Tuesday, March 19, 2024
Trang chủĐiểm tinTokyo quyết đấu với Bắc Kinh

Tokyo quyết đấu với Bắc Kinh

Theo giới truyền thông, Tokyo đang xúc tiến các cuộc thảo luận cấp cao với Bắc Kinh liên quan tới việc tàu Trung Quốc tiếp tục đi vào lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada

Và có thể Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong vài ngày tới để thảo luận vấn đề này. Tokyo còn muốn tổ chức một cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khi họ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20, sẽ diễn ra thành phố Hàng Châu, Trung Quốc trong 2 ngày 4 và 5-9.

Ngày 9-8, Ngoại trưởng Fumio Kishida lần đầu tiên trực tiếp trao công hàm phản đối cho Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa liên quan tới việc tàu Trung Quốc tái diễn hành động xâm nhập lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông Fumio Kishida cho rằng, môi trường xung quanh Nhật – Trung đang “xấu đi rõ rệt” sau những hành động của Bắc Kinh và Nhật Bản không chấp nhận việc Trung Quốc đơn phương làm gia tăng căng thẳng trên biển Hoa Đông. Nhưng ông Trình Vĩnh Hoa tiếp tục khẳng định, việc tàu Trung Quốc hoạt động ở vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là “chuyện đương nhiên” bởi đây là lãnh thổ của Trung Quốc. Trước đó (5-8), Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama đã triệu ông Trình Vĩnh Hoa đến để phản đối về vấn đề này. Nhưng Đại sứ Trình Vĩnh Hoa tuyên bố, Nhật Bản phải chịu trách nhiệm về tình trạng gia tăng căng thẳng hiện nay!

Ngày 8-8, cảnh sát biển Nhật Bản cho biết, 14 tàu tuần tra của Trung Quốc đã xâm nhập bất hợp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Số lượng tàu tuần tra Trung Quốc hiện diện trong khu vực này ngày càng gia tăng sau khi xuất hiện lần đầu hôm 5-8 và hoạt động đầy khiêu khích gần sát khu vực 12 hải lý xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tàu tuần tra Trung Quốc được cho là đã hộ tống đội tàu đánh cá lên tới 230 chiếc hoạt động gần khu vực kể trên.

Cùng ngày 8-8, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Tokyo sẽ tiếp tục hối thúc Bắc Kinh không gia tăng căng thẳng ở biển Hoa Đông, và sẽ có biện pháp đáp trả cứng rắn đối với các động thái xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc. Tại cuộc họp báo, ông Yoshihide Suga thông báo, tàu Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Nhật Bản tổng cộng 14 lần chỉ trong mấy ngày qua. Cũng trong ngày 8-8, tờ South China Morning Post cho rằng, việc Trung Quốc điều tàu chiến và máy bay tới Biển Đông và biển Hoa Đông nhằm đánh tiếng: Bắc Kinh có thể ra đòn bất cứ thời điểm nào, nếu cần!

Trước đó (7-8), cảnh sát biển Nhật Bản phát hiện 13 tàu hải cảnh ở biển Hoa Đông, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cùng 230 tàu cá Trung Quốc. Và đây là số lượng tàu hải cảnh lớn nhất mà lực lượng tuần tra biển Nhật Bản từng nhìn thấy ở vùng biển tranh chấp sau từ khi Tokyo mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tư nhân năm 2012.

Cũng trong ngày 7-8, Tokyo đã phản ứng quyết liệt sau khi phát hiện Bắc Kinh lắp đặt radar gần khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối chính thức sau khi phát hiện Bắc Kinh lắp đặt radar trên một giàn khoan khai thác khí tự nhiên của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Theo tờ Nikkei Asian Review, ngoài radar tìm kiếm bề mặt, Trung Quốc còn lắp thêm camera do thám trên giàn khoan này và Tokyo lo ngại thiết bị kể trên sẽ biến nhà giàn này trở thành trạm do thám quân sự, cũng như củng cố năng lực quân sự của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông.

Được biết, Tokyo phát hiện radar của Bắc Kinh từ tháng 6 và đã yêu cầu Trung Quốc phải giải thích rõ mục đích của việc lắp thiết bị này. Trước đó, Tokyo cũng đã kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt việc xây dựng các giàn khai thác dầu khí ở biển Hoa Đông bởi coi hành động đơn phương này vi phạm thỏa thuận mà hai bên đã ký năm 2008. Cùng ngày 7-8, tờ Nikkei Asian Review còn dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho thấy, một trong 16 giàn khoan khí đốt của Trung Quốc được lắp đặt radar và camera quan sát. Các radar được lắp bên dưới bãi đáp trực thăng của giàn khoan và Tokyo coi radar là thiết bị chỉ lắp trên tàu tuần tra, không nên dùng cho hoạt động khai thác dầu khí.

Tờ Hoàn Cầu thời báo cho rằng, việc phô trương lực lượng của Bắc Kinh nhằm thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và quan hệ Trung – Nhật xấu đi vì sự can thiệp của Tokyo ở Biển Đông! Trước đó (3-8), Trung Quốc đã nổi giận vì bị Nhật Bản chỉ trích gây bất ổn ở Biển Đông bằng “Sách trắng Quốc phòng năm 2016”. Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc đã lợi dụng sức mạnh để thay đổi hiện trạng ở Biển Đông bằng cách bồi lấp các đảo nhân tạo một cách phi pháp. Theo trang tin The China Times, 3 hạm đội của Trung Quốc (Nam Hải, Bắc Hải và Đông Hải) với khoảng 300 tàu chiến, tàu ngầm, cùng hàng chục máy bay đã rầm rộ tập trận bắn đạn thật ở biển Hoa Đông hôm 1-8. Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi chỉ đạo cuộc tập trận này. Trung Quốc tổ chức tập trận đối kháng thực binh và bắn đạn thật trong môi trường điện từ phức tạp, kiểm nghiệm tối đa năng lực tác chiến, chiến thuật và biện pháp huấn luyện, hiệu quả và năng lực của các loại trang thiết bị vũ khí.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada tuyên bố, quân đội nước này đang cảnh giác, giám sát và thu thập thông tin, trong khi kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, kể cả khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trung Quốc từng cáo buộc bà Tomomi Inada “xuyên tạc lịch sử” nhằm che đậy sự xâm lược của Nhật Bản, thách thức trật tự quốc tế bằng cách làm sống lại chủ nghĩa quân phiệt. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada từng cảnh báo (4-8), Trung Quốc ngày càng chủ động trong các vùng biển và vùng trời xung quanh Nhật Bản và tiếp tục cố gắng thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.

RELATED ARTICLES

Tin mới