Thursday, March 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiQuan hệ Nga – Mỹ thay đổi như thời tiết

Quan hệ Nga – Mỹ thay đổi như thời tiết

Trong 10 năm qua, mối quan hệ ngoại giao Nga – Mỹ đã liên tục rơi vào cảnh nóng lạnh bất thường. Theo thông tin tình báo mới nhất, quan hệ giữa hai nước hiện đã bước sang thời kỳ mới: băng tan.

Sau sóng gió căng thẳng, quan hệ ngoại giao Nga – Mỹ đang có dấu hiệu ấm dần.

Hết lạnh lại nóng

Theo tờ Business Insider, hồi tháng 3/2009, ngay sau khi chính quyền của Tổng thống Obama lên nắm quyền, bà Hillary Clinton giữ chức Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ, đã có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Geneva. Đây là cuộc gặp đầu tiên của bà Clinton với ông Lavrov kể từ khi bà giữ chức Ngoại trưởng Mỹ.

Quan hệ Moscow – Washington bắt đầu đóng băng kể từ sau sự kiện Nga tấn công Georgia hồi năm 2008, thời điểm chính quyền của Tổng thống George W. Bush nắm quyền. Tuy nhiên, sau khi được bầu làm Tổng thống Mỹ, ông Obama đã có bước đi chiến lược cải thiện quan hệ với Nga. Hành động minh chứng là bà Clinton đã tặng cho người đồng cấp Nga một nút bấm màu đỏ cỡ lớn với chữ “reset” (điều chỉnh) trên đó trong năm 2009 tại Geneva ,Thụy Sĩ. Đây là biểu tượng cho nguyện vọng điều chỉnh lại quan hệ căng thẳng giữa hai nước trong quá khứ. Điều đáng nói, người tạo ra chiếc nút đã dịch nhầm từ tiếng Anh sang tiếng Nga, chữ được dùng “Peregruzka” có nghĩa là “quá tải”. Ông Lavrov đã thẳng thắn chia sẻ với bà Clinton về sự cố này.

Kể từ năm 2009 – 2011, quan hệ Nga – Mỹ có dấu hiệu ấm dần hơn. Tuy nhiên tới năm 2012, quan hệ hai nước lại một lần nữa rơi vào vòng căng thẳng sau khi Mỹ có kế hoạch đặt hệ thống lá chắn tên lửa tại Ba Lan. Ngoài ra, trong cuộc bầu cử năm 2012, Tổng thống Obama tiếp tục tránh xa Nga bởi ông muốn có được sự ủng hộ từ các cử tri vốn mang tư tưởng chống Nga và một số nước Đông Âu.

Đáng nói, ông Obama vẫn muốn duy trì hoạt động trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội ký kết thỏa thuận ngoại giao với Nga. Điển hình vào ngày 26/3/2012, chỉ 7 tháng trước khi diễn ra bầu cử tại Mỹ, ông Obama đã bị camera ghi lại hình ảnh nói thầm với ông Medvedev (người giữ chức Tổng thống Nga lúc bấy giờ) về việc ông này sẽ “linh động hơn” trong quan hệ giữa hai nước sau cuộc bầu cử. Về phần mình, ông Medvedev cũng đã hứa chuyển lời tới ông Putin, người sau này trở thành Tổng thống Nga.

Quan hệ Nga – Mỹ chỉ lắng dịu chỉ được một thời gian ngắn vào đầu năm 2013 sau khi ông Obama tái đắc cử chiếc ghế Tổng thống Mỹ. Tới tháng 11/2013, hàng loạt cuộc biểu tình dữ dội bùng phát tại trung tâm thủ đô Kiev của Ukraine đòi lật đổ nhà lãnh đạo thân Nga Viktor Yanukovych. Đỉnh điểm là cuộc biểu tình ở quảng trường Maidan hồi tháng 2/2014 đã buộc ông Yanukovych và các thân tín chạy trốn sang Nga.

Tổng thống Putin nghi ngờ các cuộc biểu tình Maidan được cơ quan tình báo Anh MI6 và CIA của Mỹ bí mật ủng hộ tài chính. Do đó để bảo vệ lợi ích an ninh, ông Putin đã điều động quân lính tới bán đảo Crimea thậm chí nhiều nguồn tin cho rằng nhà lãnh đạo Nga còn chống lưng cho lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine để chống lại Kiev. Đáp lại, Mỹ và các đồng minh trong khối NATO áp đặt hàng loạt lệnh cấm vận kinh tế hà khắc với Nga.

Cụ thể, các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và NATO nhắm tới nhiều công ty lớn của Nga như Gazprom và Rosneft, đẩy họ rơi vào cảnh nợ nần trong khi đồng rúp rớt giá thảm hại.

Kể từ tháng 3/2014, đồng rúp của Nga bắt đầu xuống giá và chênh lệch lớn so với đồng USD khi rơi từ mức 28 lên 70 rúp đổi lấy 1 USD.

Không chỉ đồng nội tệ rớt giá, Nga còn phải chứng kiến thời kỳ giá dầu sụp giảm mạnh kể từ giữa năm 2014, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine. Vào giai đoạn căng thẳng nhất giữa năm 2015, giá dầu đã rơi xuống chỉ còn 40 USD/thùng và tới đầu năm 2016 còn 29 USD/thùng. Trong khi đó, Nga là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Ả Rập Xê-út song lại là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai chỉ sau Ả Rập Xê-út. Tình hình tài chính tồi tệ cũng đã đẩy Nga rơi xuống vị trí nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới.

Chưa dừng lại, đầu tháng Một năm nay, kinh tế Nga tiếp tục hứng chịu cú sốc thứ hai và thực sự rơi vào khủng hoảng khi đồng rúp rớt giá thảm hại xuống mức 81 rúp đổi được 1 USD.

Quan hệ ấm dần

Sau khi hứng chịu liên tiếp lệnh trừng phạt kinh tế và cấm vận, những dấu hiệu gần đây cho thấy quan hệ Nga – Mỹ đang bước sang thời kỳ tan băng. Kỷ nguyên mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước xuất hiện khi Tổng thống Obama và Putin xóa tan căng thẳng khi cùng quan tâm tới tình hình Syria và đồng tình để Tổng thống Bashar al-Assad “ra đi”.

Những dấu hiệu rõ nhất cho thấy quan hệ Nga – Mỹ được cải thiện là việc giá dầu đang lên dần từ mức 29 USD/thùng lên hơn 40 USD/thùng. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho nền kinh tế Nga.

Sau thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, Iran hiện đã được mở cửa giao thương với nhiều nước châu Âu. Tuy nhiên, nhiều công ty của Mỹ và châu Âu vẫn e dè đầu tư vào thị trường Iran bởi quy mô gỡ bỏ các lệnh trừng phạt vẫn chưa được rõ ràng. Điều này lại hoàn toàn trái ngược với Nga bởi Moscow đang đẩy mạnh các thỏa thuận hạt nhân, mua bán vũ khí, lọc dầu và xây dựng cơ sở hạ tầng với Tehran.

Ngoài ra, tình trạng đồng rúp mất giá thực chất lại giúp các công ty Nga cắt giảm và kiểm soát chi tiêu. Sự chênh lệch lớn giữa đồng USD và đồng rúp còn giúp các công ty Nga có thêm tiền để chi trả cho chi phí hoạt động trong nước.

Đáng nói lâu nay, Ngân hàng trung ương Nga đã đẩy mạnh mua vàng bằng nguồn dự trữ USD. Đây được xem là một chiến lược sáng suốt bởi Nga mua vàng đúng thời điểm đồng USD tăng giá còn giá vàng lại giảm rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm. Giờ đây khi đồng USD không còn giữ được mức chênh lớn với đồng rúp và giá vàng lại tăng cao, Nga đã có sẵn nguồn dự trữ vàng dồi dào.

Thực tế, khi đồng USD giảm giá, giá cả nhiều mặt hàng lại tăng lên. Trong đó phải kể đến Nga là một trong những ông lớn chuyên xuất khẩu nhiều nguồn nguyên liệu đắt đỏ như nickel, palladi, sắt và gỗ.

Còn hiện tại, các đồng minh lớn của Mỹ như Đức và Pháp cũng đã quá mệt mỏi với vòng xoáy áp đặt trừng phạt kinh tế Nga. Thay vào đó, họ đang tìm kiếm cơ hội quay trở lại bắt tay làm ăn với Moscow.

Nói tóm lại, theo Business Insider, tất cả các yếu tố từng chống lại Nga từ năm 2014 – 2016 như giá dầu giảm, đồng USD tăng mạnh, lệnh trừng phạt và giá cả hàng hóa xuống thấp, hiện lại đang đi vào quỹ đạo có lợi cho Nga.

RELATED ARTICLES

Tin mới