Friday, March 29, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiChưa có dự án nào vay tiền của TQ mà suôn sẻ?

Chưa có dự án nào vay tiền của TQ mà suôn sẻ?

“Hầu hết các dự án vốn vay Trung Quốc đều đội vốn công trình và kéo dài thời gian. Tôi chưa xét tới việc lỗi của giám sát Chính phủ, chủ đầu tư hay ban quản lý dự án nhưng thực tế chưa thấy dự án nào vốn vay Trung Quốc, nhà thầu Trung Quốc mà trọn vẹn, hoàn thành đúng tiến độ, hiệu quả cả”, TS Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế tài chính, đầu tư phát biểu.

(Ảnh minh hoạ).

Trong một công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đang được cân nhắc lựa chọn phương án đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi từ Trung Quốc. Dự kiến, giai đoạn 1 của dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 8.6000 tỷ đồng, trong đó vay Trung Quốc 300 triệu USD, tương đương gần 7.000 tỷ đồng.

Liên quan tới đề xuất này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Đinh Thế Hiển.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào việc đề xuất vay Trung Quốc gần 7.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư cho dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái?

Đất nước mình cần phát triển hạ tầng trong khi vốn ngân sách đang căng thẳng, nên vốn nước ngoài cũng là một nguồn vốn quan trọng cần tính đến. Tuy nhiên, sau một thời gian đầu tư tràn lan, nhiều con đường được đầu tư nhưng không phải là dự án trọng điểm khiến hiệu quả đầu tư không cao.

Do đó, trước khi nói tới nguồn vốn 300 triệu USD từ đâu thì cần xem dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có quan trọng hơn các dự án khác hay không. Không nên tư duy, con đường đó là cần thiết và tôi có vốn vay thì tôi làm. Điều này chỉ khiến ngân sách căng thẳng thêm bởi nguồn vốn ở đâu thì cũng đưa về ngân sách, cũng là nợ.

Trong khi đó, nhập siêu từ Trung Quốc lớn, trong bối cảnh cần phải tái cấu trúc thương mại như hiện nay thì đẩy mạnh thương mại với Trung Quốc là chưa thật sự cần thiết. Đặc biệt, trong khi ở phía Nam, nhiều công trình hạ tầng tại các khu vực như ĐBSCL, Tây Nguyên đầu tư chưa đạt, thiếu các con đường có động lực kết nối để thúc đẩy kinh tế.

Theo quan điểm của tôi không đặt vấn đề vay hay không vay mà đặt vấn đề hiện ngân sách khó khăn thì cao tốc Vân Đồn – Móng Cái nên để sau lại mà trước hết tập trung vốn đầu tư các con đường trọng điểm miền Nam.

Không kể tới dự án Vân Đồn – Móng Cái mà nói chung với các công trình hạ tầng hiện nay có sử dụng vốn vay Trung Quốc, theo ông có ưu nhược điểm gì?

Đây cũng là nỗi lo. Nguồn vốn vay của Trung Quốc không có sự giám sát tốt và chặt chẽ như WB, IMF… Do đó, nếu gặp các chính quyền tham nhũng, không đủ năng lực giám sát, quản lý sẽ khiến khoản vay không đưa đến đúng công trình. Tại nhiều nước không thấy hiệu quả nên nhiều khi cũng “dị ứng” với nguồn vốn vay này.

Còn ở Việt Nam mình cũng có quan điểm là không nên vay Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề chính là quản lý khoản vay có minh bạch hay không chứ không nên đặt nặng không vay nước này hay nước khác. Chúng ta cũng cần phải xem các điều khoản của nó là gì. Nếu là khoản vay thương mại với các điều khoản thuận mua vừa bán, rõ ràng, không có yếu tố gì khác và mình được chủ động sử dụng thì không có vấn đề gì.

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả đầu tư của các dự án tại Việt Nam có sử dụng vốn vay Trung Quốc?

Xét tại Việt Nam, hầu hết các dự án vốn vay Trung Quốc đều đội vốn công trình và kéo dài thời gian. Tôi chưa xét tới việc lỗi của giám sát Chính phủ, chủ đầu tư hay ban quản lý dự án nhưng thực tế chưa thấy dự án nào vốn vay Trung Quốc, nhà thầu Trung Quốc mà trọn vẹn, hoàn thành đúng tiến độ, hiệu quả cả.

Thêm vào đó, hầu hết các khoản vay Trung Quốc đều kèm theo các điều kiện thi công, nhà thầu của Trung Quốc. Điều này cũng hết sức quan ngại vì có chúng ta đã thực tiễn về việc sử dụng công nghệ, thi công của Trung Quốc rồi.

Trong một thời gian dài, chúng ta đấu thầu chỉ dựa vào tiêu chí giá rẻ mà không đưa vào tiêu chuẩn kĩ thuật hay tiêu chuẩn lựa chọn các nhà thầu có các công trình uy tín, được đánh giá cao. Chúng ta đi vào cái rẻ nhưng cái rẻ đó cũng không đạt.

Rõ ràng là vốn vay thương mại nhưng cần có chiến lược chủ động bằng phát hành trái phiếu Chính phủ ra nước ngoài để được chủ động chọn lựa nhà thầu, thiết bị thi công. Cụ thể, chúng ta nên đi theo dạng Chính phủ cân đối nhu cầu và phát hành trái phiếu và tiền đó đổ vào Bộ Tài chính rồi phân bổ đầu tư. Còn muốn vay 1 dự án cụ thể mà phải kèm theo các điều kiện thi công thì không nên.

Ông đánh giá như thế nào về cân đối nguồn vốn ngân sách để đầu tư trong thời điểm hiện tại?

Đầu tư các dự án còn cào bằng, chưa thực sự chú trọng các dự án trọng điểm nên đất nước ta chưa kịp giàu thì mắc nợ. Chúng ta đầu tư tràn lan, nhiều địa phương xây nhà văn hoá hàng nghìn tỷ mà không mang lại lợi ích gì.

Trong giai đoạn này, nguồn ngân sách không nhiều mà chi thì khó giảm, nguồn vốn dành cho đầu tư trong 3 năm trước mắt còn hạn chế nên phải đầu tư dự án trọng điểm trước chứ không nên cào bằng. Theo đó, phải ưu tiên vào dự án tạo điều kiện phát triển kinh tế, tăng lưu thông hàng hoá thì vốn vay đó mới hiệu quả và mới tạo ra nguồn lực trả nợ.

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, BOT được đánh giá là một phương thức “thần kỳ” để phát triển các dự án hạ tầng. Vậy theo ông, các dự án như Vân Đồn – Móng Cái và nhiều dự án khác cũng nên đi theo hướng này?

Trong thời gian dài chúng ta nghĩ BOT là phương thức thần kỳ nhưng thực tế, làm dự án BOT trong khi chúng ta không giỏi về quản lý, không giám sát chặt đầu tư, cũng như tiêu chuẩn kĩ thuật thì vô tình tạo tâm lý dễ dãi. Các dự án này sử dụng nguồn vốn của nhà đầu tư ban đầu sau đó thu phí xã hội nên có quan điểm Chính phủ không mất ngân sách. Nhưng thực tế là, nếu phí BOT cao người dân, doanh nghiệp làm ăn không được khiến nguồn thu Nhà nước giảm, thậm chí suy giảm kinh tế. Đằng nào cũng mất, đi 1 đường vòng có khi còn mất nhiều hơn.

Thực tế, BOT là chủ trương đúng nhưng cần phải lựa đối tác đúng. Nguồn vốn đầu tư phải nằm ở các quỹ bảo hiểm nhân thọ, quỹ đầu tư hạ tầng có nguồn vốn đô la lãi suất thấp, muốn tìm kênh đầu tư an toàn thì mới đảm bảo hiệu quả. Chứ đằng này đa số các doanh nghiệp đầu tư BOT đều vay ngân hàng, rồi tính toán để hoàn vốn với có lợi nhuận ví dụ trên 10%. Như vậy lại kê vào giá phí rồi tác động không tốt cho kinh tế, không đạt hiệu quả mục tiêu.

Ngoài ra, nhà nước phải đảm bảo thiết kế, chính xác về chi phí, kĩ thuật, tiêu chuẩn đấu thầu. Doanh nghiệp đầu tư vào BOT phải có năng lực tài chính, họ là chủ đầu tư vì có tiền chứ không phải đi vay ngân hàng. Lãi suất thấp cũng phải thấp bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ thôi thì mới đảm bảo phí BOT thấp, phù hợp với doanh nghiệp, và người dân gúp giảm chi phí vận chuyển, phát triển kinh tế.

Ngược lại thì tưởng có đường mới là tốt nhưng kỳ thực chi phí vận chuyển tăng khiến tăng giá thành, làm giảm sức cạnh tranh. Điều đó đi ngược lại mục tiêu là có thêm đường để tăng khả năng vận chuyển, giảm chi phí, phát triển kinh tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới