện với phán quyết tiêu cực, Trung Quốc cuối cùng sẽ phải thừa nhận rằng những tổn thất ngoại giao đến từ việc giữ lập trường trong vấn đề biển Đông sẽ trở nên “không thể gánh vác nổi”.

Tuy nhiên, các bằng chứng gần đây đều thể hiện điều ngược lại.

Ông White cho rằng, vài tuần trước, Trung Quốc rõ ràng đã ép hội nghị Ngoại trưởng các nướcASEAN rút lại một tuyên bố chung, vốn có thái độ “không quá nặng nề”, ám chỉ biển Đông “là một vấn đề trong các mối quan hệ và hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc”.

Tuyên bố chung được rút lại chỉ vài giờ sau khi đưa ra và các nước ASEAN sau đó chỉ phát biểu những tuyên bố riêng.

“Điều này gần như cho thấy Trung Quốc đang không cảm nhận sức ép nào để phải ‘hạ nhiệt’ trong ngoại giao,” Hugh White viết.

Hồi tuần trước, Bắc Kinh thậm chí không ngần ngại leo thang căng thẳng với thế lực quan trọng hàng đầu ở Đông Nam Á, Indonesia.

Bắc Kinh phản ứng kịch liệt trước biện pháp cứng rắn của phía Indonesia đối với tàu cá Trung Quốc hoạt động trong khu vực mà Jakarta tuyên bố là Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) quanh quần đảo Natuna, đồng thời nằm bên trong “đường chín đoạn” do Trung Quốc yêu sách.

Trung Quốc cũng không tỏ ra lo lắng khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo cứng rắn ra lệnh Lực lượng vũ trang quốc gia Indonesia (TNI) tăng cường hiện diện ở khu vực nhạy cảm, và tự mình thị sát quần đảo Natuna hôm 22/6.

Thái độ dửng dưng của Trung Quốc khơi dậy một câu hỏi: Điều gì sẽ đến khi Bắc Kinh cứ việc phớt lờ phán quyết của PCA? Đặc biệt, Washington sẽ phản ứng thế nào?

Rõ ràng Mỹ sẵn sàng “đối đầu với rắc rối”. Trong vài tháng qua, Washington đã phản ứng mạnh với những tình huống mà họ cáco buộc là “quân sự hóa gây bất ổn” của Bắc Kinh, bằng cách tăng hiện diện quân sự ở biển Đông.

Đáng kể nhất là sự xuất hiện của hai nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS John C. Stennis ở vùng biển gần Philippines những ngày qua. Đây là “thông điệp không thể nhầm lẫn” về sự quyết tâm mà Mỹ gửi đến Bắc Kinh, giáo sư White đánh giá.

Nhưng quyết tâm để làm gì?

Hai kịch bản về phản ứng của Trung Quốc và lựa chọn cho Mỹ

Theo phân tích của Hugh White, Trung Quốc có thể sẽ không phản ứng gì hơn về phán quyết của PCA ngoài một tuyên bố phản đối mạnh mẽ.

Họ cũng không lùi bước trong các hành động bành trướng thời gian qua nhưng có thể sẽ không lập tức leo thang hành vi hoặc tăng cường hiện diện ở khu vực tranh chấp.

Trong trường hợp này, khi Trung Quốc “nằm im chờ tình hình”, khó xác định được Mỹ sẽ làm được những gì với tất cả sự bố trí quân sự của họ.

Ở kịch bản đối lập, theo ông White, Trung Quốc quyết định phản ứng cứng rắn với phán quyết của PCA, không loại trừ khả năng Bắc Kinh tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông, như cách nước này làm ở biển Hoa Đông năm 2013.

Nước này cũng có thể khiêu khích Mỹ bằng cách tiến hành xây đảo nhân tạo hoặc lập căn cứ ởBãi cạn Scarborough, như cách Trung Quốc đã thực hiện phi pháp ở các đảo, đá cưỡng chiếm của Việt Nam.

Hugh White chỉ ra, tình hình đã hoàn toàn khác so với 20 năm trước, khi mà Trung Quốc không có biện pháp khả dĩ tấn công một tàu sân bay Mỹ, cũng như thiệt hại kinh tế cho việc “cắt đứt” với Bắc Kinh ở mức Washington kiểm soát được.

Ngày nay, bất kỳ cuộc đụng độ quân sự nào với Trung Quốc, quốc gia có quân đội được vũ trang hiện đại và là nền kinh tế số 2 thế giới, cũng đem lại rủi ro chiến lược và hậu quả kinh tế “không thể tính được”.

Ông White bình luận: “Khó có thể hình dung một người bình tĩnh và thực dụng như Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chấp nhận cái giá và rủi ro như thế (để chống lại Trung Quốc).”

Điều đó đồng nghĩa với những đe dọa đến từ việc triển khai quân sự rầm rộ của Mỹ ở biển Đông “có thể chỉ là sự thổi phồng”.

Giáo sư người Australia đặt nghi vấn: Có thể Bắc Kinh đang cố gắng “mời gọi” những phản ứng mạnh từ Mỹ để hợp thức hóa những hành động thách thức như trên.

Như vậy, chính Washington phải đứng trước lựa chọn khó khăn: Nhượng bộ, tức thừa nhận thế lực gia tăng của Trung Quốc và sự suy giảm uy thế tương ứng của Mỹ; hoặc thúc đẩy đụng độ vũ trang leo thang thành xung đột lớn.

“Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ lựa chọn thế nào” chính là rủi ro mà Trung Quốc đang chấp nhận, Hugh White kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới