Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngGiải pháp nào cho tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông (Kỳ...

Giải pháp nào cho tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông (Kỳ I)

Trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng đi vào bế tắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường an ninh và tình hình phát triển kinh tế của khu vực. Giới chuyên gia, học giả quốc tế và khu vực đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị với mong muốn thúc đẩy giải quyết tranh chấp giữa các nước liên quan. Tuy nhiên, tất cả các giải pháp đều lâm vào bế tắc vì chủ trương cứng rắn, vô lý và lòng tham của Trung Quốc. Vậy, đâu sẽ là biện pháp khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay?

1. Tranh chấp ở Biển Đông về mặt pháp lý chủ yếu xoay quanh tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán.

Trong số 10 quốc gia và vùng lãnh thổ quanh khu vực Biển Đông, có 9 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nêu yêu sách về chủ quyền biển, đảo; tạo nên tranh chấp đa phương và song phương, chứa đựng các mâu thuẫn cả về đối ngoại, kinh tế, quốc phòng và an ninh với các dạng tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán (tranh chấp về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa); tranh chấp về tài nguyên biển; tranh chấp đảo và bãi đá ngầm; tranh chấp vùng trời phía trên biển. Tranh chấp ở Biển Đông ngày càng kéo dài, phức tạp và chứa đựng các yếu tố tiềm ẩn khó lường, rất dễ gây ảnh hưởng lớn đến hoà bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới nếu thiếu biện pháp giải quyết thiện ý.

Đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam: Năm 1974, Trung Quốc lợi dụng tình trạng chiến tranh ở Việt Nam, sử dụng lực lượng Hải quân và Không quân chiếm đóng phi pháp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc tiến hành đàm phán hòa bình để giải quyết tranh chấp, song phía Trung Quốc ngang ngược cho rằng “quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc và không tồn tại tranh chấp tại đây”.

Đối với quần đảo Trường Sa: Hiện 5 nước 6 bên (Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei và vùng lãnh thổ Đài Loan) có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế cũng như quyền chủ quyền đối với thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông. Trong khi đó, với “đường lưỡi bò” phi pháp, Trung Quốc yêu sách chủ quyền gần như đối với toàn bộ Biển Đông. Philippines yêu sách hầu hết quần đảo Trường Sa, nhưng không yêu sách đối với đảo Trường Sa. Malaysia yêu sách chủ quyền đối với 12 đảo, đá ở Biển Đông. Brunei yêu sách chủ quyền đối với đá Louisa (cấu trúc rạn san hô tự nhiên, nửa nổi nửa chìm). Tương tự như Trung Quốc, Đài Loan yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông.

Ngoài những tranh chấp về chủ quyền, một số nước trong khu vực cũng đưa ra các yêu sách về Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Biển Đông. Thái Lan yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở vịnh Thái Lan. Campuchia yêu sách về một phần vịnh Thái Lan, chủ yếu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế theo nguyên tắc thềm lục địa kéo dài, được Campuchia coi là một vịnh lịch sử. Indonesia cũng đưa ra yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Biển Đông.

2. Từ khía cạnh luật pháp quốc tế, phương thức giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế về chủ quyền biển, đảo bao gồm:

Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) [1] quy định giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế và cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực được coi là nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại nhằm giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ. Các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế phải tuân thủ triệt để. Trong đó khẳng định, tất cả các quốc gia sẽ giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, không phương hại đến hòa bình, an ninh và công lý quốc tế. Các biện pháp hòa bình có thể là đàm phán, trung gian, hòa giải, trọng tài, Tòa án, hoặc các biện pháp hòa bình khác do các bên thỏa thuận lựa chọn[2]. Các nước liên quan tranh chấp có nghĩa vụ từ bỏ bất kỳ hành vi nào có thể làm nghiêm trọng thêm tình hình hiện tại và gây nguy hiểm cho hòa bình, an ninh khu vực cũng như thế giới. Các tranh chấp quốc tế được giải quyết trên cơ sở bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia, phù hợp và tự do lựa chọn cách thức giải quyết tranh chấp.

Phương thức đàm phán, thương lượng: Hiến chương Liên hợp quốc quy định đàm phán là một trong những phương thức hòa bình giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, Hiến chương không quy định cụ thể về định nghĩa, nguyên tắc, nội dung, cách thức thực hiện, trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp bằng đàm phán, thương lượng… UNCLOS cũng có một số Điều, Khoản quy định về việc giải quyết hòa bình các tranh chấp bằng phương thức đàm phán, thương lượng. Trong đó, khoản 1 Điều 283 UNCLOS quy định về nghĩa vụ ban đầu của các quốc gia khi xảy ra tranh chấp rằng các bên tranh chấp tiến hành ngay một cuộc trao đổi quan điểm về cách giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hay bằng các phương pháp hòa bình khác; Điều 15 UNCLOS về phân định ranh giới lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau quy định, khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có thỏa thuận ngược lại.

Phương thức trung gian, môi giới, hòa giải, điều tra[3]: Trung gian là phương pháp hòa giải tranh chấp quốc tế thông qua bên thứ ba, bên không tham gia tranh chấp. Bên thứ ba có nhiệm vụ đảm nhiệm chức năng trung gian (Quốc gia, Tổng thư ký Liên hợp quốc, các chính khách quốc tế…) có nhiệm vụ hướng các bên tranh chấp ngồi vào bàn đàm phán và tham dự tiến trình đàm phán cùng với các bên tranh chấp. Hòa giải được xác định là “một biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế bất kể tính chất của các tranh chấp này; theo đó, một Ủy ban được các bên thành lập, trên cơ sở thường trực hoặc adhoc để giải quyết tranh chấp, tiến hành việc xem xét một cách khách quan tranh chấp và cố

gắng xác định các điều khoản của một giải pháp mà các bên có thể chấp nhận hoặc tạo điều kiện cho các bên, với mục tiêu nhằm tìm kiếm một giải pháp, những sự trợ giúp tương tự trong trường hợp được các bên đề nghị”. Môi giới được coi là phương pháp đặc biệt trong giải quyết các tranh chấp bằng phương pháp hòa bình thông qua con đường ngoại giao, bên thứ ba với sự nhất trí và tin cậy của các bên tranh chấp sẽ đảm nhận việc thuyết phục các bên tranh chấp ngồi vào bàn đàm phán. Điều tra là một hình thức giải quyết tranh chấp được ghi nhận trong các Công ước La Haye về giải quyết tranh chấp quốc tế 1899 và 1907. Theo đó, các bên tranh chấp có thể lập ra hoặc đề nghị thành lập một Ủy ban điều tra với nhiệm vụ là cùng tìm hiểu thực tế sự việc dẫn đến tranh chấp giữa các bên. Khi kết thúc điều tra, Ủy ban sẽ đệ trình báo cáo lên các bên tranh chấp, tuy nhiên báo cáo này không có giá trị pháp lý ràng buộc các bên.

Phương thức Tòa án và trọng tài[1]: Theo Khoản 1, Điều 287 của UNCLOS, các quốc gia có thể lựa chọn các phương thức tòa án và trọng tài sau đây để giải quyết tranh chấp: Tòa án quốc tế về Luật biển được thành lập theo Phụ lục VI (ITLOS); Tòa án công lý quốc tế (ICJ); Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII; Tòa trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII để giải quyết một hay nhiều loại tranh chấp. Trọng tài theo Phụ lục VII và VIII của UNCLOS là một hình thức của trọng tài adhoc mà các bên có thể sử dụng để giải quyết tranh chấp về biển, đảo. Theo UNCLOS, khi có tranh chấp phát sinh trên biển, các bên liên quan có thể lựa chọn các thủ tục trọng tài được quy định tại Phụ lục VII, VIII UNCLOS làm cơ sở để thành lập hội đồng trọng tài vụ việc nhằm giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của các bên liên quan.

3. Trên thực tế, đã có một số kiến nghị, đề xuất và giải pháp để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Biện pháp “Hợp tác cùng phát triển”: Trong chuyến thăm Thái Lan, nguyên Tổng Bí thư Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Đỗ Mười (10/1993) đã chính thức đưa ra chủ trương trên. Theo đó, chủ trương “hợp tác cùng phát triển” tại các khu vực tranh chấp bao gồm thăm dò, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn an toàn và an ninh hàng hải, chống cướp biển… và các lĩnh vực khác phù hợp với lợi ích của các bên liên quan, theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi; nhằm đảm bảo và phục vụ lợi ích của các bên liên quan, đưa Biển Đông trở thành khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Việc hợp tác cùng phát triển được thực hiện ở những khu vực chồng lấn bởi những đòi hỏi chủ quyền của các bên liên quan có căn cứ pháp lý và lịch sử vững chắc, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và được các bên thừa nhận là vùng có tranh chấp[2].

Biện pháp “Gác tranh chấp, cùng khai thác”: Trong chuyến thăm Nhật Bản, ông Đặng Tiểu Bình (10/1982) đã đưa ra chủ trương “chủ quyền thuộc về ta, gác tranh chấp, cùng khai thác” nhằm đánh đồng vấn đề “chủ quyền” và hợp tác khai thác trong vùng tranh chấp. Phần lớn các khu vực mà Trung Quốc đề nghị khai thác chung đều nằm trong khu vực thềm lục địa hiển nhiên thuộc chủ quyền của nước khác theo UNCLOS; Trung Quốc kêu gọi khai thác chung nhưng vẫn duy trì yêu sách “đường 9 đoạn” và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Chủ trương trên của Trung Quốc nhằm duy trì yêu sách lãnh thổ, biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp, trấn an dư luận, mở rộng ảnh hưởng và chia rẽ các nước trong khu vực.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới