Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ suy yếu ảnh hưởng ở Biển Đông chỉ là ảo tưởng

Mỹ suy yếu ảnh hưởng ở Biển Đông chỉ là ảo tưởng

Bình luận của Don Debar và Radio Sputnik đang nhằm bôi đen Hoa Kỳ và tô hồng cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nhưng lập luận mâu thuẫn.

Nhà báo Don Debar, ảnh: Press TV.

Tờ Sputnik News của Nga ngày 6/7 đăng nội dung phỏng vấn giữa chương trình Loud & Clear của đài Radio Sputnik với nhà báo Don Debar xung quanh xung đột giữa Bắc Kinh với Washington và các đồng minh, đối tác đang diễn ra trên Biển Đông.

Những bình luận phiến diện

Don Debar nhận định: “Bảy hay tám nước có yêu sách khác nhau ở các khu vực khác nhau trên Biển Đông và Hoa Kỳ đã gây mối bất hòa với điều đó trong một thời gian dài. 

Hãy nhìn vào bản đồ và đếm xem, có bao nhiêu căn cứ hải quân Mỹ xung quanh Trung Quốc, và sau đó tưởng tượng (ngược lại) rằng những căn cứ như vậy đang bao vây bờ Đông nước Mỹ hoặc ở đâu đó ngoài khơi California. Nó sẽ được coi là một mối đe dọa lớn.

Tôi nghĩ rằng Trung Quốc cũng nhận thức được thực tế, là có những căn cứ quân sự đang nhằm vào họ. Ít nhất họ có quyền nói, đây là một mối đe dọa hiện hữu, hoặc một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Nếu bạn xem xét vai trò của Trung Quốc và Mỹ ở châu Phi hoặc tại Mỹ Latinh, cuối cùng bạn có thể thấy, Hoa Kỳ chỉ mang lại cho nước khác sự cướp bóc, còn Trung Quốc đem đến cho họ cơ hội phát triển.

Về mặt địa chính trị, thời gian duy trì vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ đang được đếm ngược, nếu họ không có một số bước đi quả quyết để ngăn chặn điều này thành sự thật.

Tôi nghĩ rằng về lâu dài, bất cứ ai thực sự chú ý vào các quốc gia này, kể cả Hàn Quốc, cũng đều nhìn thấy tương lai của họ bao gồm Trung Quốc.

Có vẻ như về bề nổi, hoạt động chính trị tại Philippines đã có sự thay đổi.

Nếu Hoa Kỳ tiếp tục bẻ lái hướng về phía chiến tranh với Trung Quốc, hoặc tiến tới trạng thái gần như chiến tranh với Trung Quốc, hoặc gây áp lực quân sự với Trung Quốc thì Philippines có thể sẽ không phải là một đối tác đáng tin cậy”.

Trong lời đề dẫn nội dung buổi phỏng vấn, Radio Sputnik nhấn mạnh bối cảnh “đối đầu Trung – Mỹ” trên Biển Đông là Tòa án Quốc tế vì Công lý (ICJ) sắp sửa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông tuần tới. Trong bài, một lần nữa Radio Sputnik nhắc lại việc “ICJ sắp ra phán quyết”.

Giữa phần trích dẫn bình luận của Don Debar, Radio Spunik có nhắc đến việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam:

“Washington đã có những bước đi để thúc đẩy quan hệ với các quốc gia Thái Bình Dương, trong đó có quyết định mới đây của Tổng thống Obama dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.

Điều đó không thể bù đắp cho tội lỗi của Mỹ với khu vực này trong quá khứ”, Radio Spunik bình luận.

Bôi đen Mỹ, tô hồng Trung Quốc không làm thay đổi cục diện ở Biển Đông

Có thể thấy rằng những bình luận của Don Debar và Radio Sputnik đang nhằm bôi đen Hoa Kỳ và tô hồng cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nhưng lập luận mâu thuẫn hoặc trái ngược với thực tế, thông tin thì không chính xác.

Thứ nhất, nếu nói tranh chấp (chủ quyền / lãnh thổ) đối với các thực thể ở Trường Sa thì nhiều nhất có 5 nước, 6 bên chứ không phải 7 hay 8 nước như Don Debar nói.

Còn đường lưỡi bò Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế các nước thì không ai thừa nhận, nên không thể coi là có vùng tranh chấp hay vùng chồng lấn.

Thứ hai, vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai UNCLOS 1982 ở Biển Đông là do Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) thụ lý và sắp ra phán quyết, không phải Tòa án Quốc tế vì Công lý (ICJ) như Radio Sputnik nêu ra.

Riêng việc cẩu thả trong thông tin về vụ việc đã cho thấy mục đích tiếp cận vấn đề Biển Đông của bài phỏng vấn này mang màu sắc và động cơ chính trị chứ không phải học thuật, pháp lý.

4 luận điểm sai lệch

Một là, Don Debar đang đánh tráo khái niệm, đánh đồng các vấn đề khác nhau để cố chứng minh: Trung Quốc bị Mỹ bao vây, từ đó đi đến kết luận, Trung Quốc chống Mỹ ở Biển Đông là đương nhiên. Nhưng lập luận này hoàn toàn mâu thuẫn với thực tế.

Cạnh tranh giữa các siêu cường, đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Biển Đông là điều không thể bác bỏ. Mỗi nước có mục đích, động cơ và tính toán của riêng mình.

Tuy nhiên, hành động của Mỹ và Trung Quốc, ai tuân thủ luật pháp quốc tế (Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS 1982), ai vi phạm là câu chuyện khác.

Mọi hành động ở Biển Đông được đánh giá là leo thang quân sự hóa, phiêu lưu manh động hay chống leo thang, chống quân sự hóa, bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế cần phải căn cứ vào luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS 1982 chứ không thể quy kết vội vàng theo cảm tính, màu sắc chính trị.

Hơn nữa, việc xung quanh Trung Quốc có nhiều căn cứ quân sự Mỹ không phải cái cớ để Trung Quốc leo thang bành trướng trên Biển Đông và đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau, không thể đánh đồng làm một rồi bao che cho các hành vi phiêu lưu, quân sự hóa, vi phạm pháp luật quốc tế một cách manh động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hai là, nếu so sánh chiến lược cạnh tranh hoặc ảnh hưởng, tác động của Mỹ với Trung Quốc lên một nước thứ 3 như ở châu Phi hay Mỹ Latinh như Don Debar thì dường như nhà báo này không đọc tin tức nào về Venezuela thì phải.

Trong điện mừng Quốc khánh Mỹ, Bộ Ngoại giao Venezuela ngỏ ý sẵn sàng khôi phục quan hệ ngoại giao với Washington. Thông điệp này được đưa ra trong cơn cùng quẫn khủng hoảng toàn diện kinh tế – xã hội tại đất nước của dầu mỏ và hoa hậu.

Còn Trung Quốc thì sao? Ngày 16/5 người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Hồng Lỗi cho rằng, khủng hoảng là “việc nội bộ” của Venezuela. Trung Quốc hy vọng Caracas có thể tự giải quyết vấn đề của mình. 

Trong khi 90% nguồn thu của Venezuela đến từ xuất khẩu dầu mỏ, trong lúc giá dầu thế giới vẫn giảm sâu thì theo Reuters ngày 2/2, năm nay Venezuela phải trả Trung Quốc bình quân 800 ngàn thùng dầu mỗi ngày, non một nửa sản lượng khai thác của đất nước vàng đen này.

Còn tại châu Phi, tháng 12/2015 Zimbabwe tuyên bố chọn nhân dân tệ làm đồng tiền chính thức trong các giao dịch để được Trung Quốc xóa nợ, theo VOV ngày 12/12/2015. Tổng thống nước này, Robert Mugabe được Trung Quốc trao giải Khổng Tử khi đón Chủ tịch Tập Cận Bình sang thăm.

Ngày 4/3 năm nay BBC đưa tin, ông Robert Mugabe than phiền, các công ty nước ngoài đã đánh cắp kim cương của Zimbabwe.

Ông Robert Mugabe đã than phiền trực tiếp với ông Tập Cận Bình trước đó rằng, Zimbabwe nhận được quá ít trong các liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc khai thác mỏ kim cương ở quốc gia châu Phi này.

Robert Mugabe thăm Nhật Bản từ 27-31/3, một đồng minh của Hoa Kỳ, một nước Trung Quốc xem như kỳ phùng địch thủ đã cam kết viện trợ cho Zimbabwe 5,3 triệu USD.

Ba là, Don Debar và Radio Sputnik dường như đang muốn xúi Trung – Mỹ đối đầu ở Biển Đông và nếu điều đó xảy ra thì theo họ, sẽ không có nước nào đứng về phía Mỹ. 

Trên thực tế, vừa hợp tác vừa đấu tranh là nét đặc trưng cơ bản của quan hệ Trung – Mỹ. Trước thời điểm PCA ra phán quyết, mặc dù quân đội 2 nước này tăng cường hiện diện ở Biển Đông, nhưng Ngoại trưởng John Kerry và người đồng cấp Vương Nghị vừa có cuộc điện đàm để tránh đối đầu.

Bắc Kinh cũng cử một phái đoàn cựu quan chức, học giả sang Washington để đối thoại. Khả năng Don Debar và Radio Sputnik đặt ra hoàn toàn không có cơ sở. Nếu có một sự cố bất ngờ nào đó, thì vì lợi ích của cả hai, Trung Quốc và Hoa Kỳ có cơ chế để tự kiểm soát nó.

Bốn là, dường như Radio Sputnik muốn xoáy sâu vào quá khứ Chiến tranh Việt Nam khi đề cập đến sự kiện Tổng thống Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam trong chuyến thăm vừa qua với bình luận đầy ẩn ý: “Điều đó không thể bù đắp cho tội lỗi của Mỹ với khu vực này trong quá khứ”.

Hãy khoan bàn đến động cơ, mục đích đằng sau bình luận này là gì, nhưng bản thân nhận định ấy đã cho thấy nhận thức hoàn toàn sai lệch so với thực tiễn quan hệ hợp tác Việt – Mỹ trong tình hình mới.

Những nhận định phiến diện như vậy chỉ khiến người khác liên tưởng đến mối lo ngại của Nga về nguy cơ gặp phải đối thủ cạnh tranh cung cấp vũ khí khí tài quân sự sau tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm mà thôi, khó có thể lái dư luận hiểu sai hợp tác hữu nghị Việt – Mỹ.

Nhìn chung, nội dung bài trả lời phỏng vấn Radio Sputnik của nhà báo Don Debar không khác nhau là mấy so với nhà phân tích chính trị Alexander Mercouris trên Sputnik ngày 30/6.

Nó không chỉ cho thấy những góc nhìn phiến diện và đi ngược lại sự thật của một vài tiếng nói lạc lõng, mà còn thể hiện thái độ ôm chân Trung Quốc rõ rệt của một số nhà nghiên cứu, nhà quan sát mà Sputnik phỏng vấn.

Trong lúc mải mê ca ngợi Trung Quốc và công kích Hoa Kỳ ở Biển Đông, Don Debar và Alexander Mercouris có lẽ chưa đọc thông điệp của Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi ông chủ Nhà Trắng trong điện mừng Quốc khánh Hoa Kỳ.

RELATED ARTICLES

Tin mới