Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhông dễ bắt nạt Philippines

Không dễ bắt nạt Philippines

Thái độ “thắng không kiêu” của Philippines, thậm chí còn có phần nhún nhường trước Trung Quốc sau phán quyết của Tòa trọng tài, từng khiến nhiều người nghĩ đến viễn cảnh Manila sẽ chịu nhượng bộ, để đổi lấy cái bắt tay hòa hoãn với Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên, những diễn biến mới đây cho thấy, Philippines cũng không dễ bị “nắn gân” như vậy.

Tổng thống Philippines Rodrogi Duterte

“Tiền hậu bất nhất” hay “ném đá dò đường”?

Một trong những việc làm đầu tiên của ông Duterte sau khi nhậm chức Tổng thống Philippines là cử cựu Tổng thống Fidel Ramos – một người có mối quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh, làm đặc phái viên sang Hongkong đàm phán với các đại diện của Trung Quốc, trong đó có bà Phó Oánh, cựu Thứ trưởng Ngoại giao và hiện là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc.

Mặc dù toàn bộ nội dung chi tiết cuộc thảo luận này không được tiết lộ, nhưng qua trả lời phỏng vấn báo chí của ông Ramos, người ta có thể nắm được 3 lưu ý quan trọng:

Thứ nhất, tại Hongkong, phía Philippines không hề thảo luận với phía Trung Quốc về phán quyết ngày 12 – 7 của Tòa trọng tài;

Thứ hai, không có bên nào khẳng định chủ quyền của mình đối với khu vực tranh chấp ở Biển Đông như bãi cạn Scarborough và bãi Đá Vành Khăn;

Thứ ba, phía Philippines đã thảo luận việc khôi phục lại tình trạng trước năm 2012, khi ngư dân Trung Quốc, Philippines và cả ngư dân Việt Nam được tự do đến hoạt động ở vùng Scarborough. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã không cam kết gì mà chỉ đơn thuần ghi nhận đề xuất của phía Philippines mà thôi.

Chính những tiết lộ trên của ông Ramos đã khiến người ta không thể không hoài nghi khả năng Philippines đã khuất phục trước yêu sách của Trung Quốc. Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài, đồng thời yêu cầu Manila không được nhắc đến nó trong các cuộc đàm phán song phương trong tương lai.

Do đó, nhiều người đã nghĩ đến viễn cảnh, sau cuộc thảo luận ở Hongkong, Trung – Phi sẽ có nhiều cuộc đàm phán chính thức và không chính thức về Biển Đông tiếp theo. Manila có thể tự từ bỏ lợi thế mà họ đã chật vật giành được sau hơn 3 năm theo kiện ở Tòa trọng tài, để đổi lấy cái bắt tay hòa hoãn với Bắc Kinh ở Biển Đông.

Viễn cảnh ấy một lần nữa lại hiện rõ mồn một vào ngày 23 – 8 khi Tổng thống Duterte nói rằng, ông chờ đợi cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông sẽ diễn ra trong năm nay. Lãnh đạo Philippines còn nói nước này không có ý định nêu phán quyết ngày 12 – 7 của Tòa trọng tài về vụ kiện Philippines – Trung Quốc, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 9 tại Vientiane, Lào. Thậm chí, ông Duterte còn phát biểu chốt hạ “Nếu đàm phán chính thức giữa Philippines với Trung Quốc thất bại thì chúng tôi biết đi về đâu?” đầy ngao ngán.

Tuy nhiên đến ngày 24 – 8, Tổng thống Philipines bất ngờ cảnh báo Trung Quốc rằng “máu sẽ đổ” nếu Bắc Kinh toan tính xâm phạm chủ quyền của nước ông bằng vũ lực.

Hai ngày sau đó, tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Bộ tư lệnh Miền Đông Mindanao, tại thành phố Davao, miền nam Philippines, ông Duterte tiếp tục gây “sốc” khi khẳng định Philippines sẽ dựa theo phán quyết của Tòa trọng tài trong mọi cuộc đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông. Quan điểm trên của ông cũng được nhấn mạnh trong cuộc hội đàm nhiều giờ với Đại sứ Trung Quốc tại Philippine Triệu Kiến Hoa.

Ở một khía cạnh nào đó, có thể thấy, những phát ngôn về Biển Đông và mối quan hệ với Trung Quốc của Tổng thống Philippines Duterte không nhất quán, nếu không muốn nói là “tiền hậu bất nhất”. Nhưng thực tế, nếu quan sát cẩn thận, thì lại thấy, lời nói của ông Duterte khi mềm mỏng, khi cứng rắn, nhưng vẫn thống nhất.

Quan điểm chủ đạo của ông Duterte vẫn là cố gắng đàm phán hòa bình với Trung Quốc trong giới hạn có thể.

Manila có thể “chiều” theo ý Bắc Kinh, không chủ động nêu phán quyết của Tòa trọng tài tại các diễn đàn quốc tế.

Manila cũng có thể không đưa câu chuyện này vào các cuộc đàm phán không chính thức, còn goi là ngoại giao kênh 2, chủ yếu là giữa các viện nghiên cứu chiến lược, nhằm thúc đẩy đối thoại trên những vấn đề tranh chấp mà ngoại giao chính phủ chưa thể giải quyết được.

Tuy nhiên, một khi đã đàm phán chính thức thì Manila “sẽ không đi đâu khỏi 4 góc của tờ phán quyết này”. Philippines cũng sẽ sẵn sàng chiến đấu nếu đàm phán hòa bình thất bại. Những động thái của Manila vừa qua chẳng qua chỉ để “ném đá dò đường”, thử phản ứng của Bắc Kinh.

Philippines không bất lực

Trong lúc thể hiện quan điểm của Chính phủ Philippines trong vấn đề Biển Đông vẫn còn gây tranh cãi, thì Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio đã làm rõ ra những gì Manila có thể làm để khẳng định quyền của nước này trên Biển Đông, một khi Trung Quốc tiếp tục cố tình xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Trong một bài giảng tại Đại học Luật Philippines ở Diliman, thành phố Quezon cuối tuần qua, ông Carpio – người từng đóng vai trò quan trọng trong vụ kiện trọng tài Philippines – Trung Quốc cho biết, Philippines có thể yêu cầu Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế và các ủy ban có thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc để hủy bỏ quyền của Trung Quốc đối với vùng đáy biển, nếu Bắc Kinh tiếp tục bỏ qua các phán quyết của Tòa trọng tài.

Ngoài ra, Philippines có thể kiện Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải trả giá cho các hành vi phá hoại môi trường biển ở Biển Đông. Philippines cũng có thể kiện Trung Quốc, nếu Bắc Kinh mang một giàn khoan khí đến Bãi Cỏ Rong.

Theo ông Carpio, Philippines chưa cần phải làm những điều này ngay nhưng cũng cần phải cho Trung Quốc biết là Manila không bất lực và luôn sẵn sàng có những biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới