Saturday, April 20, 2024
Trang chủĐàm luậnBiển đông và những vấn đề nóng bỏng (Kỳ II)

Biển đông và những vấn đề nóng bỏng (Kỳ II)

Mới đây, Tổng thống Philippines tiết lộ lực lượng cảnh sát biển nước này đã quan sát thấy các xà lan của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough dường như là để chuẩn bị cho một quá trình xây dựng mới ở đó, theo tin từ Fox News. Sau đó, ngày 3/9, tờ Manila Times đưa tin, trong bài phát biểu tại lễ khánh thành cảng quốc tế Davao tại Davao del Norte, liên quan đến việc nhiều khả năng Trung Quốc sẽ xây các cấu trúc mới ở Scarborough, ông Duterte đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc không tiếp tục các hành động cải tạo, nhấn mạnh Biển Đông có thể là “một điểm nóng tiềm tàng” và việc xây dựng quân sự ở khu vực có thể cản trở thương mại thế giới. Ngoại trưởng Yasay đặc biệt lên tiếng yêu cầu Trung Quốc kiềm chế không tiến hành cải tạo trên bãi cạn Scarborough cũng như chấm dứt các hành động gây hấn trên Biển Đông trước khi đồng ý tiến hành các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc xuất hiện ở bãi cạn Scarborough

Cũng liên quan đến Phán quyết Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông, theo Reuters đưa tin, sau các cuộc đối thoại về an ninh trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 31/8 đã kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ Phán quyết “chung thẩm và mang tính ràng buộc” và bác bỏ bất kỳ giải pháp quân sự nào áp dụng đối với vấn đề này. Đồng thời, ông cho biết Mỹ ủng hộ các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Cùng ngày, trong phát biểu của mình tại cuộc gặp với các sinh viên đại học ở Delhi, Ngoại trưởng Kerry cũng đã khẳng định Mỹ sẽ đồng hành cùng các đồng minh của mình để bảo vệ các quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, “các nguyên tắc và chuẩn mực trong luật biển và nguyên tắc thượng tôn pháp luật khi đi vào vùng biển cả”, sau Phán quyết của Toà Trọng tài về các vùng biển tranh chấp.

Liên quan đến những phát biểu này của ông Kerry, bài viết “Vũ khí tốt nhất để chống chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc không phải là một loại vũ khí” trên tờ Washington Post ngày 2/9 của tác giả Jennifer M. Harris, nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Quan hệ quốc tế nhận định để chống lại chủ nghĩa của Trung Quốc, điều Mỹ cần làm là phải “khiến cho Trung Quốc phải đánh đổi chi phí liên quan đến kinh tế vì thái độ ngày càng hung hăng của mình”, mà điều này cũng sẽ giúp bảo vệ các đồng minh của Mỹ ở khu vực như Philippines và Nhật Bản trước sự chèn ép về mặt kinh tế của Trung Quốc. Tác giả cho biết toàn bộ chiến lược nhằm khẳng định các yêu sách biển của Trung Quốc là dựa vào “một niềm tin” rằng thực hiện một giải pháp quân sự trong thập kỷ tới sẽ rất tốn kém cho Mỹ, các đồng minh và ngay chính Trung Quốc; thay vào đó, Trung Quốc đã dùng ảnh hưởng kinh tế để chèn ép, áp đặt các nước láng giềng; và có thể tiếp tục thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông mà không bị Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông gần đây hay các cuộc diễn tập hải quân ảnh hưởng. Ví dụ, khi trước đây Philippines tìm cách bảo vệ yêu sách biển của nước này ở Bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh đã thể hiện sự không bằng lòng của nước này bằng cách bỏ mặc cho hàng nông nghiệp xuất khẩu của Philippines đến thối rữa trong kho hàng của Trung Quốc hay đặt ra lệnh cấm đánh cá quanh các vùng nước mà Philippines yêu sách và hạn chế khách du lịch Trung Quốc đến Philippines.

Ngày càng có nhiều đòi hỏi được đặt ra đối với ASEAN trong việc giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến Biển Đông vốn rất phức tạp buộc tất cả các bên phải giải quyết trên tinh thần xây dựng, trong bối cảnh “các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đang khiến căng thẳng gia tăng”. Quan điểm này được Chuẩn Đô đốc Datuk Chin Yoon Chin nêu lên trong phát biểu tích cực của mình tại Hội nghị Biển Đông được tổ chức bởi Viện Biển Malaysia (Mima) ngày 30/8, cùng với các đề xuất chiến lược nhằm tăng cường an ninh Biển Đông bao gồm: ASEAN cần đưa tất cả các đối tác đối thoại vào các diễn đàn ngoại giao ý nghĩa và sự thống nhất trong ASEAN là cần thiết để đảm bảo trật tự dựa trên sức mạnh không lấn át các diễn đàn dựa trên trật tự nguyên tắc.

Tạp chí The Straits Times ngày 1/9 có bài viết “ASEAN cần đối thoại thẳng thắn về vấn đề Biển Đông” của Tim Johnson, Giám đốc Chương trình Châu Á, Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), một tổ chức ngăn ngừa xung đột độc lập, nhận định rằng các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự cuộc họp thượng đỉnh hàng năm tại Viên Chăn, Lào tuần tới (từ 6-8/9), sẽ có xu hướng tránh đối thoại thẳng thắn về vấn đề Biển Đông do lo sợ sẽ khiến Trung Quốc nổi đoá, tuy nhiên theo tác giả bài viết, các nước này cần phải tính đến hiện trạng căng thẳng quân sự leo thang đầy nguy hiểm ở khu vực, nếu không muốn xảy ra xung đột. Tác giả dự đoán xung đột sẽ không chỉ dừng lại ở sự gia tăng về khả năng, mà còn gia tăng về mức độ nếu để xảy ra bởi gần đây, các nước liên tục có những động thái đáng chú ý, đặc biệt, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc, quốc gia có ngân sách quốc phòng tăng tới 11% kể từ năm 2014, đang xây dựng hơn 70 kho chứa máy bay trên ba cấu trúc nước này đang chiếm đóng ở Biển Đông.

Mặc dù Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông đã được Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN ký từ năm 2002 nhưng Tuyên bố này chỉ thể hiện cam kết không ràng buộc nhằm giải quyết bất đồng mà “không sử dụng đến vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn và đàm phán hoà bình bởi các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp”, cam kết kiềm chế không thực hiện “các hành động đưa người lên các đảo, đá, bãi cạn, và các thực thể khác hiện không có người ở”.

Theo tác giả bài viết, căn nguyên của vấn đề xuất phát từ những hành động không dự liệu được trước như chương trình xây dựng đảo và sự thiếu minh bạch của Trung Quốc về vị trí hay bản chất của đường 9 đoạn, dẫn đến việc nước nào cũng chỉ chuẩn bị phương án cho trường hợp xấu nhất, kể cả tăng cường quốc phòng, mua sắm trang thiết bị mới và tăng cường khả năng chiến đấu. Cái giá phải trả nếu xung đột nổ ra sẽ rất cao bởi tại Biển Đông có nhiều tuyến giao thương quan trọng, giá trị thương mại đi qua Biển Đông mỗi năm ước tính khoảng 5000 tỷ đô la Mỹ và giá trị thủy sản đạt khoảng 20 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Xung đột luôn luôn có giá của nó song thoả hiệp cũng không phải là không có giá: kiểm soát lãnh thổ ở Biển Đông là “trò chơi được – mất”. Trong bối cảnh đó, tác giả bài viết đưa ra triển vọng duy nhất cho ASEAN và Trung Quốc chỉ có thể là các cuộc đối thoại đa phương ở mức độ tối thiểu có sự tham gia của tất cả các bên tranh chấp và tốt nhất là sự hiện diện của một nhóm nước khu vực như ASEAN.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

9 COMMENTS

Comments are closed.

Tin mới