Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam đang dần ‘thoát Trung’, dịch chuyển nguồn nhập khẩu sang...

Việt Nam đang dần ‘thoát Trung’, dịch chuyển nguồn nhập khẩu sang Hàn Quốc

Nhập khẩu từ Trung Quốc đã có tín hiệu suy giảm trong khi Hàn Quốc trở thành điểm sáng nhập khẩu với mức tăng tới 7,9%. “Xu hướng dịch chuyển nguồn hàng nhập khẩu của nước ta sang phía Hàn Quốc ngày càng trở nên rõ ràng”, báo cáo của VEPR cho biết.

6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã có những mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt kim ngạch tỷ USD. Việt Nam đã nhập khẩu hơn 4 tỷ USD các sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; gần 2,7 tỷ USD máy móc; 1,7 tỷ USD điện thoại – linh kiện và gần 1 tỷ USD vải vóc các loại.

Hàn Quốc trở thành điểm sáng khi kim ngạch nhập khẩu sang thị trường này tăng 7,9% so với cùng kỳ, đạt 14,8 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc đã giảm 2,9%, còn 23,2 tỷ USD.

“Điều này cho thấy xu hướng dịch chuyển nguồn hàng nhập khẩu của nước ta sang phía Hàn Quốc ngày càng trở nên rõ ràng”, báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định.

Nhìn vào xu hướng nhập khẩu từ Hàn Quốc, có thể thấy kim ngạch nhập khẩu từ nước này có xu hướng tăng mạnh từ năm 2014.

Việt Nam đang dần ‘thoát Trung’, dịch chuyển nguồn nhập khẩu sang Hàn Quốc - Ảnh 1.

Lý giải điều này, các chuyên gia kinh tế của VEPR cho rằng có 3 nguyên nhân, và đó đều là tín hiệu đáng mừng.

Một là, doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển hơn nên dịch chuyển nguồn nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc sang nước phát triển hơn, với chi phí cao hơn và chất lượng tốt hơn.

Máy móc – thiết bị là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc. Năm 2015, người Việt đã nhập khẩu 9 tỷ USD máy móc từ Trung Quốc, chiếm 18% trong cơ cấu nhập khẩu từ nước này.

TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR tâm sự: Bạn bè ông nhiều người làm kinh doanh, đi khắp thế giới tìm máy móc nhập khẩu, và rất thích hàng máy móc của Đức. Tuy nhiên, mặt hàng này tại Đức có giá quá đắt, mặc dù có thể dùng bền tới 20 năm.

Trong khi đó, máy móc Trung Quốc có giá thành chỉ bằng 1/5, thậm chí 1/10, chỉ dùng 4 -5 năm là hỏng. Sau khi cân nhắc, họ lựa chọn mua hàng Trung Quốc, vì sau chừng ấy năm khấu hao máy móc, doanh nghiệp đã phát triển, và khi ấy có thể bỏ máy cũ, và mua máy khác có chất lượng tốt hơn.

“Khi thu nhập của người Việt tăng lên, khi doanh nghiệp Việt ngày càng phát triển mạnh mẽ và vốn của họ lớn hơn, họ sẽ dịch chuyển nhập khẩu dần ra khỏi Trung Quốc. Tức, nhập siêu với Trung Quốc sẽ giảm dần, nhưng nhập siêu sang nước khác tăng lên”.

“Và nước họ lựa chọn là Hàn Quốc – nơi các sản phẩm máy móc không đắt như Nhật, Mỹ, nhưng không rẻ như Trung Quốc, và chất lượng tất nhiên tốt hơn. Đây là điểm đến mang tính trung gian cho Việt Nam”, TS. Thành nhận định.

Theo quan sát của VEPR, nhập siêu của Trung Quốc với Việt Nam rất lớn, nhưng nhập siêu của Hàn Quốc với Việt Nam cũng cực kỳ lớn, chỉ sau Trung Quốc, và đang ngày càng lớn thêm.

Hai là, Hàn Quốc là nước đầu tư vào Việt Nam lớn nhất, và có xu hướng nhập khẩu máy móc, nguyên liệu từ nước sở tại.

Việt Nam đang dần ‘thoát Trung’, dịch chuyển nguồn nhập khẩu sang Hàn Quốc - Ảnh 2.

6 tháng đầu năm, Hàn Quốc tiếp tục giữ ngôi đầu trong đầu tư FDI tại Việt Nam với vốn đầu tư lên 3,1 tỷ USD.

Đây cũng là một nguyên nhân khiến nhập siêu từ Hàn Quốc sẽ tăng, bởi các nhà đầu tư từ Hàn Quốc rất lớn, và hiển nhiên họ có khuynh hướng nhập khẩu máy móc từ chính nước của họ.

Thứ 3, theo TS. Phạm Sỹ Thành – Giám đốc chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc của VEPR, việc nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc với số lượng lớn do phần lớn các dự án tổng thầu EPC – Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (Engineering Procurement and Construction) đến 80% rơi vào tay Trung Quốc.

Doanh nghiệp Trung Quốc hiện làm tổng thầu chủ yếu tại các dự án nhiệt điện, đường giao thông, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là năng lượng, hóa chất.

Khi thắng thầu, họ sẽ mang máy móc, lao động của họ sang sử dụng tại các công trình của do họ làm tổng thầu.

“Cho nên mặc dù vốn FDI của Trung Quốc thấp so với các nước khác như Singapore, Đài Loan… Nhưng nhập khẩu thực sự về máy móc của Trung Quốc tại các công trình Việt Nam là không hề thấp”.

“Đây là một nguyên nhân quan trọng khiến nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc nhiều năm qua tăng vùn vụt và không dừng lại được. Kim ngạch nhập siêu của Việt Nam tỷ lệ thuận với số lượng các dự án EPC mà Trung Quốc thắng thầu”, TS. Sỹ Thành nhận định.

Ông cũng cho rằng việc nhập siêu từ Trung Quốc giảm là tín hiệu tích cực. Nhưng trong tương lai, nếu Trung Quốc tiếp tục trúng thầu, nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh trở lại.

RELATED ARTICLES

Tin mới