Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngHọc giả TQ lên tiếng cuộc tập trận chung Mỹ-Ấn-Nhật

Học giả TQ lên tiếng cuộc tập trận chung Mỹ-Ấn-Nhật

“Cơ chế hóa Malabar không chỉ khiến căng thẳng leo thang mà còn đẩy các nước trong khu vực vào cuộc chạy đua vũ trang mới”, học giả Trung Quốc bình luận.

Mối nguy hiểm của “cơ chế hóa” Malabar

Theo chuyên gia Phòng Nghiên cứu quan hệ quốc tế – Viện Xã hội khoa học Thượng Hải Hồ Chí Dũng, cuộc tập trận chung Malabar đã trở thành “cơ chế” hợp tác an ninh thường niên của liên quân ba nước Mỹ – Nhật – Ấn.

Và mục tiêu lớn nhất của hình thức “cơ chế hóa” này chính là răn đe và chống lại Trung Quốc.

“Điều này không chỉ khiến căng thẳng leo thang mà còn đẩy các nước trong khu vực vào cuộc chạy đua vũ trang mới”, ông này bình luận.

Vậy “cơ chế hóa” Malabar là gì và tại sao phải thực hiện “cơ chế hóa”?

Malabar là một trong những cuộc diễn tập hải quân lớn nhất và phức tạp nhất của ba nước Mỹ – Nhật – Ấn.

Kể từ 2015 với sự tham gia thường xuyên của Nhật, Malabar trở thành không chỉ là liên kết quân sự hay cuộc tập trận chung 3 nước mà đây còn là minh chứng cho mức độ phát triển của quan hệ hợp tác chính trị, quân sự, quốc phòng và an ninh giữa 3 nước này.

Malabar 2016 diễn ra tại bờ biển phía Đông đảo Okinawa, Nhật Bản (từ 10 – 17/6) nhằm tăng cường hợp tác quân sự, nâng cao năng lực tác chiến và săn ngầm của hải quân ba nước.

Malabar là cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Ấn Độ bắt đầu từ năm 1992.

Năm 2007, Nhật Bản bắt đầu tham gia với tư cách khách mời cùng với Singapore và Australia.

Năm 2007 và 2009, địa điểm cuộc diễn tập đã được mở rộng từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương.

Đến năm 2015, Nhật Bản bắt đầu tham gia Malabar với tư cách như một trong những thành viên lâu dài, biến cuộc diễn tập song phương Mỹ – Ấn thành cuộc diễn tập chung của ba nước Mỹ – Ấn – Nhật.

Đặc điểm lớn nhất của Malabar 2015 chính là phô diễn khả năng giám sát hàng hải trên biển với các thiết bị quân sự hiện đại nhất. Trong đó, Washington và New Delhi đều đã gửi máy bay trinh sát săn ngầm P-8 Poseidon tới tham gia.

Tại “Malabar 2016”, hải quân Mỹ đã cử một tàu sân bay John C. Stennis. Nhật Bản phái một tàu sân bay trực thăng lớp mới Hyuga và một máy bay tuần tra. Ấn Độ tham gia với một tàu khu trục tên lửa.

Điểm nổi bật nhất tại Malabar năm nay chính là thời gian và địa điểm diễn ra cuộc diễn tập.

Malabar 2016 diễn ra đúng thời điểm tình hình an ninh chính trị ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trở nên sôi động và kịch tính hơn bao giờ hết.

Đó chính là thời điểm vấn đề tranh chấp chủ quyền leo thang ngày càng căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông do Trung Quốc tiếp tục có những hành động bành trướng “chọc tức” các nước láng giềng.

Địa điểm cuộc diễn tập năm nay cũng được đánh giá khá nhạy cảm khi nó được dời từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương.

Cụ thể, cuộc diễn tập được diễn ra tại vùng biển ngay gần khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngoài ra, thời gian gần đây, Trung Quốc được cho có xu hướng gia tăng tầm ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương khi Bắc Kinh cử nhiều tàu ngầm hạt nhân đến vùng biển phía Tây Ấn Độ. Trong khi đây được xem là vùng ảnh hưởng truyền thống và gắn bó “sát sườn” đến lợi ích an ninh, kinh tế của New Delhi.

Học giả Trung Quốc lên tiếng cuộc tập trận chung Mỹ-Ấn-Nhật - Ảnh 2.

Tàu sân bay John C. Stennis (Mỹ) tham gia tập trận Malabar với Ấn Độ và Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Như thế, Malabar 2016 một lần nữa khẳng định mối liên kết chặt chẽ giữa 3 nước Mỹ – Ấn – Nhật trên cơ sở chiến lược riêng của từng quốc gia.

Đồng thời, qua đó xây dựng xu hướng, mối liên kết và tạo thế cân bằng quân sự mới nhằm đối phó kịp thời với những xung đột bất ngờ nảy sinh tại khu vực và trên thế giới.

Về phía Trung Quốc, dù “khó chịu” nhưng nước này vẫn thường truyền đi thông điệp, Bắc Kinh luôn hy vọng cuộc tập trận chung này sẽ có lợi cho hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại luôn duy trì sự cảnh giác cao độ đối với Malabar và rục rịch chuẩn bị các phương án dự phòng nhằm ngăn chặn những “căng thẳng” có thể xảy ra ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thành quả từ Malabar 2016

Với Mỹ, trước việc Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các hoạt động quân sự phi pháp ở Biển Đông và Hoa Đông, Mỹ đã vạch ra kế hoạch bắt tay với Ấn Độ, Nhật Bản và các nước đồng minh như Hàn Quốc, Úc để xây dựng trật tự an ninh hàng hải mới tại châu Á.

Theo một số ý kiến phân tích, “cái bắt tay” chặt chẽ với Nhật ở Malabar 2016 giúp Mỹ từng bước thực hiện có hiệu quả chiến lược “tái cân bằng Châu Á – Thái Bình Dương”.

Do đó, việc Mỹ khuyến khích Nhật mở rộng quan hệ với Ấn Độ, Australia và một số nước châu Á khác sẽ giúp Washington có được một “không gian chiến lược rộng rãi hơn” tại châu Á – Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng nỗ lực tăng cường mối quan hệ chiến lược với Ấn Độ. Đặc biệt, khi nền kinh tế của Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ, Mỹ đã khuyến khích Ấn Độ phát huy vai trò tích cực hơn ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Theo Hồ Chí Dũng, mục tiêu cuộc tập trận Malabar ngày càng trở lên rõ ràng khi Washington lộ rõ ý định sử dụng “Malabar” như một công cụ đắc lực để lôi kéo Tokyo và New Delhi để cùng đối phó với Trung Quốc.

Với Nhật Bản, chính phủ nước này cũng mong muốn sẽ bắt tay với Mỹ và Ấn Độ nhằm hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh.

Học giả Trung Quốc lên tiếng cuộc tập trận chung Mỹ-Ấn-Nhật - Ảnh 3.

Tàu sân bay trực thăng Nhật Bản lớp Hyuga. (Ảnh: Huanqiu)

Ông Hồ Chí Dũng cho rằng, Nhật Bản đang lợi dụng căng thẳng trong quan hệ Trung – Mỹ để kéo gần và tăng cường sự phối hợp an ninh Nhật – Mỹ.

Hơn nữa, trước vấn đề tranh chấp chủ quyền tại các nhóm đảo trên biển Hoa Đông giữa Nhật và Trung đang ngày càng căng thẳng thì Malabar 2016 là một cơ hội lớn để Tokyo chủ động mượn sức mạnh của các nước khác để kiềm chế Trung Quốc.

Đặc biệt, một chuyên gia quân sự Trung Quốc khác nhận xét, địa điểm của cuộc diễn tập Malabar 2016 đã thể hiện rõ “thâm ý” của Tokyo.

Xét từ vị trí địa lý đảo Okinawa cho thấy, Nhật Bản muốn chặn đứng cửa ngõ đầu tiên tại chuỗi đảo này của hải quân Trung Quốc. Ngoài ra, khu vực diễn tập chỉ cách đảo Senkaku/Điếu Ngư 400km và rất gần Biển Đông.

Với Ấn Độ, trước đó nước này luôn duy trì phương châm “tự chủ trong chiến lược” và thực hiện chính sách không tham gia chính thức vào các liên minh quân sự.

Tuy nhiên việc tích cực tham gia tập trận chung Malabar 2016 đã thể hiện sự thay đổi quan trọng trong quan điểm về chính sách quốc phòng của New Delhi trong những năm gần đây.

Đặc biệt, đây cũng là một bước tiến quan trọng trong chính sách hướng Tây Thái Bình Dương của New Delhi.

“Đối phó lại Trung Quốc” là mục tiêu chung của một Hoa Kỳ với tham vọng “tiếp tục trở thành nhà lãnh đạo thế giới” và một Ấn Độ luôn luôn “so kè” với Trung Quốc ở bất cứ thời điểm nào, học giả Trung Quốc bình luận.

Có thể nói thông điệp Malabar 2016 mà ba nước gửi đi chính là liên kết quân sự nhằm đối phó với những mưu đồ chiến lược, tham vọng bành trướng và hoạt động quân sự phi pháp của Trung Quốc.

Đồng thời, nhờ cuộc diễn tập này, Mỹ muốn liên kết đồng minh và thực hiện suôn sẻ chính sách “xoay trục” sang châu Á; Ấn Độ muốn vươn tầm với ra khu vực Thái Bình Dương còn Nhật Bản mong xây dựng ảnh hưởng chính trị và quân sự ở khu vực và trên thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới