Thursday, April 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiLiệu Nga có thể ngăn chặn hạt nhân của Triều Tiên?

Liệu Nga có thể ngăn chặn hạt nhân của Triều Tiên?

Trên thực tế, Nga không có sức ảnh hưởng với Triều Tiên nhưng Moscow lại đang sở hữu những kênh liên lạc thông tin cấp cao với Bình Nhưỡng.

Phản ứng của nhà lãnh đạo Triều Tiên và các quan chức quân đội sau một cuộc phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa đất đối
đất Hwasong-10 trong một bức ảnh không đề ngày tháng, được cung cấp bởi hãng thống tấn Triều Tiên KCNA. (Ảnh: Reuters)

Các chuyên gia châu Á tại Nga cho biết Moscow, không giống như Bắc Kinh, trên thực tế không có ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, họ tin rằng Nga nên sử dụng những kênh liên lạc với lãnh đạo Triều Tiên nhằm mang lại một sự thỏa hiệp.

Sáng ngày 9/9, Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ năm và là cuộc thử nghiệm lớn nhất từ trước tới nay của Bình Nhưỡng. Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) và Trung tâm Địa chấn Trung Quốc đã ghi nhận một trận động đất mạnh ở khu vực mà Triều Tiên thường sử dụng để thử nghiệm hạt nhân. Sau đó, Bình Nhưỡng đã chính thức lên tiếng xác nhận về cuộc thử nghiệm này.

“Đó không phải điều bất ngờ, bởi lãnh đạo Triều Tiên nói rằng họ sẽ tiến hành các cuộc thử nghiệm như một phần trong chương trình dài hạn của nước này”, Valery Sukhinin, cựu Đại sứ Nga tại Triều Tiên nói trên tờ RBTH. 

Tuần trước, tại Vladivostok (Nga), Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye đã có hai bài phát biểu trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông, tập trung vào chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bà nhấn mạnh rằng chương trình hạt nhân Triều Tiên là mối đe dọa chính đối với các nền kinh tế khu vực Đông Á.

Đáp lại bài phát biểu trên của bà Park Geun-Hye, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng Moscow sẽ giữ các kênh thông tin liên lạc với lãnh đạo Triều Tiên và Nga sẽ giúp bình thường hóa tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Các chuyên gia đồng ý rằng Nga đang có những kênh liên lạc cấp cao đối với Triều Tiên. Theo ông Sukhinin, đó là những kênh ngoại giao quan trọng, gồm đại sứ quán Nga ở Bình Nhưỡng và đại sứ quán Bình Nhưỡng ở Moscow. Đặc biệt, gần đây, một số quan chức “cấp phó bộ trưởng” đã được tham dự buổi tiếp đãi của Triều Tiên tại Moscow, ông Sukhinin nói thêm.

“Tuy nhiên, dù có những kênh liên lạc này, Moscow vẫn không thể ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển những chương trình mới hay thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un hợp tác nhiều hơn với cộng đồng quốc tế”, Alexander Gabuev, Chủ tịch Chương trình Châu Á – Thái Bình Dương của Nga tại Trung tâm Carnegie Moscow, nhận định.

“Không giống như Trung Quốc, Nga không có đòn bẩy kinh tế gây ảnh hưởng tới Triều Tiên và Nga khó có thể áp đặt sức ảnh hưởng với Triều Tiên nhằm giải quyết đề này”, Gabuev nói thêm.

George Toloraya, Giám đốc khu vực Đông Á của Viện Kinh tế thuộc Đại học Khoa học Nga cũng đồng ý rằng những áp lực kinh tế hoàn toàn không có tác dụng với Bình Nhưỡng.

“Triều Tiên đã tự đặt mình vào một vị trí mà nước này không thể bị ảnh hưởng (về mặt kinh tế, trừng phạt ngoại giao)”, trừ khi các quốc gia khác sử dụng vũ lực đối với Bình Nhưỡng, ông nhận định.

“Triều Tiên sẽ tiếp tục tăng cường nghiên cứu về tên lửa hạt nhân. Điều này được thực hiện từ quan điểm an ninh của họ và nhằm củng cố vị thế đàm phán của Bình Nhưỡng, bởi Kim Jong-un đang đợi “người Mỹ cầu xin” họ đồng ý đàm phán”, Toloraya nói.

Sukhinin nói rằng Bình Nhưỡng đã từng tuyên bố rằng họ chỉ ngừng phát triển chương trình hạt nhân nếu có giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu.

“Tôi tin rằng chúng ta cần thỏa hiệp, chúng ta cần giải pháp mang tính xây dựng và những bước đi có lợi cho các bên. Chúng ta cần phải tìm hiểu những gì thực sự khiến Bình Nhưỡng băn khoăn và tại sao họ làm điều đó. Đặc biệt, cách đây không lâu, Triều Tiên đã từng đề nghị rằng nếu Mỹ và Hàn Quốc hủy bỏ các cuộc tập trận quân sự chung thì Bình Nhưỡng sẽ ngừng thử nghiệm hạt nhân. Cần phải tìm giải pháp trên bàn đàm phán”, chuyên gia Sukhinin kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới