Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKế sách thâm sâu của Tập Cận Bình

Kế sách thâm sâu của Tập Cận Bình

Thế mạnh trong cạnh tranh không nằm ở trình độ kỹ thuật mà được quyết định bởi trình độ quản lý và Tập Cận Bình đã chọn nâng cao trình độ quản lý cho các DNNN.

Bnews 7/7 đưa tin, tại Hội nghị chuyên đề về cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước Trung quốc (DNNN), Chủ tịch Tâp Cận Bình tuyên bố, các doanh nghiệp nhà nước là nền tảng quan trọng trong sự phát triển của đất nước và đảo đảm lợi ích của người dân. Bởi vậy, cần nỗ lực tạo thêm động lực cho hệ thống DNNN, tăng sức cạnh tranh và khả năng ứng phó với rủi ro. 

Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi các nhà chức trách nước này tiếp tục đẩy mạnh cải cách DNNN, tập trung vào việc thiết lập một hệ thống quản lý doanh nghiệp hiện đại.

Ông nhấn mạnh cần phải thúc đẩy việc điều chỉnh cơ cấu các ngành và phát triển theo hướng sáng tạo đổi mới, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và hoạt động hiệu quả thông qua cải cách, giảm tình trạng lạc hậu và sản xuất dư thừa.

Lời kêu gọi của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc được phát đi sau khi Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, lợi nhuận của các DNNN trong 5 tháng đầu năm nay giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó thì lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân tăng lần lượt 6% và 9,4%. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,7% trong quý I/2016, thấp nhất từ cuộc khủng hoảng năm 2008.
 
Với thực tế như vậy thì việc ông Tập Cận Bình kêu gọi đổi mới DNNN là hợp lý và cần thiết. Tuy nhiên, theo cá nhân người viết, phía sau sự lành mạnh hoá hoạt động của các DNNN Trung Quốc là một vấn đề lớn hơn, quan trọng hơn rất nhiều.

Đó là việc Bắc Kinh muốn dùng các DNNN như một công cụ trong việc giải quyết vấn đề nợ công đang ngày càng đè nặng lên chính sách vĩ mô của chính phủ. Trung Quốc sẽ chuyển phần tối của tài chính công sang tài chính doanh nghiệp.    

“Đổi tên chuyển nợ” – Biện pháp giải vây hiệu quả cho “tái cơ cấu”

Có thể thấy rằng, với Đòn cân nợ = Nợ công/GDP = 2,49 = 249% là rất mất cân bằng với một nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, đặc biệt là phát triển nóng thông qua vay nợ. Trong khi đó đồng nội tệ (CNY) không thể quốc tế hoá càng làm cho sự mất cân bằng thêm trầm trọng.

Cho dù, “tái cơ cấu” là chủ động giảm tăng trưởng, hạ nhiệt phát triển nóng nhưng không thể nhanh chóng ngày một ngày hai là có thể hiệu chỉnh và có hiệu quả.

Trong khi đồng CNY không được sử dụng rộng rãi trên thế giới khiến cho công cụ quan trọng nhất phục vụ cho “tái cơ cấu” bị mất đi nhiều công hiệu.

Bên cạnh đó, kinh tế xã hội – yếu tố bị lãng quên khi người Trung Quốc đảo ngược quy trình kinh tế nay đã trở thành vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đối với mục đích của tái cơ cấu là sự phát triển bền vững.

Việc đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường đã khiến cho kinh tế Trung Quốc gánh thêm nhiều chi phí.

Tiếp theo đó là tăng quyền lợi từ bảo hiểm đến những chế độ phúc lợi khác cho người lao động đã đe doạ tới hàng giá rẻ của Trung Quốc, khi kinh tế – xã hội không thể lãng quên được nữa.

Điều đó khiến cho sức mạnh của kinh tế Trung Quốc suy giảm nghiêm trọng và tình trạng “thùng rỗng kêu to” đã định dạng nhiều hoạt động kinh tế của Trung Quốc.

Đó là sự hoành tráng của công trình, dự án chỉ nằm ở trên giấy, còn thực tế thì năng lực rất yếu, mà việc thiếu vốn quá lâu cho dự án đường cao tốc Cát Linh – Hà Đông tại Việt Nam là một minh chứng rõ nét.

Rõ ràng chính sách “ngoại giao kinh tế” đã giúp cho doanh nghiệp Trung Quốc chiến thắng đối thủ ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Nhưng tiếp theo đó là phải có sự trợ giúp của chính phủ Trung Quốc đối với hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc trong quá trình triển khai các gói thầu, các công trình, dự án.

Bởi lẽ, doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu chủ yếu là nhờ bỏ thầu giá giá rẻ, trong khi năng lực kinh tề – tài chính yếu kém do chủ yếu là đi vay, vì vậy nếu chính phủ không trợ giúp thì nhà thầu Trung Quốc sẽ “bể thầu”.

Trong khi tình hình kinh tế – xã hội Trung Quốc đòi hỏi các khoản chi cho phúc lợi ngày càng lớn vì dân số già và vì chế độ bảo hiểm cho người lao động trước đây rất hạn chế, điều đó khiến cho các khoản trợ giúp cho các DNNN sẽ bị giảm sút.

Tuy nhiên, sự giảm sút trong hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước có nguy cơ gây nên sự xì hơi của nền kinh tế Trung Quốc và điều đó là cực kỳ nguy hại bởi nó có thể khởi nguồn cho một sự sụp đổ kinh tế.

Do vậy, chính phủ Trung Quốc vẫn phải “bao cấp” cho những DNNN để tránh nguy hại cho nền kinh tế. Trong tình thế hiện nay, để có tiền trợ giúp cho hệ thống DNNN, chính phủ Trung Quốc chỉ có 1 trong 3 lựa chọn.

Thứ nhất là vay thêm tiền – tăng nợ công. Đây không khác gì hành động tự sát khi GDP co lại đã khiến đòn cân nợ mất cân bằng, nếu vay thêm nợ thì đòn cân nợ quốc gia sẽ đưa nền kinh tế vào cửa tử – làm ra không đủ trả lãi vay.

Thứ hai là tăng thuế. Đây không phải là biện pháp khả thi và có thể tạo ra hiệu ứng ngược với tái cơ cấu, vì mũi nhọn kích cầu nội địa của tái cơ cấu sẽ không thể phát huy khi thuế tăng.

Bởi lẽ, tăng thuế thì lợi nhuận giảm, thu nhập giảm và đương nhiên chi tiêu giảm. Thế là vòng luẩn quẩn mở ra – khép vào của tái cơ cấu không ngừng diễn ra và đến lúc nó sẽ kết hợp với sự hạn chế trong việc quốc tế hoá đồng CNY đưa chương trình kinh tế thế kỷ này tới chỗ phá sản.

Thứ ba là in thêm tiền. Việc này chính phủ Trung Quốc đã từng tính tới, nhưng khi nợ công quá lớn thì việc in thêm tiền sẽ cộng hưởng nợ công tạo nên lạm phát phi mã và chính phủ Trung Quốc sẽ mất kiểm soát nền kinh tế.

Không những thế, những hiệu ứng ngược sẽ kéo nền kinh tế Trung Quốc lùi lại hàng thập kỷ với nhiều hệ luỵ khôn lường. Lúc đó chỉ cần cái “hắt hơi” của những nhà đầu tư đại tài như George Soros thì kinh tế Trung Quốc cũng chao đảo, ngả nghiêng.        

Như vậy là tiền thì cần nhưng tất cả những lựa chọn khả dĩ của chính phủ Trung Quốc thì đều bị rào cản nợ công ngăn lại. Do đó, để giải quyết vấn đề thì phải giảm nợ công, nhưng giảm bằng cách nào?

Trả nợ thì không thể, tái cơ cấu nợ thì sẽ xảy ra hai tình huống, hoặc là bán nợ cho những định chế tài chính trong nước thì bản chất không có gì khác vì nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng là nhờ nợ vay.

Hoặc là bán nợ cho những định chế kinh tế – tài chính nước ngoài thì chẳng khác gì trao vận mệnh quốc gia cho người khác – cực kỳ nguy hiểm.

Có lẽ chỉ còn cách duy nhất là chuyển đổi tên con nợ, từ nợ chính phủ sang nợ doanh nghiệp.

Có thể hình dung việc đó như chuyện con cái đứng ra nhận nợ thay cho cha mẹ, giúp cha mẹ hết nợ hay chỉ còn nợ ít và thế là cha mẹ lại có thể vay được nợ mới.

Có thể thấy rằng, Tập Cận Bình đã tìm ra “diệu kế” để đảm bảo cho chính sách “tái cơ cấu” của ông không chết yểu, đó là chuyển nợ cho DNNN, các DNNN sẽ là con nợ và chính phủ Trung Quốc sẽ nhẹ gánh nợ công.

Tuy nhiên, khi DNNN thua lỗ thì không thể chuyển nợ được nên chính phủ Trung Quốc sẽ phải tập trung nâng cao hiệu quả trong hoạt động của DNNN vì qua đó mới khẳng định niềm tin của các chủ nợ, cho dù có bảo lãnh của chính phủ trung ương.

Như vậy, nợ công của chính phủ Trung Quốc có thể giảm nhưng không phải trả nợ mà chỉ lả chuyển tên con nợ mà thôi. Tuy nhiên, nó vẫn có thể diễn ra khi các DNNN hoạt động có hiệu quả.

“Chính phủ Trung Quốc sẽ sử dụng chính sách tài khóa để vực dậy tăng trưởng qua hiệu ứng chuyển nợ. Điều đó có ý nghĩa: nợ công chính thức là thấp, có thể ở mức dưới 50% GDP, trong khi các công ty nhà nước là những con nợ lớn nhất.

Tuy nhiên, trực tiếp cứu trợ sẽ khiến các DNNN giảm động lực cải thiện hoạt động của họ. Vì vậy, các nhà nghiên cứu của ngân hàng trung ương đề nghị các biện pháp khác, chẳng hạn như cắt giảm thuế, sẽ cải thiện môi trường kinh doanh…”, theo The Economist ngày 9/7.

Ưu tiên cải cách hệ thống quản trị doanh nghiệp –  Một mũi tên hướng vào nhiều đích

Có thể thấy rằng, việc Tập Cận Bình hướng các DNNN tập trung vào cải cách hệ thống quản lý doanh nghiệp, giảm tình trạng sản xuất dư thừa là lựa chọn rất ấn tượng cho việc chuẩn bị cho kế hoạch chuyển nợ của ông.

Tuy nhiên “Trung Quốc mộng” của ông Tập Cận Bình đang gắn liền với những động thái phiêu lưu quân sự hóa Biển Đông, leo thang manh động đe dọa đến hòa bình, ổn định trong khu vực, luật pháp quốc tế. Ảnh: sucaifengbao.com.

Bởi lẽ, hệ thống quản lý mới chính là trọng tâm tạo ra sự khác biệt trong hoạt động sản xuất – kinh doanh: Thành công hay thất bại, hiệu quả hay không hiệu quả, lỗ hay lãi…

Hệ thống quản lý doanh nghiệp luôn bao gồm nhiều hoạt động quản trị, tạo nên phần mềm trong cấu thành sức mạnh của doanh nghiệp.

Quản trị chiến lược tổng hợp thể hiện tầm nhìn và khả năng hiệu chỉnh kế hoạch vi mô của doanh nghiệp phù hợp với chính sách vĩ mô của chính phủ.

Chính nó giúp nhận diện mầm mống cạnh tranh của đối thủ tiềm tàng và đối tác tác tiềm năng, do đó quản trị chiến lược có thể được xem là nền tảng, là mấu chốt trong hệ thống quản lý doanh nghiệp.

Cùng với đó là những hoạt động quản trị chuyên sâu, từ quản trị nhân sự, quản trị marketing, đến quản trị tài chính, quản trị sản xuất…sẽ đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo ra những giá trị hữu hình là sản phẩm và dịch vụ, khẳng định hiệu quả trong sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một thứ giá trị đặc biệt không dễ cân đong đo đếm được nhưng lại cực kỳ quan trọng trong việc khẳng định sức mạnh của doanh nghiệp, đó là giá trị vô hình.
 
Những thương hiệu sản phẩm, những uy tín trên thương trường và ấn tượng trong lòng công chúng là những tài sản vô hình mà chỉ có được nhờ hệ thống quản trị doanh nghiệp xuất sắc.

Tất cả những tài sản vô hình ấy mới là yếu tố khẳng định niềm tin của nhà đầu tư với doanh nghiệp, chứ không phải là những tài sản hữu hình. Và đó là yếu tố ảnh hưởng nhất tới quyết định của nhà đầu tư có tham gia cổ phẩn, mua cổ phiếu của doanh nghiệp hay không.

