Tuesday, April 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ cũng có lợi khi Biển Đông căng thẳng?

Mỹ cũng có lợi khi Biển Đông căng thẳng?

Nhiều người đã từng hy vọng vào phản ứng mạnh mẽ hơn của Mỹ với Trung Quốc, nhất là sau khi Philippines thắng kiện Trung Quốc và mới đây trưng ra bằng chứng cho thấy Bắc Kinh có khả năng đang chuẩn bị bồi đắp bãi cạn Scarborough – một địa điểm trọng yếu, được cho “giới hạn đỏ” của Mỹ trên Biển Đông. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Michael Penn, một nhà báo và nhà bình luận chính trị chuyên về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Press TV, câu chuyện không đơn giản như vậy.

Tàu chiến Mỹ trong một cuộc tập trận cùng Hải quân Philippines trên Biển Đông

Không ai phủ nhận được tầm quan trọng của Biển Đông với Mỹ. Lợi ích của Mỹ ở Biển Đông bao gồm các loại lợi ích đa dạng về tự do hàng hải, kinh tế, chính trị, quân sự và an ninh.

Đối với Mỹ, Biển Đông là một mắt xích quan trọng trong sự điều chỉnh chiến lược từ châu Âu – Đại Tây Dương sang Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt khi thực hiện chính sách tái cân bằng dưới thời Tổng thống Obama. Là một cường quốc biển có vị trí địa lý được bao bọc bởi hai đại dương – Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, Mỹ luôn quan tâm đến vai trò của biển và quyền lực biển đối với xây dựng, phát triển và bảo vệ an ninh đất nước. Các nhà hoạch định chiến lược Mỹ từ lâu đã coi việc kiểm soát đại dương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là nhân tố chính trong việc kiểm soát thế giới. Do đó, từ rất sớm, Mỹ đã hoạch định chiến lược kiểm soát đại dương, xây dựng lực lượng hải quân hùng hậu nhất thế giới, lấy đó làm cơ sở để xác lập và mở rộng ảnh hưởng trên tất cả các đại dương. Và mối quan tâm đến Biển Đông cũng không phải là ngoại lệ, nhất là khi vùng biển này là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất, quan trọng nhất của thế giới nối liền châu Âu, châu Úc với châu Á, Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.

Hơn nữa, trước sự dịch chuyển cán cân quyền lực thế giới từ châu Âu sang châu Á, mà sự dịch chuyển này lại liên quan trực tiếp đến sự trỗi dậy và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc – nhân tố chủ chốt đang đe dọa vị thế siêu cường thế giới duy nhất của Mỹ ở khu vực, Mỹ buộc phải có hành động. Đông Nam Á cùng các tuyến đường trên Biển Đông có thể cung cấp cho Mỹ một vị trí dễ dàng tiếp cận về phía Nam lục địa. Kết hợp với việc tăng cường sự có mặt về quân sự ở Trung Á, liên minh chặt chẽ hơn với Nhật Bản, Hàn Quốc về quân sự và an ninh ở phía Đông, Đông Nam Á có thể giúp Mỹ tạo thành vành đai chiến lược từ phía Tây xuống phía Nam và kéo sang phía Đông để bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh ở đây.

Nhà phân tích chính trị Michael Penn cho rằng, những gì Mỹ đang làm là cố gắng sắp xếp một liên minh của các quốc gia nhỏ dọc biên giới Trung Quốc để kiềm chế sự bành trướng của Bắc Kinh, trước hết là sự bành trướng quân sự của nước này, sau đó là các kiểu bành trướng chính trị khác. Mỹ không muốn thấy Trung Quốc trở thành bá chủ khu vực châu Á và bằng cách lợi dụng, hoặc làm việc với các nước nhỏ hơn, họ hi vọng sẽ “bao vây” được Trung Quốc ở một mức độ nào đó.

Theo ông Penn, Mỹ là một cường quốc toàn cầu và ít nhất từ năm 1945, không có một quốc gia đơn lẻ nào trên thế giới nào mà Mỹ không can thiệp ở một mức độ nào đó. Việc Mỹ quan tâm tới Đông Nam Á, đặc biệt là khu vực Biển Đông là không có gì ngạc nhiên. Nhưng như Mỹ đã nhiều lần khẳng định, họ không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, không ở vị trí để có thể phán xét đảo này, bãi đá này, rạn san hô này… thuộc về nước nào. Các nước liên quan cứ việc tranh chấp và giải quyết tranh chấp với nhau, Mỹ chỉ muốn họ giải quyết với nhau hòa bình, trên tinh thần thượng tôn pháp luật là được. Tất nhiên, mong muốn của Mỹ là chính đáng, nhưng nếu Mỹ và các cường quốc thế giới khác không thể hiện sự răn đe nhất định, thì tranh chấp Biển Đông rất dễ bị xử lý theo luật riêng của kẻ mạnh hơn.

Mỹ muốn khu vực này có sự căng thẳng nhất định để khiến các nước nhỏ hơn bên cạnh Trung Quốc đủ quan ngại để “gia nhập” vào các liên minh chính trị, kinh tế và quân sự khác nhau với Mỹ. Nhưng đồng thời, Mỹ lại không muốn kích động một cuộc chiến tranh “nóng” với Trung Quốc, bởi vì đây sẽ là một thảm họa cho tất cả mọi người, bao gồm cả nền kinh tế toàn cầu. Mỹ đang đầu tư sâu vào nền kinh tế toàn cầu và do đó, họ cũng có những tính toán lợi ích riêng của mình. Trong mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ vừa là một đối tác ngoài khu vực, hợp tác với Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình, lại vừa là một nhân tố ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông. Mỹ vừa tranh thủ những cơ chế đối thoại, hợp tác với Trung Quốc nhằm xây dựng một giải pháp đa phương, lại vừa thực hiện các hoạt động do thám, nghiên cứu tại Biển Đông nhằm thăm dò sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Washington sẽ để không đẩy căng thẳng vượt quá tầm kiểm soát, nhưng cũng không thể chìm xuống dễ dàng. Nói cách khác, Washington muốn giữ cho Biển Đông căng thẳng đủ “độ”.

Nhưng khu vực cũng chẳng hòa bình, ổn định hơn nếu theo lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào vừa qua: Tự giải quyết các vấn đề của mình.

Bởi, sẽ là lý tưởng với Trung Quốc nếu loại được Mỹ và Nhật Bản, cũng như các cường quốc khác ra khỏi khu vực, vì khi đó họ sẽ là thế lực mạnh nhất ở khu vực. Cũng như Mỹ, Bắc Kinh đang cố gắng tối đa hóa ảnh hưởng của họ. Và sự cạnh tranh của hai cường quốc này tạo ra cả cơ hội và rủi ro cho khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới