Friday, March 29, 2024
Trang chủĐàm luậnHọc giả TQ: "Kết quả trọng tài" không phải giấy lộn

Học giả TQ: “Kết quả trọng tài” không phải giấy lộn

Trong hai ngày 4 và 5/8, ông Lý Lệnh Hoa, Nghiên cứu viên Viện Hải dương Nhà nước Trung Quốc đã liên tục viết hai bài đăng trên blog thuộc một trang mạng chính thức của Trung Quốc kêu gọi nước này nên thỏa hiệp với ASEAN, cùng nhau tuân thủ Phán quyết của Tòa Trọng tài tại The Hague . 

BDN xin tóm lược nội dung hai bài viết.

Theo học giả Lý Lệnh Hoa: Ngày 25/7, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc họp tại Viêng-chăn (Lào) đã ra Tuyên bố chung, phát đi một tín hiệu tốt lành. Bản Tuyên bố vạch rõ: Các bên cam kết tự kiềm chế, không có những hành động mở rộng và làm phức tạp hóa cuộc tranh chấp ở Biển Đông (nguyên văn tiếng TQ: Nam Hải), kể cả việc không đưa người đến cư trú tại các đảo, đá, bãi cạn hiện không có người ở, và dùng phương thức xây dựng để giải quyết bất đồng với nhau.

Đây rõ ràng là một tín hiệu quan trọng cho thấy sau khi Tòa Trọng tài công bố phán quyết, sự đối kháng giữa các nước ở Biển Đông đã xuất hiện tình hình bớt căng thẳng.

Tín hiệu này rất đáng được hoan nghênh. Tranh chấp Biển Đông đã kéo dài mấy chục năm nay. Xu hướng phát triển chỉ có thể là các bên bình tĩnh lại, dựa vào Công ước Luật biển của Liên hợp quốc UNCLOS và các luật pháp quốc tế, dùng nguyên tắc pháp lý để giải quyết bất đồng, qua đó biến Biển Đông thực sự trở thành biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Các bên cam kết tự kiềm chế, không có những hành động mở rộng và làm phức tạp hóa tranh chấp – đây là điều lòng người hướng tới. Môi trường chính trị của Biển Đông cần phải được ổn định, tài nguyên biển cần được bảo vệ, nền kinh tế của các nước Biển Đông cần được phát triển và phồn vinh.

Mọi người đều biết, ngoài Indonesia ra, các nước xung quanh Biển Đông đều có kiểm soát một số đảo và phần lớn có đóng quân trên đó. Việc các nước cam kết không đưa người đến cư trú tại các đảo, đá, bãi cạn hiện không có người ở, rõ ràng có nghĩa là họ thừa nhận tính chất hợp lý của hiện trạng Biển Đông, chứ không yêu cầu nước nào phải từ bỏ những địa điểm họ đã chiếm giữ. Bình luận như vậy là khách quan, hiện thực.

Ngày nay, trong nền kinh tế toàn cầu hóa, nếu cứ phiến diện nhấn mạnh chủ quyền lãnh thổ biển đảo thì e rằng hòa bình, ổn định và phát triển Biển Đông chỉ là câu nói sáo rỗng. Về vấn đề biển đảo, các nước liên quan nên đề xướng “cùng hưởng thụ, chống độc chiếm”, cùng xây dựng vùng biển tốt lành. Đây tuyệt đối không phải là ý nghĩ ấu trĩ hoặc theo chủ nghĩa lý tưởng, mà là một vấn đề rất có ý nghĩa thực tiễn.

Thực ra việc giải quyết vấn đề Biển Đông không phức tạp, cũng không phải như một số chuyên gia học giả Trung Quốc nào đó nói cần đánh trận nước bọt lâu dài. Cách đây không lâu, sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, một số quan chức Trung Quốc còn thề kiên quyết giữ vững “lằn ranh giới lãnh thổ cuối cùng”. Nhưng giờ đây Trung Quốc và các nước ASEAN đã nhanh chóng có sự thỏa hiệp lý trí trên vấn đề xử lý các đảo ở Biển Đông, đây dường như là một sự kiện mọi người chưa nghĩ đến.

Điều đó cho thấy, việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông cần nhiều bên tham gia. Có thể khẳng định, việc Hội nghị nói trên ra được Tuyên bố chung là kết quả của sự kiện các Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia ngồi lại cùng bàn bạc với nhau. Từ lâu người viết bài này (Lý Lệnh Hoa) đã nói đàm phán song phương không thể giải quyết được vấn đề Biển Đông. Dĩ nhiên việc giải quyết biển Hoa Đông (vùng biển phía Đông Trung Quốc, tức phía Nhật Bản) cũng vậy.

Trung Quốc là một nước lớn ở Biển Đông, có tầm quan trọng trong vùng. Trung Quốc đã ký Công ước UNCLOS năm 1982 thì phải dựa vào yêu cầu của Công ước này để phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm đại lục. Các quan chức và học giả Trung Quốc đều cần phải tỉnh táo nhận thức rằng đường lịch sử Biển Đông (tức “Đường 9 đoạn”) vi phạm tinh thần và quy định trong lời văn của Công ước. Nó là một đường đứt rời (còn gọi là đường ảo; nguyên văn hư tuyến), không phù hợp quy tắc quốc tế nói đường ranh giới chính thức lục địa và biển phải là đường liền – còn gọi là đường thực; nguyên văn thực tuyến.

Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Biển Đông tại The Hague phủ định “Đường 9 đoạn” là việc hợp lý lẽ. Nếu suy nghĩ nghiêm chỉnh, chúng ta (tức người TQ) sẽ rút ra được kết luận như sau:

Lời văn Công ước UNCLOS nhất trí về nội dung với “Kết quả trọng tài” (tức Phán quyết của Tòa Trọng tài). Chỉ có điều “Kết quả trọng tài” diễn đạt xác thiết hơn, nghiêm chỉnh chặt chẽ và cụ thể hơn. Nó có tác dụng chuẩn hóa (nguyên văn quy phạm) và xúc tiến đối với tất cả các nước ven biển trong việc xử lý và phán đoán địa vật biển và tiếp đó là việc phân định ranh giới trên biển. 

Vì thế “Kết quả trọng tài” tuyệt đối không phải là một tờ giấy lộn, như Trung Quốc tuyên bố; tất cả các nước có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, kể cả Trung Quốc, dứt khoát phải tôn trọng và tuân theo “Kết quả trọng tài” này.

RELATED ARTICLES

Tin mới