Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngTQ âm mưu cải tạo Scarborough: Hành động của Mỹ thế nào?

TQ âm mưu cải tạo Scarborough: Hành động của Mỹ thế nào?

“Đã đến lúc ASEAN phải thay đổi nguyên tắc hoạt động để duy trì tính đoàn kết của các thành viên trong khối trước tác động từ bên ngoài”.

Hành động xuyên suốt của Trung Quốc

Báo chí Trung Quốc lại đồng loạt đưa tin, nước này sẽ đưa tàu hút bùn đất cùng nước bằng hệ thống ống (TSHD) mang tên Tuần Dương mới do Hà Lan đóng ra bãi cạn Scarborough nhằm cải tạo bồi đắp quanh khu vực này.

Thời gian dự kiến được truyền thông  Trung Quốc tuyên bố là sau khi kết thúc Hội nghị G-20 tại nước này và trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11.

Trao đổi với Đất Việt về động thái này, TS Ngô Hữu Phước – Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, ĐH Luật TP.HCM cho rằng, Trung Quốc đang muốn khẳng định với thế giới và các quốc gia trong khu vực là phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ VII của Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 về vụ Philippines kiện Trung Quốc ngày 12/7/2016 sẽ không ảnh hưởng gì đến chính sách biển Đông của họ.

“Kể từ ngày 22/01/2013, khi Philippines khởi kiện Trung Quốc theo thủ tục Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982 (gọi tắt là Tòa trọng tài), đặc biệt là từ ngày 29/10/2015 khi Tòa trọng tài ra phán quyết khẳng định có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này thì Trung Quốc luôn tuyên bố bác bỏ thẩm quyền của Tòa trọng tài này. Đến ngày 12/7/2016, khi Tòa trọng tài ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện thì Trung Quốc lại tiếp tục khẳng định, phán quyết của Tòa trọng tài là vô giá trị, và họ luôn cho rằng, vụ kiện này đơn thuần là “trò chơi chính trị” của Philippines với sự hỗ trợ, giật dây của Mỹ.

Chính vì vậy, sau phán quyết của Tòa trọng tài, Trung Quốc vẫn ngang nhiên thực hiện các hành vi làm gia tăng căng thẳng trên biển biển Đông như tập trận quy mô lớn; tiếp tục xây dựng các công trình nhân tạo lớn trên 7 đá mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam; xây nhiều nhà chứa máy quân sự, đưa nhiều vũ khí, khí tài ra các đảo nhân tạo nhằm từng bước “quân sự hóa” Biển Đông…với những hành động nói trên của Trung Quốc trong thời gian gần đây tôi cho rằng, Trung Quốc đang rất quyết tâm từng bước để hiện thực hóa quan điểm, lập trường, yêu sách ngang ngược, trái pháp luật quốc tế của họ trên biển Đông đó là biến biển Đông thành “ao nhà” của họ và thực hiện bằng mọi giá!.

Do đó, việc Trung Quốc đưa tàu, máy bay hoặc các phương tiện, trang thiết bị hiện đại ra khu vực bãi cạn Scarborough, gần các căn cứ mà quân đội Mỹ triển khai ở Philippines lần này cũng là cách thể hiện chính sách nhất quán của họ”, TS Phước nhấn mạnh.

Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP.HCM lưu ý đến thời gian mà Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành kế hoạch đưa tàu Tuần Dương ra khu vực bãi cạn Scarborough. TS Phước cho rằng, đây là một thời điểm nhạy cảm mà Trung Quốc kỳ vọng có thể tạo thêm những bước tiến mới trong tham vọng “ độc chiếm  biển Đông” của nước này.

“Hội nghị G20 sẽ được tổ chức vào ngày 4-5/9 và Trung Quốc là quốc gia chủ nhà nên họ không muốn xới câu chuyện biển Đông, không muốn tạo ra hình ảnh xấu hơn nữa trong mắt của các quốc gia tham dự. Điểm thứ hai, hiện nay xã hội Mỹ đang dành sự quan tâm đặc biệt đến cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới hơn là quan tâm đến vấn đề biển Đông.

Trung Quốc đã lợi dụng thời điểm được cho là khá nhạy cảm này để thực hiện một số hành vi trái luật pháp quốc tế, chống lại phán quyết của Tòa trọng tài. Vì như tôi đã nói ở trên, vào thời điểm này Mỹ rất khó để có thể can thiệp một cách sát sao, hoặc có hành động nào đó đủ mạnh để gây sức ép đối với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough”, TS Phước nhận định.

Philippines khó chọn giải pháp gay gắt hơn

Đánh giá về phản ứng của Philippines, vị chuyên gia cho rằng, với chính sách của Tổng thống mới Rodrigo Duterte,  Manila chắc chắn sẽ không chọn giải pháp gay gắt hơn với Trung Quốc trước tuyên bố này.

“Nếu Trung Quốc thực hiện bất cứ hành động nào mà Philippines cho là tổn hại đến lợi ích của quốc gia này ở biển Đông, đặc biệt là ở bãi cạn Scarborough thì họ sẽ tiếp tục phản đối. Nhưng phản ứng gay gắt, căng thẳng hơn nữa với Trung Quốc thì tôi nghĩ là không, trừ trường hợp Trung Quốc tiến hành cải tạo nhằm biến bãi cạn Scarborough thành đảo nhân tạo.

Phân tích thêm hành động của Mỹ, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, ĐH Luật TP.HCM nhấn mạnh, do tập trung quá nhiều vào cuộc bầu cử Tổng thống trong nước nên Mỹ nhiều khả năng sẽ chọn cách gây áp lực bằng con đường ngoại giao.

“Với tình hình hiện nay, nếu có phản ứng, Mỹ sẽ tiến hành bằng con đường ngoại giao lên án, phê phán các hành vi trái phép của Trung Quốc. Hiện nay có một số thông tin cho rằng, Mỹ sẽ sử dụng những biện pháp mạnh tay hơn điều lực lượng hải quân đến bãi cạn Scarborough để ngăn cản các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực này.

Tôi cho rằng, điều này rất khó xảy ra vì hiện nay xã hội Mỹ đang dành sự quan tâm đặc biệt cho sự kiện bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới. Bên cạnh đó, hiện nước Mỹ vẫn đang có nhiều quan tâm lớn hơn trên thế giới như cuộc chiến chống IS ở Iraq, Syria, Lybia; xử lý mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, với Ukraine, đặc biệt là tình trạng bất ổn hiện nay ở Châu Âu trước sự “ra đi” của Anh và vấn đề chống khủng bố”, TS Phước thẳng thắn.

Khó kiện Trung Quốc phá hoại tài nguyên

Trước ý kiến của một số học giả quốc tế về việc Philippines và các nước trong khu vực ASEAN có thể tiếp tục đấu tranh bằng biện pháp pháp lý, ví dụ như kiện Trung Quốc về phá hoại tài nguyên, vị chuyên gia cho rằng điều này rất khó khả thi.

Theo TS Phước, câu chuyện đặt ra ở đây là muốn kiện thì các nước ASEAN phải có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Tức là kiện theo thủ tục nào? tại cơ quan tài phán nào, cơ quan tài phán quốc gia hay cơ quan tài phán quốc tế? Đánh giá các thiệt hại do hành vi xây dựng đảo và công trình nhân tạo của Trung Quốc gây ra như thế nào? Thiệt hại đối với môi trường biển nói chung, với các rạn san hô, nguồn lợi thủy hải sản…nói riêng như thế nào? Cơ quan nào sẽ thực hiện việc đánh giá này?…

“Theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, tại Điều 287 thì vào thời điểm phê chuẩn hoặc bất kỳ thời điểm nào sau đó, các quốc gia có thể chọn một trong bốn thủ tục tài phán là Tòa án công lý quốc tế, Tòa án quốc tế về luật biển, Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII và Trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII để giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng Công ước.

Theo quy định tại Phụ lục VIII, Trọng tài đặc biệt có chức năng tiến hành một cuộc điều tra và xác lập các sự kiện từ nguồn gốc vụ tranh chấp nhằm giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 về các lĩnh vực đánh bắt hải sản, bảo vệ giữ gìn môi trường, nghiên cứu khoa học biển, hàng hải (kể cả nạn ô nhiễm do các tàu thuyền hay do nhận chìm).

Nếu các bên tranh chấp yêu cầu, Tòa trọng tài đặc biệt có thể thảo ra các khuyến nghị. Các khuyến nghị của Trọng tài đặc biệt không có giá trị giải quyết tranh chấp mà chỉ là cơ sở để các bên tiến hành xem xét lại những vấn đề làm phát sinh tranh chấp.

Như vậy, về bản chất, Trọng tài đặc biệt chỉ có chức năng điều tra và xác lập các sự kiện từ nguồn gốc vụ tranh chấp liên quan đến đánh bắt hải sản, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển và hàng hải, kể cả nạn ô nhiễm do các tàu thuyền hay do nhận chìm chứ không thực sự là cơ quan có chức năng “giải quyết tranh chấp” như Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982.

Còn nếu đưa vụ tranh chấp này ra Tòa án công lý quốc tế thì hầu như không thể vì cơ chế này đòi hỏi phải có sự đồng thuận của các bên tranh chấp, và với Trung Quóc thì họ sẽ không bao giờ chấp nhận!

Như vậy, vấn đề bồi thường thiệt hại phải tìm một tòa án khác. Nhưng đó là tòa án nào? Cộng đồng quốc tế cũng không thể lập ra một tòa án để giải quyết việc đòi Trung Quốc bồi thường. Do vậy, các quốc gia phải tìm một tòa dân sự của quốc gia nào đó để khởi kiện đòi Trung Quốc phải bồi thường. Điều này là rất khó”. TS Phước nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng thừa nhận, việc đánh giá thiệt hại đối với các rạn san hô để đưa ra các yêu cầu về bồi thường cũng không hề đơn giản. Đặc biệt, các nước ASEAN không thể lấy trường hợp Philippines kiện đòi Mỹ bồi thường 1,97 triệu USD do tàu USS Guardian của nước này mắc cạn, phá hủy khoảng chừng 0,5 ha san hô để áp dụng với Trung Quốc.

“Bây giờ muốn tính thiệt hại tại các vùng biển trong khu vực các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thì cơ quan nào sẽ thẩm định, đánh giá. Thiệt hại là thiệt hại về cái gì, như thế nào chứ không thể đánh giá hoặc nói thiệt hại về môi trường chung chung được.

Còn việc đưa tàu thuyền đến khu vực này thì Trung Quốc đã làm cách đây 4 năm rồi. Thời điểm năm 2012, khi nước này chiếm bãi cạn Scarborough và sau đó họ đưa tàu đến Hải quân, Hải giám, Hải cảnh, Kiểm ngư…đến khu vực này để kiểm tra, giám sát, truy đuổi các tàu của nước ngoài, đặc biệt là của Philippines”, TS Phước phân tích.

Hơn nữa, vấn đề giữa Trung Quốc và các nước ASEAN hiện nay là những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ chưa giải quyết được. Cho nên bây giờ nói thiệt hại của quốc gia nào đó hay thiệt hại chung của cộng đồng quốc tế là rất khó”, TS Phước nhấn mạnh.

Thay đổi để tạo sự đồng thuận

Trước những khó khăn và thách thức trên, vị chuyên gia cho rằng đã đến lúc ASEAN phải thay đổi về phương thức và nguyên tắc hoạt động để tạo ra tính đồng thuận, gắn kết của các thành viên trong khối trước những tác động bên ngoài.

Theo TS Phước, từ hiến chương đến các văn bản, hiệp định, khuôn khổ hoạt động, ASEAN đều được vận hành trên nguyên tắc “đồng thuận”. Có nghĩa là các quyết định của ASEAN chỉ được thông qua, chỉ được quyết định khi 10/10 quốc gia thành viên đồng ý với quyết định đó.

Từ trước cho tới năm 2012 nguyên tắc này được áp dụng khá triệt để và hiệu quả. Tuy nhiên, năm 2012, xuất phát từ sự khác biệt quan điểm về vấn đề Biển Đông đã khiến AMM 45 (tổ chức tại Phnompenh, Campuchia), lần đầu tiên sau 45 năm hình thành và phát triển của ASEAN đã không đưa ra được Tuyên bố chung của hội nghị.

Tiếp đó, liên quan đến vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. Ngay từ đầu khi Philippines khởi kiện, Campuchia đã tuyên bố không quan tâm và luôn cho rằng đấy không phải là vấn đề chung của ASEAN mà là vấn đề riêng của các nước trong khối ASEAN với Trung Quốc. Cho đến khi Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12/7/2016, họ tiếp tục thể hiện quan điểm không ủng hộ phán quyết này.

“ Qua các sự kiện trên đã đặt ra cho ASEAN bài toán cần phải giải quyết một cách cấp bách là phải thay đổi phương thức ra các quyết định chung. Bởi vì, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, với sự can dự ngày càng sâu hơn về kinh tế, về ngoại giao của Trung Quốc đối với Campuchia thì tính thống nhất của ASEAN sẽ không được đảm bảo và vẫn luôn bị đặt trước những “thách thức và đe dọa” mới.

Vì vậy, theo quan điểm của tôi, ASEAN cần phải thay đổi nguyên tắc hoạt động của khối. Để làm được điều đó, ASEAN cần từ bỏ nguyên tắc đồng thuận hay tuyệt đối nhất trí. Có nghĩa là, trong những trường hợp cần thiết, chỉ cần sự ủng hộ của số đông các thành viên thì ASEAN có thể thông qua một quyết định. Bởi vì, nếu không làm như vậy thì ASEAN sẽ phải đối mặt với tình trạng tê liệt, “hữu danh vô thực” và bị Trung Quốc chia rẽ. Ngoài ra, điều đó cũng sẽ có hại cho các quốc gia thành viên ASEAN đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông.

Việc thứ hai là phải xem xét lại trách nhiệm của các quốc gia thành viên. Bởi vì, khi các quốc gia thành viên vẫn đặt lợi ích riêng trên lợi ích chung của khối thì trong tương lai, ASEAN sẽ rất khó để có được những quyết định chung, thể hiện quan điểm nhất quán của khối.

Thậm chí hiện nay đã có quan điểm cho rằng, nên xem xét lại tư cách thành viên của Campuchia tại ASEAN. Bởi lẽ, là một quốc gia thành viên thì Campuchia phải tuân thủ, phải đồng thuận với ASEAN để đưa ra những quyết định chung thể hiện tiếng nói, quan điểm chung của khối”.

RELATED ARTICLES

Tin mới