Thursday, March 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTòa chưa phán quyết, Trung Quốc đã ngang nhiên vi phạm UNCLOS...

Tòa chưa phán quyết, Trung Quốc đã ngang nhiên vi phạm UNCLOS 1982

Theo ​Viện Hải quân Mỹ, việc Trung Quốc cấm tàu thuyền lại gần khu vực tập trận đã vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Một cuộc tập trận của Trung Quốc trên Biển Đông

Viện Hải quân Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc tuyên bố tập trận hải quân ở phạm vi bao phủ từ phía đông đảo Hải Nam, kéo dọc xuống, bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) và ngang nhiên tuyên bố, cấm các tàu thuyền qua lại khu vực này trong thời gian diễn ra tập trận là hành vi vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Báo cáo của Viện Hải quân Mỹ trích lời Giáo sư Đại học Chiến tranh và là chuyên gia luật hàng hải James Kraska cho biết: “Các quốc gia – ở đây là Trung Quốc – có thể thông báo về khu vực tập trận hải quân và ban hành một Điện văn thông báo Hàng không (Notice to Airmen) hoặc một Điện văn thông báo Hàng hải (Notice to Mariners) để cảnh báo các máy bay và tàu khác về các mối nguy hiểm cao và đề xuất – chứ không được yêu cầu, chỉ đạo các tàu và máy bay nước ngoài phải tránh xa khu vực tập trận”.

Trước đó, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc đã thông báo sẽ tiến hành tập trận trong vòng một tuần ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa. Cuộc thao dượt quân sự này sẽ diễn ra từ ngày 5 tới 11/7 và trong khoảng thời gian này, tàu bè sẽ bị cấm vào vùng lãnh hải diễn ra tập trận.

Một điều dễ nhận thấy là cái Bắc Kinh gọi là “cuộc tập trận định kỳ” của họ, sẽ kết thúc trước khi Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông có 1 ngày.

Nhiều chuyên gia dự đoán phần thắng sẽ nghiêng về phía Philippines và yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, cùng cái gọi là “đường 9 đoạn” của họ sẽ bị Tòa trọng tài bác bỏ. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đã làm rõ rằng họ không có ý định tôn trọng hay chấp hành phán quyết của tòa.

Ông Malcolm Cook, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận xét: “Nhìn chung, cuộc tập trận cho thấy Trung Quốc muốn chứng tỏ quyết tâm bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông. Việc Bắc Kinh nói sẽ chặn các tàu bè nước ngoài cho thấy Trung Quốc coi đó là vùng đặc quyền của mình, chứ không coi đó là vùng biển quốc tế còn trong vòng tranh chấp với Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo ông Greg Poling, người đứng đầu Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), mặc dù cuộc tập trận của Trung  Quốc diễn ra vào thời điểm nhạy cảm, nhưng động thái đơn phương của Trung Quốc tạo ra một “vùng cấm tàu thuyền” là không có gì mới. Trong quá khứ, quân đội Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận tương tự ở các khu vực tranh chấp trong vùng Biển Đông và thiết lập giới hạn tương tự với tàu thuyền nước ngoài.

Còn Mỹ, cho dù Trung Quốc có cố biến một vùng biển quốc tế thành vùng đặc quyền của mình thì Washington cũng sẽ phớt lờ nó. Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết, họ không việc gì phải xin phép và sẽ chỉ đơn giản là “tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế đã được thiết lập”.

Theo trang mạng Navy Times, hiện đang có 7 tàu của Hải quân Mỹ ở Biển Đông, trong đó có tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76), 2 tàu tuần dương và 4 tàu khu trục.

Trong 2 tuần qua, ba tàu khu trục USS Stethem, USS Spruance và USS Momsen đã “thường xuyên tuần tra” gần các thực thể đang bị Trung Quốc chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough.

Mặc dù không vào đến vùng 12 hải lý quanh các thực thể này, nhưng sự xuất hiện của các tàu Mỹ là để khẳng định “sự hiện diện thường xuyên” của Washington ở khu vực và cũng phần nào thách thức các yêu sách biển phi lý của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới