Tuesday, April 16, 2024
Trang chủĐiểm tinMỹ, Trung dè chừng Triều Tiên thử hạt nhân

Mỹ, Trung dè chừng Triều Tiên thử hạt nhân

Một lần nữa, Triều Tiên đối mặt với sự lên án của xã hội quốc tế sau vụ thử hạt nhân lần thứ năm. Nhưng liệu đây có phải là hành động phô diễn sức mạnh quân sự thông thường?

(Ảnh: REUTERS/KCNA)

Vào ngày 9/9, Triều Tiên tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân lần thứ năm. Đây là cuộc thử nghiệm quy mô lớn nhất từ trước đến nay của nước này, tạo ra vụ nổ được phía Hàn Quốc đánh giá là có sức mạnh 10.000 tấn thuốc nổ TNT, tương đương hơn 22.000 quả tên lửa Tomahawk.

Sự việc ngay lập tức bị thế giới lên án. Phương Tây kêu gọi áp đặt các lệnh cấm vận “nghiêm khắc chưa từng có trong lịch sử” lên quốc gia này.

Tadashi Kimiya, giáo sư chuyên ngành Hàn Quốc thuộc Đại học Tokyo cho biết: “Bình Nhưỡng đã hứng chịu gần như tất cả các lệnh trừng phạt rồi, do vậy chính sách này đang đi vào hồi bế tắc.”

Theo ông, cả Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã hết cách gây áp lực cho Triều Tiên.

Những vụ thử hạt nhân liên tiếp gần đây của Triều Tiên có thể nhận diện là hành động thực thi chiến lược cực kỳ quan trọng của Bình Nhưỡng. Tại sao vậy?

Chiến lược “xa Trung để gần Mỹ” của Kim Jong Un

Có thể thấy rằng, hậu quả của chiến lược độc quyền lãnh thổ mà giới lãnh đạo Trung Nam Hải áp dụng cho Triều Tiên rất nguy hại với quốc gia này. Nguy hiểm nhất là mất niềm tin của các đối tác.

Những kế hoạch hợp tác, những chính sách bang giao của Bình Nhưỡng dường như đều bị xem là thực hiện ý đồ của Bắc Kinh: Triều Tiên chỉ là “cánh tay phá hoại nối dài” của Trung Quốc.

Trước những thiệt hại quá lớn mà giai đoạn “thân Trung Quốc” gây ra, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã triển khai chính sách “thoát Trung” kể từ khi lên nắm quyền cuối năm 2011.

Tuy nhiên, thoát Trung bằng cách nào? Sau nhiều thập kỷ chịu ảnh hưởng của Trung Nam Hải, sức mạnh quốc gia của Triều Tiên có lẽ chỉ còn là chính sách Songun – Tiên quân chính trị (quân đội trước nhất).

Đây cũng được xem là cơ sở cho việc triệu tập Đại hội lần thứ 7 đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 5 vừa qua.

Việc tổ chức Đại hội đảng tại Triều Tiên được xem là sự kiện chính trị trọng đại, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của đất nước này.

Nghị quyết Đại hội 7 đã khẳng định tiếp tục phát triển Songun, như một thông điệp của Kim Jong Un đối với Trung Quốc.

Có thể thấy, gần đây mọi chính sách hay kế hoạch hành động trong phát triển sức mạnh quân sự, nhất là kỹ thuật hạt nhân, đều có sự “lệch pha” giữa Bình Nhưỡng với Bắc Kinh.

Trước những hành động “chướng tai gai mắt” của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh phải lên tiếng chỉ trích và đồng thuận với biện pháp cấm vận mà Liên Hợp Quốc ban hành.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, đây có thể chính là thắng lợi quan trọng trong chiến lược thoát Trung của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Để có thể tách ra độc lập, Bình Nhưỡng phải chấp nhận rất nhiều thiệt hại qua “khổ nhục kế” của mình.

Vậy nhưng thoát ly đồng minh thân cận nhất trong thế kỷ trước thì Kim Jong Un sẽ hướng tới đâu? Có thể nhận diện nước Mỹ là nơi chiến lược đối ngoại của Triều Tiên thời Kim Jong Un hướng về.

Mike Chinoy, tác giả của cuốn sách “Sự sụp đổ: Câu chuyện bí mật của khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên” nhận định, đối thoại với chính quyền Kim Jong Un là cách duy nhất cho Washington.

Triều Tiên đã tính đoán rất kỹ về thời điểm thử hạt nhân?

Có thể thấy rằng, càng phát triển kỹ thuật hạt nhân thì Triều Tiên càng bị cô lập, nhưng họ vẫn quyết tâm theo đuổi.

Điều đó cho thấy việc nước này cho tiến hành những vụ thử tên lửa đạn đạo hoặc phóng vệ tinh tốn kém không phải để ‘hù thiên hạ” mà nhằm chứng minh với thế giới rằng Bình Nhưỡng không còn là “cánh tay phá hoại nối dài” của Bắc Kinh.

Và càng “xa Trung” thì càng có cơ hội “gần Mỹ”.

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu hôm 4-5/9 vừa qua là nơi mà quan hệ Trung – Mỹ có thể được điều chỉnh, thậm chí có thể tạo ra nền tảng cho một định hình mới. Đó cũng là thời điểm mà hành động “xa Trung để gần Mỹ” dễ tạo hiệu ứng hơn.

Đây có thể là lý do Kim Jong Un đã cho thực hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo ngay trước, trong và thử hạt nhân sau G20.

Trong khi đó, tại nước Mỹ mùa bầu cử đang vào giai đoạn quyết định và việc Nhà Trắng đổi chủ là nhân tố rất quan trọng với chiến lược của ông Kim.

Bình Nhưỡng có thể mong đợi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump thắng cử, vì nước Mỹ dưới thời Trump có khả năng giúp Triều Tiên “xa Trung để gần Mỹ” hơn, bởi những lợi ích của các bên có thể dễ lượng hóa và trao đổi.

Lúc này, việc làm giảm giá trị những di sản của Tổng thống Barack Obama trở thành mục tiêu quan trọng của Bình Nhưỡng nhằm tăng tỷ lệ thắng cử cho Trump, nhất là khi Obama công khai ủng hộ “gà nhà” của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton.

Việc thực hiện các động thái quân sự trùng thời điểm G20 là “nhất cử lưỡng tiện” với Bình Nhưỡng. Bắc Kinh và Washington đều lâm vào thế khó nếu không xử lý tốt “món quà đặc biệt” này.

Hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông” với Trung Nam Hải

Việc Kim Jong Un dùng đến kỹ thuật hạt nhân để công phá sự hoài nghi bao quanh Bình Nhưỡng chính là đòn “gậy ông đập lưng ông” nhằm vào chính sách của Trung Quốc đối với Triều Tiên.

Đây cũng là thông điệp Kim Jong Un gửi tới Obama, rằng việc không tiếp nhận “thiện ý” từ Bình Nhưỡng có thể khiến đảng của ông phải trả giá, nếu bà Clinton thất cử.

Kim Jong-un khiến Washington phải trả giá khi không ký hiệp định hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, mà chỉ là một hiệp định đình chiến tạm thời cho chiến tranh Triều Tiên.

Hiệp định đình chiến được cho là nhằm đảm bảo khà năng công – thủ cho Mỹ đối với liên minh Xô – Trung trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Khi bị đe dọa từ đối phương, Mỹ có thể sử dụng chiến trường Triều Tiên làm bàn đạp cho chiến lược công – thủ của mình.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên Xô tan rã, còn Trung Quốc dần mất thế kiểm soát vốn có với Triều Tiên thì Hiệp định đình chiến vô hình trung trở thành cơ hội cho chiến lược “thoát Trung” của Bình Nhưỡng.

Khi kỹ thuật hạt nhân của Triều Tiên còn ở thời kỳ sơ khai, khi hành động của Bình Nhưỡng chủ yếu là “khua chiêng gõ mõ” và còn nằm trong tầm kiểm soát của Trung Nam Hải, thì cả Seoul và Tokyo chỉ hậm hực phản đối, chờ đợi sự lên tiếng của Bắc Kinh và sự trấn an từ Washington.

Đến thời ông Kim Jong Un, ngoài thái độ lạnh nhạt rõ rệt với Trung Quốc là sự phát triển về kỹ thuật hạt nhân không thể xem thường.

Điều đó khiến cho những hành động “chướng tai gai mắt” của Bình Nhưỡng không chỉ còn là “võ mồm”, mà là mối đe dọa nghiêm trọng tới đồng minh của Mỹ ở khu vực.

John Schilling, nhà phân tích về kỹ thuật tên lửa tại Trường Đại học Johns Hopkins, Mỹ cho rằng, sự thành công của những vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên cho thấy chương trình kỹ thuật quân sự của Triều Tiên, nhất là kỹ thuật hạt nhân, phát triển nhanh hơn so với dự kiến ​​ban đầu của Bình Nhưỡng và vượt ngoài dự đoán của phương Tây.

Do vậy, cho dù nằm dưới sự bảo trợ an ninh của Mỹ, các động thái của Bình Nhưỡng đã thực sự đe dọa an ninh quốc gia của Nhật Bản và Hàn Quốc – vấn đề mà Washington không thể bảo trợ được.

Và thế là cả Seoul và Tokyo đều phải chuẩn bị có những hành động đối phó của riêng mình.

Việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp hòa bình có nguyên nhân quan trọng đến từ sự đe dọa từ Triều Tiên, bên cạnh “ông lớn” Trung Quốc.

Khi một bản Hiến pháp mới ra đời tại đất nước mặt trời mọc mà Washington không còn là đạo diễn trong việc soạn thảo thì sự nguy hại với Mỹ có thể đạt mức báo động.

Còn nếu kỹ thuật hạt nhân được phát triển tại Hàn Quốc thì đó có thể là khởi nguồn cho một cuộc đối đầu bằng hạt nhân trên bán đảo.

Để làm dịu tình hình và khiến cho đồng minh an tâm, Mỹ đã thúc đẩy triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Nhưng song song với đó, khi kế hoạch của Mỹ được thực hiện, họ phải chấp nhận hệ quả là Bắc Kinh và Moscow sẽ có lý do để leo thang quân sự tại Đông Bắc Á.

Hiệp định hòa bình là cơ hội cho bán đảo?

Nếu hiệp định đình chiến tạm thời Chiến tranh Triều Tiên được thay bằng hiệp định hòa bình thì mọi hành động của Bình Nhưỡng không thể kích hoạt chiến tranh.

Song do Triều Tiên-Hàn Quốc đang trong tình trạnh chiến tranh nên mọi hình thức “tự vệ” từ Triều Tiên đều có thể, nếu họ nhận thấy sự đe dọa từ bên kia chiến tuyến.

Vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nói riêng và vấn đề hòa bình cho Triều Tiên nói chung, chỉ được giải quyết căn cơ bằng một hiệp định hòa bình và chắc chắn Washington đã có ý định hiện thực hóa việc ấy.

Chỉ có điều, một hiệp định hòa bình được bàn thảo sau hơn 60 năm tạm ngừng chiến tranh sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Nó không chỉ là cơ hội cho Bình Nhưỡng khai thác lợi thế của mình nhờ kỹ thuật hạt nhân phát triển nhanh chóng, mà cả Seoul và Tokyo cũng sẽ không chịu kém phần.

Lúc đó chỉ có Mỹ phải nhượng bộ bằng cách chia sẻ lợi ích để hy vọng ổn định thực sự cho bán đảo Triều Tiên và an ninh cho các đồng minh.

Tóm lại, việc Bình Nhưỡng cho thực hiện các vụ thử vũ khí liên tiếp gần đây không phải là hành động “chơi ngông” của nhà lãnh đạo trẻ họ Kim, mà đó là thực thi chiến lược “xa Trung để gần Mỹ”.

Kim Jong Un sẽ cho thực các vụ thử tiếp theo, chừng nào mục đích chiến lược của Triều Tiên chưa đạt được.

RELATED ARTICLES

Tin mới