Có thể thấy rằng, Tập Cận Bình không xem đổi mới công nghệ là đột phá khẩu trong cải cách hệ thống DNNN là một quyết định chuẩn xác, có thể đảm bảo thành công trong việc “đổi tên con nợ”, qua đó giảm nợ công cho chính phủ Trung Quốc.

Bởi lẽ, trong thế giới hội nhập sâu rộng như hiện nay thì thế mạnh trong cạnh tranh không nằm ở trình độ kỹ thuật mà được quyết định bởi trình độ quản lý và Tập Cận Bình đã chọn nâng cao trình độ quản lý cho các DNNN. 

Mặt khác, hiện nay thế giới đang ngán ngẩm với hảng hoá giá rẻ và số lượng dư thừa của Trung Quốc. Việc chiếm lĩnh thị trường hàng giá rẻ do người Trung Quốc đảo ngược quy trình kinh tế và tạo hiệu quả kép trong đầu tư sản xuất – kinh doanh.

Tuy nhiên, khi yếu tố kinh tế – xã hội không thể lãng quên được nữa, nghĩa là giá thành sản phẩm sẽ tăng lên và đương nhiên hàng hoá của Trung Quốc dần cũng không còn giá rẻ nữa.

Trong khi nói tới hàng hoá Trung Quốc, nói tới doanh nghiệp Trung Quốc, nói tới thương nhân Trung Quốc là người dân ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới đều bức xúc, không thiện cảm.

Điều đó cho thấy, giá trị vô hình của doanh nghiệp Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng rất ít trong giá trị của hàng hoá Trung Quốc. Như vậy, nếu giá cả thay đổi thì đương nhiên là hàng hoá Trung Quốc sẽ nhanh chóng bị người tiêu dùng quay lưng mà không cân suy nghĩ, đắn đo.

Điều đó sẽ làm giảm sức hút với nhà đầu tư và đồng nghĩa với việc thất bại của kế hoạch “thay tên đổi nợ” trong việc giải quyết vấn đề nợ công của Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi đổi mới hệ thống quản lý doanh nghiệp thì cũng đồng thời tăng giá trị vô hình trong cấu thành giá trị hàng hoá và có thể giảm dần những giá trị hữu hình trong cấu thành giá trị sản phẩm.

Hiệu quả trong sản xuất – kinh doanh sẽ tăng lên rất nhiều nhờ hệ thống quản trị doanh nghiệp hợp thời.

Và cũng từ hệ thống quản trị được nâng tầm thì lượng hàng hoá dư thừa sẽ không còn nữa, bởi lẽ lúc đó trong trong giá trị hàng hoá do doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất ra, hàm lượng giá trị vô hình đã tăng lên.

Có thể thấy rằng số lượng hàng hoá giảm nhưng giá trị hàng hoá không giảm, thậm chí có thể tăng, như vậy là bài toán hàng hoá dư thừa có thể được giải quyết.

Hiệu ứng “thù ghét” do hàng hoá Trung Quốc tràn ngập thị trường sẽ nhạt nhoà nhanh chóng.

Tóm lại, kế hoạch đổi mới hệ thống doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc là một biện pháp giải vây đầy công hiệu của Tập Cận Bình. Nó giúp cho chính sách “tái cơ cấu” của ông có công cụ quan trọng nhất, đó là tiền – dù chỉ lả vay nợ – để tiếp tục triển khai và gây hiệu ứng.

Bên cạnh đó, nó còn khiến cho kế sách lâu dài của Bắc Kinh có thêm cơ hội bám rễ chắc hơn, sâu hơn trên toàn thế giới. Bởi vì khi giá trị vô hình gia tăng trong cấu thành giá trị sản phẩm thì qua đó cũng khiến cho người dân thế giới bớt ác cảm, thêm thiện cảm với người Trung Quốc. 

Khi sự thiện cảm dành cho người Trung Quốc tăng lên thì cũng là lúc người dân thế giới ghi nhận sự chân thành của người Trung Quốc, tạo cơ hội cho sự thẩm thấu tốt nhất ý đồ thống trị thế giới của Bắc Kinh.

Bởi lẽ, khi đó những rào cản tâm lý hình thành do sự nghi ngại của người dân thế giới đối với người Trung Quốc đã dần được trút bỏ và đó được xem mảnh đất màu mỡ cho những mưu đồ thâm sâu của Bắc Kinh phát triển và hoành hành.

RELATED ARTICLES

Tin mới