Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngViệt Nam nghĩ gì về Điện Hạt nhân TQ ở gần biên?

Việt Nam nghĩ gì về Điện Hạt nhân TQ ở gần biên?

Các cơ quan chuyên môn đang tiến hành xây dựng hệ thống quan trắc môi trường để kiểm soát việc rò rỉ chất phóng xạ.

Hiện trường xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Trường Giang trên bờ biển của tỉnh đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Lo lắng về các sự cố rò rỉ phóng xạ khi vận hành là đúng

Hiện nay, Trung Quốc đang tiến hành xây dựng 1 loạt các lò phản ứng năng lượng công suất lớn cách xa HN khoảng 300km.

Cùng với đó số nhà máy ĐHN năm 2016, được xây dựng gần khu vực VN cũng tăng lên, đã có 1 số nhà máy đi vào hoạt động, như Phòng Thành cách Móng Cái 60km, nhà máy Xương Giang ở đảo hải Nam. Mục tiêu của Trung Quốc là tăng năng suất năng lượng hạt nhân lên 40GW vào năm 2020.

Trước thực tế trên, trao đổi với chúng tôi, ngày 7/9, PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, Viện phó Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho biết: “Thực sự rất khó để đưa ra quan điểm cụ thể về vấn đề trên. Bỡi lẽ nếu nói không ảnh hưởng cũng không đúng, mà nếu nói ảnh hưởng thì lại gây cho dư luận sự hoang mang”.

Vị chuyên gia dẫn chứng, như Hàn Quốc, Nhật Bản vận hành nhà máy ĐHN từ những năm 1970 đến nay. Điều tất yếu là nước nào có biển thì đều xây nhà máy ĐHN gần biển, vì đó là nguồn nước phong phú nhất để làm mát lò phản ứng.

Về sự cố, Nhật Bản, hiện có hơn 50 nhà máy ĐHN nằm gần biển, chỉ có duy nhất một lần xảy ra sự cố tại nhà máy Fukushima.

”Việc lo lắng về các sự cố khi vận hành là đúng, nhưng nếu làm theo đúng thiết kế sẽ không nguy hại, hoặc không vượt mức cho phép thì cũng không ảnh hưởng môi trường.

Khi đã xảy ra sự cố thì chắc chắn là có ảnh hưởng, vì thế phải có tầm quan sát để phát hiện sớm nhất việc vận hành có bất thường” – ông Điền nói.

Đồng tình, một lãnh đạo khác của Viện năng lượng nguyên tử chia sẻ với chúng tôi: “Trung Quốc xây dựng gần biên giới Việt Nam thì đó là quyền của họ, chúng ta không thể can thiệp.

Hiện nay, mọi người sợ và lo lắng nhiều về ĐHN âu cũng chỉ bởi vì nó minh bạch quá, cái gì xảy ra đều được công chúng theo dõi, nên lại càng lo ngại. Nhưng tôi xin khẳng định rằng, nếu xảy ra sự cố thì nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới, không riêng gì Trung Quốc hay Việt Nam.

Xác suất xảy ra sự cố hoàn toàn có, nhưng nước tiến hành làm sẽ phải cẩn thận để tránh tối đa sự cố xảy ra. Yêu cầu của các nhà máy ĐHN là khi tiến hành xây dựng nhà máy, phải có phân tích, dự báo, lên kế hoạch để xử lý, nếu có sự cố xảy ra.

Nhà máy ĐHN nào cũng có kế hoạch dự phòng, tính toán khả năng xảy ra sự cố, theo Luật là phải đưa ra phương án nếu xảy ra thì như thế nào, tôi cũng không nghĩ khả năng xảy ra sự cố cao.

Mặc dù công nghệ của Trung Quốc tôi không tin tưởng bằng công nghệ của các nước khác, tuy nhiên, nước nào cũng phải tuân thủ yêu cầu, quy định quốc tế về yếu tố đảm bảo an toàn”.

Những nguy cơ có thể xảy ra

Năm 2010, các chuyên gia đã từng cảnh báo, Trung Quốc đã, đang và sẽ xây dựng 50-60 nhà máy điện hạt nhân, tập trung nhiều nhất ở tỉnh Quảng Đông, Phong Thành. Điểm nguy hại nhất đó là về mùa đông chất phóng xạ phát ra từ nhà máy điện hạt nhân sẽ đi theo con đường xuống phía Nam (chính là Việt Nam) nhiều hơn là vào lục địa Trung Quốc.

Hơn nữa, các chất phóng xạ rơi lắng xuống đất, xuống biển, tích tụ lại, ảnh hưởng chuỗi thức ăn cho con người và động thực vật, 1 năm không đáng kể nhưng chục năm sẽ là đáng lo, vì có chất sau 30 năm mới tự phân rả một nửa.

Trước những cảnh báo trên, vị lãnh đạo Viện năng lượng nguyên tử cho rằng, những khả năng, những nguy cơ trên, xác xuất có thể xảy ra là có, nhưng rất nhỏ, tất nhiên chúng ta vẫn phải đề phòng. Đồng thời, phải lên phương án ứng phó với các sự cố sẽ xảy ra, có thể xảy ra dù ở mức độ nhỏ nhất.

“Chất phóng xạ có rất nhiều, dễ tan theo dạng bụi bay vào không khí, bay đi sang nước khác và khi có sự cố xảy ra tỷ lệ chất phóng xạ cao hơn mức bình thường.

Con người hàng ngày vẫn nhận phóng xạ từ tự nhiên, đi lên máy bay hay đi chụp X-quang tại bệnh viện. Điều này có nghĩa phóng xạ sống chung với con người, nhưng nếu cao hơn mức bình thường, quy định thì phải đề phòng. Nhưng những chất phóng xạ lâu ngày mới tan rã thì chủ yếu tồn dư trong nhà máy, ít khi phát tán ra ngoài.

Không thể phủ nhận chất thải phóng xạ ảnh hưởng sức khỏe rất cao, những người trực tiếp cứu hỏa trong sự cố tỷ lệ tử vong cao, có người chết ngay, có người chết sau đó. Tuy nhiên, đến nay, con số người chết vì phóng xạ mới chỉ hơn 60 người với hơn 30 năm đưa vào vận hành.

”Cho nên, bản thân tôi, tôi không cảm nhận được phóng xạ nguy hiểm hơn sự độc hại của an toàn thực phẩm đang phải hứng chịu hàng ngày, vì người dân không biết phóng xạ nằm đâu, có ảnh hưởng đến mình hay không, còn thức ăn, ăn vào biết là bệnh, là nguy hại nhưng vẫn phải ăn, thế mới là điều đáng nói”, vị lãnh đạo trên nói thẳng.

Việt Nam đã và đang làm gì?

Trước đây, các chuyên gia cũng từng đã chỉ ra cách để VN phòng tránh các sự cố từ nhà máy ĐHN Trung Quốc. Cụ thể: phải xây dựng nghiêm túc hệ thống ứng phó khẩn cấp quốc gia để không bị động trong trường hợp xảy ra sự cố; phải xây dựng nghiêm túc hệ thống quan trắc phóng xạ môi trường để theo dõi thường xuyên, nhất là miền Bắc; mời Trung Quốc ngồi lại thương thảo về tác động các nhà máy ĐHN của họ đối với nước ta.

Tính cho đến nay, nói về những việc Việt Nam đã làm được, vị lãnh đạo trên cho biết: “Viện năng lượng nguyên tử đang xây dựng mạng lưới quan trắc phóng xạ ở các địa phương trên cả nước, có thể cảnh báo được nếu xảy ra sự cố.

Chúng tôi đang đưa ra phương án tối ưu làm nhanh nhất có thể, nhưng vẫn hiệu quả, đỡ tốn kinh phí nhất, tránh hiện tượng tràn lan. Sau đó, đưa ra mô hình tính toán, đo được số liệu, dự báo thì sẽ tìm các điểm quan trọng nhất có thể dự báo chung được đặt các trạm quan trắc.

Theo kế hoạch đặt ra, từ nay đến năm 2020, trạm quan trắc sẽ bắt đầu hoạt động rồi tiếp tục bổ sung thêm. Nếu có rỏ rỉ phóng xạ nào đó chúng ta sẽ nhận biết được ngay.

Việc quan trọng tiếp theo đó là đào tạo đội ngũ hiểu rõ về các mức độ rò rỉ để nắm bắt được và đưa ra nhận định, giải pháp xử lý”.

Riêng với Trung Quốc, theo vị lãnh đạo trên, chúng ta chỉ mời họ tăng cường hợp tác quốc tế, hai bên nâng cao năng lực cùng nhau, cùng tính toán kịch bản trong trường hợp xấu xảy ra, vì công nghệ hạt nhân của TQ và các nước khác là khác nhau, nên cách xử lý cũng hoàn toàn khác nhau.

Ngay như tại Việt Nam, chúng ta vẫn giữ chất phóng xạ ở Đà Lạt, xử lý rồi cô đặc, tích lại, bê tông hóa trong thùng xi măng, hoàn toàn không ảnh hưởng. Nghĩa là, chất phóng xạ nếu xử lý tốt sẽ không sao, không ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.

Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Nhị Điền cho biết: “VN đang chuẩn bị và trình các cấp xem xét việc xây dựng hệ thống quan trắc môi trường, cảnh báo rò rỉ phóng xạ, còn xử lý sự cố thì vẫn thực hiện theo Thông tư 25 năm 2014”.

RELATED ARTICLES

Tin mới