Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhản ứng lạ của Bộ Ngoại giao Campuchia về "facebooker Việt Nam"

Phản ứng lạ của Bộ Ngoại giao Campuchia về “facebooker Việt Nam”

Lòng biết ơn là một chuyện, nhưng lãnh đạo đất nước là người đứng đầu chính phủ, có nghĩa là không thể đi phục vụ lợi ích của quốc gia khác.

The Cambodia Daily ngày 29/8 đưa tin, Bộ Ngoại giao Campuchia hôm thứ Bảy đã có ý kiến phản ứng về việc một số facebooker “người Việt Nam” chỉ trích Thủ tướng Hun Sen xung quanh lập trường ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Tuyên bố có chữ ký của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry cho biết, các ý kiến nói rằng ông Hun Sen “phản bội Việt Nam” gây ra một sự bất mãn, ảnh hưởng đến nhân phẩm của ông Hun Sen và chủ quyền của Campuchia:

“Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia cực lực lên án hành động vô đạo đức của một nhóm người Việt như đã đề cập ở trên, nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của nhà lãnh đạo, cũng như nền độc lập, chủ quyền của Campuchia.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia kêu gọi chính phủ Việt Nam phải hành động trong việc điều tra, xác định những người đã thực hiện các hành vi vô đạo đức xúc phạm lãnh đạo Campuchia.

Cần phải trừng phạt nghiêm khắc những người này để bảo vệ danh dự và nhân phẩm của các nhà lãnh đạo Campuchia, cũng như bảo vệ quan hệ láng giềng hữu nghị Việt Nam – Campuchia.”

The Cambodia Daily dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Campuchia cho biết. Tờ báo đã liên lạc với ông Chum Sounry hôm Chủ Nhật nhưng không được. 

Tuy nhiên người phát ngôn đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền (CPP) Sok Eysan đưa ra một số bình luận đáng chú ý với tờ The Cambodia Daily.

Ông Sok Eysan nói rằng, bản tuyên bố này không phải là một lời quở trách đối với chính phủ Việt Nam, “quốc gia đã đánh đuổi Khmer Đỏ vào năm 1979 và đưa ông Hun Sen lên vị trí quyền lực vào năm 1985.”

“Lòng biết ơn là một chuyện, nhưng lãnh đạo đất nước là người đứng đầu chính phủ, có nghĩa là không thể đi phục vụ lợi ích của quốc gia khác. Đây là thể hiện rõ ràng để cho mọi người được biết.

Nó sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai nước, vì đây chỉ là biểu hiện của một nhóm nhỏ, một tế bào nhỏ không thể ảnh hưởng đến tất cả, khoảng 100 triệu người Việt.”

Nhắc lại phản ứng của ông Hun Sen với một người sử dụng Facebook có tên gọi Nguyen Van Tai hôm thứ Sáu, The Cambodia Daily viết:

“Đáp lại các ý kiến khác vào ngày thứ Bảy, ông Hun Sen – một người nói thông thạo tiếng Việt, đã trả lời bằng tiếng Anh và tiếng Khmer, nhắc lại lập trường của mình rằng:

Vấn đề Biển Đông không phải là việc của Campuchia và Việt Nam không phải ông chủ của  ông ấy.” [1]

Khmer Times ngày 29/8 thì cho biết, lần này 2 facebooker (được cho là) người Việt Nam chọc giận ông Hun Sen có tên là Nguyen Van Tai để lại ý kiến trên Facebook ông Hun Sen ngày 26/8, người kia là Bảo Lâm ngày 25/8.

Tờ báo này viết: “Campuchia đã góp phần một cách nhất quán vào việc ngăn chặn ASEAN ra bất kỳ tuyên bố nào về các hành vi (bành trướng) của Trung Quốc ở Biển Đông, bất chấp thực tế nhiều thành viên của khối có vấn đề với yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.” [2]

Phản ứng lạ của Bộ Ngoại giao Campuchia

Nhà bình luận chính trị người Campuchia, Ou Virak bình luận về động thái này của Bộ Ngoại giao Campuchia với đài RFA Khmer ngày 28/8, không thể lấy các thông tin từ mạng xã hội Facebook đưa vào các giao thiệp đối ngoại cấp quốc gia.

Theo ông, các chính trị gia Campuchia dường như đã quá nhạy cảm. Trong khi sự thể hiện của mỗi cá nhân trên mạng xã hội Facebook không có khuôn mẫu chung cho tất cả mọi người, nếu chủ tài khoản Facebook đó không thích ai thì có thể block (loại khỏi danh sách bạn bè) người đó khỏi trang của mình.

Đây cũng là điều người viết đã phân tích trong bài “Ông Hun Sen lại cố giải thích: “Tôi không phải con rối của Việt Nam””, không hiểu sao Bộ Ngoại giao Campuchia vẫn lên tiếng về những tranh cãi bình thường trên mạng xã hội, và chính trị hóa, lập trường hóa nó.

Người viết hoàn toàn chia sẻ với bình luận của ông Sok Eysan, người phát ngôn CPP được The Cambodia Daily dẫn lời rằng:

“Lòng biết ơn là một chuyện, nhưng lãnh đạo đất nước là người đứng đầu chính phủ, có nghĩa là không thể đi phục vụ lợi ích của quốc gia khác. Đây là thể hiện rõ ràng để cho mọi người được biết.”

Tuy nhiên ở đây cũng xin nói thêm, vấn đề bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông không phải lợi ích riêng của Việt Nam, mà là lợi ích chung của khu vực và thế giới.

Nhân đây người viết cũng xin khái quát vài nét thông tin, tránh để dư luận hiểu lầm rằng Việt Nam áp đặt hay can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước Chùa Tháp như tuyên truyền của Trung Quốc và một số nước, nhất là khi ông Sok Eysan chỉ nói vắn tắt: Việt Nam đưa Hun Sen lên vị trí quyền lực năm 1985.

Một là, Nhân Dân nhật báo Trung Quốc dẫn tài liệu lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng, ông Hun Sen năm 1970 gia nhập Khmer Đỏ, nhưng đến năm 1977 thì “chạy sang” Việt Nam và trở thành lãnh tụ quan trọng chống bọn diệt chủng Khmer Đỏ. [3]

Đáng chú ý, trong tài liệu này Trung Nam Hải gọi Khmer Đỏ là “tổ chức khủng bố chưa từng có” và đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã “tạo cơ hội” cho Khmer Đỏ trỗi dậy.

Hai là, ông Hun Sen đã kể lại bằng tiếng Việt trong buổi gặp mặt 700 cựu quân nhân và chuyên gia tình nguyện Việt Nam từng giúp Campuchia khi ông sang thăm Việt Nam năm 2013 rằng, tháng 10/1977 bộ đội Việt Nam tấn công Khmer Đỏ nhưng lại rút đi vào tháng 1/1978.

“Tôi đã khóc và tự hỏi tại sao Việt Nam đánh vào và rút về vậy. Đó thực sự là khó khăn đối với tôi, tôi đã rất buồn.”

Từ khởi đầu chỉ có 28 tiểu đoàn so với 23 sư đoàn của Pol Pot, ông Hun Sen nói rằng với lực lượng này phải mất ít nhất 5 năm hoặc lâu hơn mới có thể đánh đổ bọn diệt chủng. Lúc đó thì chẳng còn người dân Campuchia nào sống sót.

Ba là, ông Hun Sen đã nhấn mạnh, sau chiến tranh Campuchia đã tìm cho mình con đường riêng để phát triển đất nước, dù khác với Việt Nam nhưng Việt Nam đã tôn trọng độc lập, chủ quyền của Campuchia.

“Tôi thấy rất may vì điều đó. Anh Lê Đức Anh (nguyên Chủ tịch nước) đã khẳng định đồng chí Hun Sen làm kinh tế làm gì cứ làm. Đó là điều tôi cảm thấy rất vinh dự” – ông nói. [4]

Bốn là, Việt Nam là nước duy nhất giúp nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng.

Người dân, học sinh Campuchia chia tay bộ đội tình nguyện Việt Nam trở về nước sau khi hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn loại bỏ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Ảnh: China Digital Times.

Suốt quãng thời gian nhân dân Campuchia nằm trong cảnh nồi da xáo thịt của bè lũ Pol Pot, Liên Hợp Quốc và phương Tây khoanh tay đứng nhìn với lý do không can thiệp vào công việc nội bộ nước này.

Còn Trung Quốc thì sao? Kỳ 5 Tài liệu tham khảo Lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc đăng trên Nhân Dân nhật báo ngày 11/8/2010 viết:

“Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1975, Chu Ân Lai đang nằm viện vì bệnh nặng đã 3 lần hội kiến Pol Pot, ông dùng hết lẽ khuyên Pol Pot đừng làm như thế nữa, chủ nghĩa Cộng sản không thể thành tựu trong một sớm một chiều.

Còn Mao Trạch Đông thì lại tán thành Pol Pot: “Các anh làm được những việc chúng tôi muốn làm mà chưa làm được”, Pol Pot vì thế càng kiêu ngạo tuyên bố: Các nhà cách mạng toàn thế giới có thể học tập được rất nhiều kinh nghiệm từ Campuchia.” [3]

Cho đến nay Trung Quốc vẫn tuyên truyền xuyên tạc rằng Việt Nam “xâm lược” Campuchia. Tuy nhiên những người dân Trung Quốc có hiểu biết, có lương tri khi sang Campuchia đều thắc mắc: “Tại sao dân Campuchia lại biết ơn “kẻ xâm lược” Việt Nam đến thế?” [5]

Tri Du, một nhà nghiên cứu độc lập người Trung Quốc sau chuyến thăm Campuchia năm 2014 đã tìm ra câu trả lời: Việt Nam đã làm một điều chưa từng có tiền lệ, vượt ra ngoài khuôn khổ chủ quyền lãnh thổ, là chủ động can thiệp đưa quân sang Campuchia để chặn đứng chủ nghĩa diệt chủng Khmer Đỏ.

Người Campuchia cảm ơn Việt Nam vì điều này.

Sau khi xóa xong bọn diệt chủng, Việt Nam rút quân về nước và không áp đặt chế độ chính trị như của mình vào Campuchia. Đất nước Chùa Tháp sau đó đã đi theo con đường quân chủ lập hiến. [5]

Nhắc lại khái quát 4 điểm này, người viết hy vọng có thể cung cấp thêm một góc nhìn từ quá khứ đến hiện tại, tránh để quan hệ hữu nghị Việt Nam – Campuchia bị tổn thương vì những chuyện lặt vặt, nhất thời.

Người viết cũng hoàn toàn chia sẻ với quan điểm của ông Sok Eysan và Tiến sĩ Trần Công Trục rằng, Hun Sen ngày xưa khác, bây giờ khác. Quan hệ Việt Nam – Campuchia thời kháng chiến ngày trước khác, thời bình ngày nay khác.

Những ân tình trong quá khứ nên xem là bảo vật giữ nền tảng cho quan hệ hợp tác hữu nghị, hòa bình và cùng phát triển của hai nước láng giềng, thay vì một món nợ quá khứ phải đòi có vay có trả, hay rào cản của tương lai. 

Những tồn tại trong quan hệ hai nước do lịch sử để lại như vấn đề biên giới lãnh thổ cần được nhanh chóng giải quyết trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế mà hai bên đã xác định làm căn cứ giải quyết.

Lịch sử quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Campuchia cũng cần được tuyên truyền, giáo dục và phổ biến rộng rãi cho nhân dân hai nước, làm nền tảng tạo đà cho quan hệ tiếp tục phát triển trong hiện tại và tương lai.

Để làm được điều này cần có cái nhìn khách quan, toàn diện và xuyên suốt, ứng xử một cách nhân văn, đường hoàng theo chuẩn mực luật pháp và thông lệ quốc tế thời hiện đại.

Do đó thiết nghĩ những bình luận của Thủ tướng Hun Sen với một số facebooker mang danh người Việt và phản ứng của Bộ Ngoại giao Campuchia là điều không cần thiết, có thể tạo cớ cho các thế lực chính trị lợi dụng chống lại chính ông và CPP.

RELATED ARTICLES

Tin mới