Wednesday, April 24, 2024
Trang chủĐiểm tinBắc Kinh đẩy chiến dịch truyền thông về Biển Đông tới tận...

Bắc Kinh đẩy chiến dịch truyền thông về Biển Đông tới tận Washington

Sắp phải đối mặt với một phán quyết đầy rủi ro từ một tòa án quốc tế về các cuộc tranh chấp ở Biển Đông với Philippines, Trung Quốc đã khuấy lên một chiến dịch PR đầy sức nặng nhằm bảo vệ quan điểm của mình trước “tòa án công luận thế giới”.

Cựu Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bình Quốc.

Chiến dịch truyền thông này đã đến Washington hôm thứ Ba (5/7), thông qua phát ngôn của một cựu quan chức cấp cao ở Bắc Kinh, rằng Trung Quốc sẽ phủ nhận đến cùng phán quyết của tòa án và cảnh báo Mỹ nên thận trọng hơn trong vùng biển tranh chấp.

Trước việc Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan sẽ có phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc vào thứ Ba (12/7) tới đây, ông Đới Bình Quốc, cựu Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, là nhà ngoại giao có tầm ảnh hưởng lớn dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, cho biết những phán quyết của tòa án “chẳng có giá trị gì ngoài một mẩu giấy”.

Phát biểu tại một cuộc họp của Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, ông Đới Bình Quốc kêu gọi các nước không thực hiện quyết định của tòa án và cảnh báo rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất cứ “sự khiêu khích” tiếp theo nào từ phía Philippines. “Nếu không, Trung Quốc sẽ không ngồi yên nữa”, ông Quốc nhấn mạnh.

Cựu quan chức ngoại giao, hiện là Hiệu trưởng trường đại học Tế Nam, buộc tội Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực thông qua các cuộc tuần tra trên biển và trên không cũng như đã kích động các nước Đông Nam Á đối đầu với Bắc Kinh.

“Trung Quốc chúng tôi sẽ không bị các hành động của Mỹ đe dọa, kể cả khi Mỹ có đưa 10 tàu sân bay tới Biển Đông đi chăng nữa”, ông Quốc nói, “Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị kéo và những rắc rối ngoài ý muốn và phải trả giá rất nặng nề một cách không mong đợi”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay sau đó đã lập tức đăng tải nguyên văn bài phát biểu của ông Quốc. Bài phát biểu, trong đó lặp đi lặp lại quan điểm của Bắc Kinh, là “loạt đạn” mới nhất trong chiến dịch PR của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông . Trong những năm gần đây, Bắc Kinh liên tục cho cải tạo và xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên vùng biển tranh chấp. Thậm chí, Bắc Kinh còn tuyên bố có hơn 60 quốc gia đồng quan điểm với mình trong vụ kiện của Philippines gửi lên PCA. Tuy nhiên, nhanh chóng sau đó, quốc gia này đã bị bẽ mặt khi tờ Wall Street Journal (WSJ) tìm ra sự thật con số nực cười nói trên.

Chỉ có 8 quốc gia đưa ra tuyên bố công khai ủng hộ Trung Quốc trong vụ kiện, và một số chính phủ phủ nhận việc hỗ trợ Bắc Kinh này, WJS đưa tin. Những quốc gia ủng hộ Trung Quốc trên thực tế lại không phải là những cường quốc hàng hải ở Đông Nam Á. Đó là những cái tên khá xa xôi với Biển Đông nếu đặt trên bản đồ thế giới: Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu, và Lesotho.

Mỹ và hầu hết các chính quyền trong khu vực đều kêu gọi cả hai bên nên tuân thủ phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, PCA không có cách nào thực thi phán quyết của mình.

Philippines đã gửi đơn kiện lên PCA từ năm 2013 sau một loạt những cuộc đối đầu với Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) quy định tòa án là một trong những cách giải quyết các tranh chấp hàng hải, Trung Quốc cũng đã phê chuẩn công ước này. Manila, cũng như các nước khác, đặt ra câu hỏi đối với những yêu cách của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông, buộc tội tàu cá và lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào đối với phán quyết sắp tới của tòa án. Tuy nhiên, những phát ngôn của ông Quốc ở Washington đưa đến suy đoán rằng Bắc Kinh sẽ sớm tiến hành cải tạo bãi cạn Scarborough. Động thái này sẽ đẩy những căng thẳng với Manila lên một mức mới, tác động đến việc Mỹ hỗ trợ quân sự cho Philippines, các chuyên gia cho biết.

Vị tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, phát biểu hôm thứ Ba cho biết, đất nước của ông sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc nhằm tránh xung đột sau khi PCA đưa ra phán quyết vào 12/7 tới. “Nếu mọi việc thuận lợi với chúng tôi, hãy nói chuyện”, ông Duterte nói, “Chúng tôi không muốn chiến tranh; ‘chiến tranh’ là một từ xấu”. Trung Quốc cho biết sẽ sẵn sàng đối thoại với Manila miễn là Philippines từ bỏ vụ kiện.

Cùng với hoạt động PR sâu rộng ở trường quốc tế, Trung Quốc cũng đang hết sức chứng tỏ năng lực hải quân của mình, bất chấp việc đó ảnh hưởng đến các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam. Hôm thứ Ba (5/7), Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận kéo dài một tuần trên Biển Đông, mở rộng phạm vi ra tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay hành động xâm phạm chủ quyền này cũng như chấm dứt việc làm gia tăng căng thẳng và lo âu trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới