Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông: Nối lại đàm phán dễ hay khó phụ thuộc vào...

Biển Đông: Nối lại đàm phán dễ hay khó phụ thuộc vào thiện chí của TQ

Thể diện của một cá nhân hay một quốc gia dân tộc chỉ có giá trị khi hành xử phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế.

The Straits Times ngày 20/7 dẫn lời một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, việc nối lại đàm phán giữa Trung Quốc với Philippines sau vụ kiện trọng tài Biển Đông sẽ rất khó khăn nếu Philippines lấy phán quyết trọng tài làm cơ sở. Bởi như thế đồng nghĩa với việc Trung Quốc chấp nhận phán quyết.

Ông Triệu Khải Chính, cựu Ủy viên trung ương, cựu Chánh văn phòng Thông tin báo chí của chính phủ Trung Quốc, hiện là Hiệu trưởng Trường Báo chí thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nói:

“Nếu phán quyết là điều kiện tiên quyết, sau đó sẽ rất khó khăn để tiếp tục các cuộc đàm phán, bởi vì nó sẽ tương đương với việc chúng tôi công nhận phán quyết.”

Là diễn giả chính trong một buổi hội thảo kín về Biển Đông tổ chức hôm Thứ Hai 18/7, ông Triệu Khải Chính bình luận về Biển Đông:

“Đây là một cuộc xung đột trong 3 thập kỷ. Chúng tôi không thể giải quyết nó trong ba tháng, và thậm chí không thể trong 3 năm, nhưng chúng tôi cũng không thể để nó kéo dài vô thời hạn.”

Theo ông Chính, Trung Quốc và Philippines nên bắt đầu bằng những vấn đề dễ trước, khó sau, ví dụ như hiện nay nên ưu tiên đàm phán về đánh bắt cá, hợp tác chống thiên tai thảm họa, cùng thăm dò khai thác các nguồn tài nguyên.

Cũng thừa nhận những khó khăn trong việc nối lại các cuộc đàm phán, giáo sư luật Đại học Vũ Hán Yee Sienho cho rằng, dư luận Philippines đã bị cuốn theo phán quyết của Hội đồng Trọng tài và tâm trạng của họ lúc này không hợp cho các cuộc đàm phán khó khăn.

Ông đề nghị hai bên nên bắt đầu bằng việc thảo luận những câu hỏi xung quanh những gì có thể được đàm phán. Mặt khác, hai bên có thể liên lạc qua các kênh phi chính phủ như các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học, các học giả.

Thông qua các trao đổi phi chính thức này, có lẽ dư luận Philippines sẽ “nhận ra rằng phán quyết là cực đoan và không công bằng”, Yee Sienho bình luận.

Tham vọng bành trướng không thay đổi, không thừa nhận sai lầm thì đàm phán khó thành

Cá nhân người viết hoàn toàn đồng ý với ông Triệu Khải Chính rằng, có thể xúc tiến đàm phán giải quyết các vấn đề song phương thông qua đàm phán trực tiếp theo nguyên tắc dễ trước, khó sau. Nhưng tôi xin lưu ý rằng, mọi hoạt động đàm phán phải dựa vào căn cứ của luật pháp quốc tế mà hai bên cần thống nhất lựa chọn.

Ví dụ đàm phán về hợp tác đánh bắt cá, hợp tác khai thác chung tài nguyên biển ông Khải cho là có thể xúc tiến ngay, thì phải dựa trên cơ sở nào? Phạm vi đến đâu? Không thể hợp tác khai thác chung trong vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của Philippines và không có tranh chấp.

Mọi hoạt động hợp tác, khai thác chung chỉ có thể bàn đến đối với vùng chồng lấn tạo ra giữa các vùng biển xác lập hợp pháp theo UNCLOS 1982 giữa các quốc gia liền kề hoặc đối diện nhau, quy định cụ thể trong Khoản 3, Điều 74, Chương V và Khoản 3, Điều 83, Chương VI của UNCLOS 1982.

Trung Quốc không không nhắc đến phán quyết của Hội đồng Trọng tài, nhưng không thể không căn cứ vào các quy định và thực tiễn luật pháp quốc tế mà cụ thể ở đây là UNCLOS 1982.

Nếu Trung Quốc đòi đàm phán gác tranh chấp, cùng khai thác trong phạm vi đường 9 đoạn thì không một quốc gia nào chấp nhận được, bởi đường 9 đoạn bất hợp pháp theo UNCLOS 1982.

Vì thế có thể nói rằng, đàm phán khó khăn không phải do Philippines đòi “điều kiện tiên quyết”, mà chính là do Trung Quốc đưa ra “điều kiện tiên quyết”, mơ hồ trong phạm vi áp dụng. Bởi chính Trung Quốc vẫn cố đấm ăn xôi, vẫn tham vọng bành trướng toàn bộ Biển Đông nên mọi thứ sẽ không đi đến đâu.

Ngay như ông giáo sư Lee Sienho đưa ra giải pháp tiếp cận phi chính thức, đàm phán phi chính thức thông qua các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ là một ý kiến hay.

Nhưng chưa đàm phán ông đã áp đặt đối phương phải “nhận ra phán quyết trọng tài Biển Đông là cực đoan và không công bằng” là ông đã tự đóng lại cánh cửa mình vừa hé mở.

Thể diện của một cá nhân hay một quốc gia dân tộc chỉ có giá trị khi hành xử phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế. Biết sai mà không thừa nhận, biết sai mà cố phạm với lý do “thể diện quốc gia” chỉ càng hủy hoại thêm thể diện đó.

Bởi vậy trách nhiệm của các nhà học giả, nghiên cứu chân chính Trung Quốc là nên tham mưu cho chính phủ đâu là đúng, đâu là sai, chứ không phải làm ngược lại, giúp chính phủ “bẻ” luật pháp quốc tế cho phù hợp với lập trường của chính phủ. Nói cách khác, ông Triệu Khải Chính và ông Lee Sienho đang cố “đẽo chân cho vừa giày”.

RELATED ARTICLES

Tin mới