Friday, March 29, 2024
Trang chủQuân sựChiến tranh Mỹ - Trung: Không loại trừ tấn công hạt nhân

Chiến tranh Mỹ – Trung: Không loại trừ tấn công hạt nhân

Theo chuyên gia Úc, dự báo của RAND về chiến tranh Mỹ-Trung chưa lường hết những khả năng nguy hiểm, đánh giá thấp nguy cơ Trung Quốc sử dụng vũ khí hạt nhân, xua quân tràn vào chiếm Hàn Quốc, cũng như đánh giá thấp về khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc…

Tên lửa đạn đạo hạt nhân liên lục địa DF-41 của Trung Quốc

Sau khi RAND công bố nghiên cứu dự báo về các kịch bản chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai, hai chuyên gia Paul Dibb và Mike Scrafton đã đưa ra đánh giá trên trang của Viện Lowy (Úc) về nghiên cứu của RAND. Cụ thể như sau:

RAND đã nêu ra bốn kịch bản xung đột về hai giai đoạn khác nhau: cường độ thấp và cường độ cao, ngắn hạn và dài hạn và sẽ xảy ra trong khoảng từ 2015 đến 2025. Xung đột cường độ thấp khá đơn giản, tuy nhiên viễn cảnh về căng thẳng cường độ cao năm 2025 lại đưa ra một số kết luận gây tranh cãi, cụ thể là:

–  Sự leo thang tới cấp độ sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột Trung- Mỹ ở mức cường độ cao rất khó xảy ra;

–  Chiến tranh sẽ tàn phá Trung Quốc nhiều hơn với ước tính tổng thiệt hại lên đến 25-35% trong tổng GDP sau một năm trong khi Mỹ chỉ bị tổn thất 5-10%;

–  Một cuộc xung đột kéo dài sẽ thách thức sự ổn định trong nội bộ nhà nước Trung Quốc; 

– Triển vọng về cuộc triển khai chiến tranh trên đất liền là rất thấp, trừ khi chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Kết luận cuối cùng của RAND được gói gọn trong một câu: “Trung Quốc không thể thắng và có thể thua trong cuộc  chiến thảm khốc với Mỹ vào năm 2025”.

Các tác giả lưu ý rằng chính các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc là một trong những đối tượng độc giả của họ. Điều này nhằm giúp Trung Quốc tránh khỏi việc tính toán sai lầm chỉ vì quá tự tin vào sức mạnh quân sự của minh. Tuy nhiên, trong nỗ lực đề cao hiệu quả của việc răn đe của lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, RAND đã đưa ra một số nhận định tô hồng viễn cảnh cho Mỹ.

Hai chuyên gia phân tích trên trang Viện Lowy nhận định:

1. RAND đã đánh giá quá thấp khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân của cuộc xung đột cường độ cao

Các tác giả đều loại trừ khả năng sử dụng hạt nhân từ cả hai phía, đặc biệt nếu Mỹ tránh những mục tiêu có khả năng khiến Trung Quốc sử dụng đến hạt nhân. Thực tế, Trung Quốc sẽ có động lực lớn để sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nước này mất lợi thế trong xung đột sử dụng vũ khí thông thường. Chẳng hạn, Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đối đầu với khu vực do Mỹ đứng sau ở Tây Thái Bình Dương với đánh giá rằng Mỹ sẽ không đáp trả mạnh ở mức độ chiến lược.

Đỉnh điểm, Trung Quốc thậm chí có thể kích nổ đầu đạn chiến lược ở khu vực dân cư của đồng minh không sở hữu vũ khí hạt nhân của Mỹ (ví dụ Nhật Bản) như một thách thức trực tiếp đến sự bảo đảm hạt nhân của Mỹ và để thể hiện quyết tâm tuyệt đối của Trung Quốc mà không ép Mỹ phải trực tiếp ra tay tấn công đại lục. Quả thực những kết quả này có khả năng cao hơn là điều mà RAND giả định: Trung Quốc chấp nhận thất bại hoàn toàn.

Nói cách khác, thực tế rằng nước Mỹ được hưởng toàn bộ ưu thế về hạt nhân đã dẫn đến giả định không rõ ràng về động lực sử dụng hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc. RAND tốt hơn hết là chỉ nên giả định đơn giản rằng xung đột cường độ cao không leo thang đến mức sử dụng vũ khí hạt nhân chứ không cần phải nỗ lực biện minh cho giả định đó. Sau tất cả, chỉ nguy hiểm cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ khi bị trình bày về các thẩm định không thực tế về nguy cơ hạt nhân cũng như là các lãnh đạo Trung Quốc có niềm tin phi lý vào lực lượng quân đội thông thường của họ.

2. Đánh giá của RAND về khả năng phục hồi nền kinh tế Mỹ không thực tế

RAND tính toán những thiệt hại tương đối gây ra cho mỗi bên dựa trên sự ngưng trệ thương mại và độ phụ thuộc vào hàng hóa nhấp khẩu của mỗi bên tham chiến. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng Trung Quốc phụ thuộc nặng hơn vào hàng hóa nhập khẩu và thương mại sẽ bị cắt giảm nặng nề trong thời gian chiến tranh tại Tây Thái Bình Dương. Thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc nhìn chung sẽ chấm dứt.

Cho dù Trung Quốc phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu qua đường hàng hải và đứng từ góc độ quân sự thì sự gián đoạn việc cung cấp năng lượng sẽ là một mối nguy hại nghiêm trọng đến Trung Quốc thì đánh giá của RAND vẫn chưa thật sự hoàn thiện.

Đầu tiên, ngoài việc chấm dứt thương mại song phương với Trung Quốc, thương mại Mỹ với những nước có nền kinh tế phụ thuộc vào giao thương với Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn nữa, đây không chỉ là về giá trị thuần túy của thương mại song phương mà còn là tổng giá trị hàng hóa Mỹ mà ngành sản xuất của Trung Quốc là một phần không thể thiếu trong đó. Điều này sẽ khó có thể bù lại bằng hoạt động sản xuất nội địa vì bất kỳ sự phục hồi nào trong sản xuất nội địa về lâu dài cũng có khả năng trực tiếp hỗ trợ cho nỗ lực kéo dài chiến tranh của Mỹ.

Thứ hai, quan trọng hơn là hậu quả của tấn công không gian mạng. Vũ khí không gian mạng của Mỹ sẽ khó có thể ngăn chặn mối đe dọa này nếu Trung Quốc đối mặt với cuộc tấn công vào lãnh thổ nước mình. Bởi vậy cũng cần giả định rằng Trung Quốc sẽ phá vỡ được cơ sở hạ tầng của Mỹ trên quy mô lớn, bao gồm vận tải, năng lượng, thông tin liên lạc, dịch vụ tài chính và nghiên cứu.

Giả định an toàn nhất mà RAND đưa ra đó là năm 2025, khả năng tin học của Trung Quốc sẽ tương xứng với của Mỹ. Trong khi Mỹ sẽ có thể đáp trả bằng vũ khí thì tác động kinh tế của chiến tranh không gian mạng sẽ không giống như vậy. Nền kinh tế của Mỹ lớn hơn nền kinh tế Trung Quốc dựa trên nền sản xuất được phục vụ bằng công nghệ cao. Do đó, chiến tranh không gian mạng sẽ gây thiệt hại nặng hơn cho Mỹ. Theo đó, không thể dự đoán chính xác hệ quả lên GDP mỗi nước sau một năm chiến tranh (điều mà RAND cố thực hiện), nhưng tổng khoảng cách về hệ quả kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ được thu hẹp so với những gì mà RAND giả định.

3. Xáo trộn ổn định nội bộ Trung Quốc chỉ là mong muốn

Theo phân tích của Viện Lowy, giả định của RAND rằng xung đột kéo dài có thể tạo ra cuộc khủng hoảng đối với sự ổn định của giới lãnh đạo Trung Quốc không chắc chắn. Rõ ràng thất bại quân sự sẽ là một cuộc khủng hoảng lớn đến tính chính danh của đảng cầm quyền Trung Quốc. Thực tế, điều này có thể cản trở sự chấm dứt chiến sự, kể cả khi đối mặt với tình hình quân sự sụp đổ và tăng khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, kể cả với một cuộc chiến tranh kéo dài khuyến khích các lực lượng ly khai hủy hoại sự toàn vẹn của nhà nước trong khi chiến tranh vẫn tiếp diễn, thì điều này vẫn khó xảy ra. Ngược lại, khi đối mặt với ký ức về “một thế kỷ nhục nhã”, ý chí của Trung Quốc chống lại các thế lực bên ngoài có thể sẽ vượt lên những bất đồng nội bộ trong suốt cuộc chiến, Viện Lowy dự báo.

4. Kết luận của RAND về việc sử dụng lực lượng trên bộ là không chính xác

RAND giả định rằng một cuộc xung đột trên bộ lớn sẽ không có khả năng xảy ra và chỉ xảy ra khi chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên. RAND dựa vào giả định rằng  Triều Tiên không còn khả năng tự mình tàn phá Hàn Quốc nữa và vì Hàn Quốc có khả năng tránh không bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh chống Trung Quốc.

Tuy nhiên, RAND đã đánh giá thấp khả năng xung đột nổ ra trên bán đảo giữa cuộc chiến. Điều này có thể diễn ra bất kể tình trạng thù địch xảy ra trên Biển Đông, Biển Hoa Đông hay eo biển Đài Loan.

Đó là bởi vì Triều Tiên đã nhìn thấy cơ hội của mình trong việc xâm lược Hàn Quốc khi biết rằng Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ủng hộ họ. Nếu Triều Tiên bị đánh bại, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình thế khó chịu đựng nổi với sự hiện diện của quân Mỹ ở ngay biên giới trong chiến tranh.

Quyết định quân sự chính xác cho Trung Quốc sẽ là tạo áp lực về phía Hàn Quốc để ép Mỹ cam kết đưa đội quân lớn hơn đến bảo vệ mà không áp đảo Trung Quốc ngay lập tức và tạo cho Mỹ một sự đã rồi. Một khi đã cam kết, Mỹ sẽ ở trong một tình thế quân sự hiểm ác. Hàng trăm nghìn binh lính trên bộ của Mỹ sẽ tham gia chống lại lực lượng quân đội khổng lồ của kẻ thù và quân đội Mỹ chỉ được hỗ trợ bởi nguồn cung  dễ bị tổn thương đến trên vùng biển tranh chấp gần Trung Quốc. Quả thực, rất có khả năng một cuộc chiến tranh khởi phát trên quần đảo Trường Sa khiến Mỹ sẽ bị thua tại Busan (Hàn Quốc).

Tất nhiên Mỹ có thể bỏ rơi Hàn Quốc, nhưng làm như vậy cũng sẽ chấm dứt uy tín đồng minh của nước này ở Tây Thái Bình Dương. Kể cả có thất bại trong chiến tranh thì Trung Quốc cũng đạt được chiến thắng mang ý nghĩa chiến lược lớn vì việc chiếm giữ Seoul sẽ là con bài mặc cả trong thương lượng hòa bình, chuyên gia nhận xét trên trang Viện Lowy.

Mỹ không thể chủ quan

Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường trực tại Biển Đông thời gian gần đây

Ngoài bốn điều kể trên, RAND cũng đưa ra một số giả định có vẻ như quá hào phóng đối với Mỹ: Đó là NATO sẵn sàng đồng minh với Mỹ để ngăn chặn sự xâm lược của Nga; khả năng Trung Quốc bù đắp tổn thất sẽ bị hạn chế; và Trung Quốc không có khả năng quản lí tình trạng thiếu hụt gây ra bởi sự gián đoạn thương mại khu vực. Hơn nữa, những phản ứng khác của Trung Quốc cũng không được xem xét, ví dụ như bảo trợ cho các nhân tố phi nhà nước thù địch với Mỹ hay đe dọa lợi ích quốc gia Mỹ ở Trung  Đông. Cuối cùng, khả năng Mỹ duy trì hoạt động tấn công ở Tây Thái Bình Dương vẫn còn để ngỏ vì tính dễ tổn thương của các tàu sân bay và căn cứ trên chuỗi đảo thứ nhất.

Thật khó để tranh luận về đánh giá của RAND về cân bằng quân sự đến năm 2025. Mỹ sẽ hưởng lợi thế về khả năng dưới biển trong tương lai gần và hạm đội trên mặt nước của Trung Quốc sẽ không thể tồn tại. Nếu mục tiêu quân sự chính của Trung Quốc là để kiểm soát Biển Đông hay Biển Hoa Đông thì chắc chắn sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến với Mỹ

Tuy nhiên, vẫn có khả năng là trong một cuộc xung đột cường độ cao kéo dài, thiệt hại kinh tế của cả hai bên vẫn tương đương nhau, những động thái quân sự quyết định sẽ khó nắm bắt và sự phục hồi sau chiến tranh của Trung Quốc sẽ nhanh hơn. Kết hợp với lợi ích của việc ở cự ly gần và sự hiện diện đồng minh suy yếu trong khu vực Tây Thái Bình Dương, điều này có nghĩa không thể loại trừ khả năng Trung Quốc giành chiến thắng chiến lược vào năm 2025 hoặc xa hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới