Thursday, April 18, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ đã dọa dẫm TQ khi chưa sẵn sàng đối đầu ở...

Mỹ đã dọa dẫm TQ khi chưa sẵn sàng đối đầu ở Biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 7/9: Giáo sư người Australia nhận định trước khi đe dọa dùng vũ lực với Trung Quốc trên Biển Đông, giới chức Mỹ nên tự hỏi họ có nên đánh đổi địa vị thống trị ở châu Á với cái giá phải trả khi xung đột trực tiếp với Bắc Kinh.

Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN ngay trước thềm cuộc họp song phương với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở thành phố Hàng Châu, Tổng thống Barack Obama cũng đã lên tiếng chỉ trích hành động Bắc Kinh “gồng cơ bắp” với các quốc gia có cùng chủ quyền trên Biển Đông. 

“Trong một vài vụ việc trên Biển Đông và chính sách kinh tế, chúng tôi chắc chắn Bắc Kinh đã vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng tôi muốn nhắc Trung Quốc rằng họ sẽ phải đối mặt với hậu quả”, Tổng thống Obama chia sẻ với CNN.

Cũng theo ông Obama, phán quyết hồi tháng Bảy của Tòa trọng tài quốc tế phủ nhận tuyên bố chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông, không thể làm thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực như Washington mong đợi. Bởi không chỉ việc Trung Quốc phủ nhận phán quyết của Tòa trọng tài mà nhiều quốc gia có cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cũng không dám hy sinh mối quan hệ với Bắc Kinh. 

Cụ thể, Indonesia nhanh chóng đón nhận khoản đầu tư phát triển trị giá 100 triệu USD của Trung Quốc. Singapore thì mong muốn tăng cường hợp tác với Bắc Kinh trong lĩnh vực ngân hàng và đường sắt cao tốc. Đây là lý do ông Jonathan Holslag tại Đại học Tự do Brussels nhận định phán quyết của Tòa trọng tài hồi tháng Bảy là “một thí dụ điển hình cho những hạn chế của Tòa quốc tế”. 

Ngoài ra, khác với người tiền nhiệm Benigno Aquino III, Tổng thống Philippines đương nhiệm Rodrigo Duerte cũng có những lời lẽ và động thái nhẹ nhàng hơn với Trung Quốc. Chính cựu Tổng thống Aquino là người đã gửi đơn kiện phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông lên Tòa trọng tài quốc tế ở Hague, Hà Lan hồi năm 2013. 

Trong khi đó, các cuộc tuần tra nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải trên Biển Đông mà Mỹ tiến hành trong thời gian qua, cũng chưa đủ sức chọc tức để Trung Quốc đưa ra phản ứng. Vậy Mỹ phải làm gì để duy trì vị thế lãnh đạo trong khu vực?

Sputnik dẫn lời Giáo sư Hugh White tại Đại học Quốc gia Australia cho biết câu hỏi trên được đưa ra từ cách đây vài tháng sau khi Washington cảnh báo bằng cả lời nói và hành động cho rằng Mỹ sẵn sàng dùng vũ lực để ngăn chặn Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông. Ông White cũng đặt ra câu hỏi liệu tuyên bố cảnh báo “Trung Quốc sẽ lĩnh hậu quả do có hành động hung hăng trên Biển Đông” của Tổng thống Obama có đồng nghĩa với việc Mỹ sẵn sàng chiến tranh với Trung Quốc để bảo vệ vị thế số 1 tại châu Á? 

Tuy nhiên, Giáo sư White cho rằng trước khi đưa ra lời cảnh báo với Bắc Kinh, giới lập pháp Mỹ nên cân nhắc cái được và mất bởi sẽ “không thể có một cuộc chiến nhanh gọn, ít chi phí và chiến thắng hoành tráng” cho Washington nếu không may xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ – Trung Quốc. Thậm chí, cuộc xung đột này còn đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào cảnh thảm hại hơn cả cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. 

Ông White cũng đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có thể duy trì được an ninh và thịnh vượng trong nước mà không cần giữ vị thế số 1 tại châu Á và vị thế này có đáng để Washington chiến tranh với Trung Quốc? 

Nhưng trên hết theo Giáo sư White, Mỹ nên cẩn trọng khi đưa ra lời cảnh báo với Trung Quốc về việc sẵn sàng sử dụng vũ lực trên Biển Đông. 

“Nếu không sẵn sàng gây chiến, Mỹ nên ngừng đưa ra lời lừa gạt. Còn nếu sẵn sàng tham chiến, Mỹ nên nói rõ để Trung Quốc không còn nghi hoặc. Bởi sự mơ hồ hiện nay trong cách giải quyết của Mỹ đang tạo ra tình thế nguy hiểm nhất”, ông White nhận định. 

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh thị trường truyền thông thế giới. Sputnik sẽ chính thức thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.

RELATED ARTICLES

Tin mới