Thursday, April 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCông nghệ TQ rẻ thành đắt

Công nghệ TQ rẻ thành đắt

“Thay vì lựa chọn công nghệ Trung Quốc giá rẻ, chúng ta nên ưu tiên những sản phẩm có độ an toàn cao, uy tín, chất nước trên thế giới”.

Ảnh minh họa

Rẻ nhưng thành đắt

Sau khi đăng bài phản ánh về việc nhiều nhà mạng lớn tại Việt Nam hiện nay đang sử dụng thiết bị Trung Quốc, chúng tôi tiếp tục nhận thêm được ý kiến chia sẻ của TS Trần Văn Thịnh, giảng viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Theo TS Thịnh, Việt Nam là nước đi sau, thiết bị còn nhiều lạc hậu, yếu kém nên việc bị lệ thuộc vào những nước có truyền thống và bề dầy kinh nghiệm nhiều năm về công nghệ thông tin như Trung Quốc không có gì là lạ.

“Chúng ta đi không tự chế tạo được thì đương nhiên phải sử dụng các thiết bị giá rẻ của Trung Quốc. Tuy nhiên vấn đề tôi ngại nhất hiện nay là những linh kiện đó có chứa phần mềm gián điệp nào không? Nếu không kiểm tra kỹ sẽ rất khó có thể phát hiện được.

Mà trình độ của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Như trường hợp tin tặc tấn công tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vừa có cũng là một ví dụ. Những lỗi như thế thì hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt ở những cơ quan nhà nước, các địa điểm trọng yếu thì vấn đề này càng phải được đặt lên hàng đầu”, TS Thịnh lo ngại.

Lý giải cho tình trạng thiết bị, công nghệ Trung Quốc tràn lan trên thị trường, vị chuyên gia cho rằng, việc ưu tiên lựa chọn những nhà thầu giá rẻ đang khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn không thể tự giải quyết

“Chúng ta đã có quá nhiều bài học kinh nghiệm với Trung Quốc rồi. Chỉ cần nhìn tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đã đủ thấy rồi. Nếu như của nhà cung cấp khác, tôi nghĩ rằng phải xong lâu rồi. Còn với Trung Quốc dù rẻ hơn một chút nhưng về lâu dài sẽ đắt hơn vì chậm tiến độ, thi công kéo dài, thay đổi công nghệ…

Dù hợp đồng ban đầu rẻ đấy nhưng tính toán chi tiết lại thành đắt. Vì vậy với Trung Quốc chúng ta không nên ham rẻ mà lựa chọn thầu. Hiện giờ, khi có hợp đồng, đơn hàng mua sắm gì, điều tôi nghĩ đầu tiên là phải thận trọng với đồ Trung Quốc”, TS Thịnh nói.

Bài học lớn từ thế giới

Cùng đưa ra ý kiến về việc này, một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin khẳng định nhiều nhà mạng, doanh nghiệp ở Việt Nam đang phải tự trấn an bản thân và tin rằng công nghệ Trung Quốc trung thực.

Theo vị chuyên gia, các thiết bị mạng và viễn thông của chúng ta đều nhập từ các công ty nước ngoài, phần lớn trong số đó là từ Trung Quốc vì giá rẻ, đa dạng dẫn đến thời gian thu hồi vốn nhanh.

Tuy nhiên, vấn đề an toàn, an ninh mạng hiện nay đang hết sức phức tạp, nhiều vụ tin tặc tấn công các website và hệ thống nội bộ của các doanh nghiệp trong nước, vì vậy, Việt Nam cần phải thận trọng khi quyết định mua những sản phẩm của Trung Quốc.

“Thời gian gần đây Mỹ bắt đầu cảnh giác sự có mặt các tập đoàn viễn thông Trung Quốc, đặc biệt Hoa Vĩ (Huawei) và Trung Hưng Thông Tấn (ZTE Corp). Dù 2 tập đoàn này chiếm đáng kể thị phần viễn thông toàn cầu với tại nhiều quốc gia trên thế giới nhưng các doanh nghiệp này vẫn không thể ký được hợp đồng nàovới các hãng viễn thông khổng lồ của Mỹ, từ AT&T, Sprint, T-Mobile đến Verizon. Thậm chí, có người còn kêu gọi các công ty Mỹ ngưng làm ăn với Hoa Vĩ.

Chính phủ Australia cũng vậy. Đầu năm 2012, cũng xuất phát từ mối lo ngại an ninh quốc gia mà họ đã ngăn Hoa Vĩ tham gia thương vụ đấu thầu liên quan mạng băng thông rộng trị giá 37 tỉ USD của nước mình.

Ấn Độ cũng có lập ra nhiều hàng rào không chế khiến cho doanh số Hoa Vĩ lẫn Trung Hưng Thông Tấn tại quốc gia này đều tụt giảm. Với một quốc gia hiện đại và phát triển như Mỹ họ cũng phải tìm cách để hạn chế các hợp đồng mua bán công nghệ thông tin với Trung Quốc. Đó là việc mà Việt Nam cũng như nhiều quốc gia có hoàn cảnh tương tự cần phải xem xét”, vị chuyên gia nói.

Để giải quyết tình trạng bị nhiều quốc gia trên thế giới đề phòng, kiềm chế, theo vị chuyên gia, các tập đoàn của Trung Quốc đã thực hiện nhiều chiến lược tiếp cận, từ việc thuê nhiều viên chức điều hành từ các công ty phương Tây, gửi thư mời kiểm tra hoạt động kinh doanh hay tiến hành quảng cáo rầm rộ để thu hút sự chú ý. Tuy nhiên tại Mỹ và 1 số quốc gia khác, Hoa Vĩ lẫn Trung Hưng Thông Tấn đều không được chào đón thật sự.

“Muộn còn hơn không”

Đối chiếu vào tình hình Việt Nam hiện nay, vị chuyên gia cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập hóa với nền công nghệ thông tin phát triển thì việc quan tâm đến vấn đề an ninh mạng, bảo mật bí mật quốc gia cũng như cá nhân là cần thiết.

“Thời điểm này có thể nói là đã muộn rồi. Tuy nhiên chúng ta không được phép dừng lại. An ninh mạng, an toàn cá nhân luôn luôn thay đổi theo thời gian. Chúng ta phải thực hiện phương châm “chậm mà chắc”, “có còn hơn không”. Tôi cho rằng để làm tốt điều này chúng ta cần phải chú trọng vào việc xây dựng Luật đấu thầu với những quy tắc, quy định chặt chẽ, chú trọng vào yếu tố kỹ thuật để hạn chế lợi thế về giá cả của nhà thầu Trung Quốc”, ông nói.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng lưu ý, Việt Nam nên hướng tới các thị trường uy tín, có thế mạnh về công nghệ thông tin như Mỹ, Úc để lựa chọn sản phẩm, thiết bị máy móc.

“Cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất tôi nghĩ đó là con người. Chúng ta phải nâng cao nghiệp vụ, trình độ của các nhà mạng, doanh nghiệp nhà nước để xử lý kịp thời những tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Đồng thời gắn trách nhiệm cá nhân nếu xuất hiện tâm lý chủ quan, thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong bảo mật thông tin”, vị chuyên gia nói.  

RELATED ARTICLES

Tin mới