Friday, April 19, 2024
Trang chủĐiểm tinCựu chỉ huy NATO 'hiến kế' giúp Mỹ đàm phán trơn tru...

Cựu chỉ huy NATO ‘hiến kế’ giúp Mỹ đàm phán trơn tru với Putin

Putin được coi là chính khách cứng rắn nhất thế giới. Nhưng nếu có một chút tính toán và tôn trọng nhà lãnh đạo Nga, mọi đàm phán của Mỹ đều có thể thành công.

Nga-Mỹ không tránh khỏi những bất đồng trong các vấn đề quốc tế.

James Stavridis cựu Đô đốc Hải quân Mỹ, cựu chỉ huy tối cao liên minh NATO trong một bài bình luận trên Foreign Policy đã gọi Nga là một “con gấu” trên sân khấu quan hệ quốc tế. Mỹ đang đứng trước tình cảnh phải đối đầu với một quốc gia mạnh mẽ và đầy khó lường.

Bất chấp những nỗ lực dũng cảm để đàm phán với Nga trong vấn đề Ukraine, Crimea, Syria, Iran, hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, thành viên NATO, và an ninh mạng – đọng lại giữa Moscow và Washington vấn là những bất đồng nghiêm trọng không thể giải quyết.

Một thỏa thuận giữa Nga-Mỹ mới đạt được ở Syria vài ngày qua là một bước tiến lớn cho cuộc khủng hoảng tại nơi đây. Nó cũng khiến nhiều người bất ngờ bởi hai cường quốc đối địch này đã chịu nhượng bộ nhau, một điều vốn hiếm khi xảy ra. 

Ngoại trưởng John Kerry được cho là người có công lớn khi thiết lập được một lệnh ngừng bắn khó khăn với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

Ông James Stavridis cho rằng bên cạnh sự khác biệt về chính sách, tư tưởng; điều khiến Mỹ luôn gặp khó khăn mỗi khi đàm phán với Moscow cũng một phần xuất phát từ cá tính của Tổng thống Nga Putin – nhà lãnh đạo luôn thể hiện mình là một người không có cảm tình với nước Mỹ, Tổng thống Obama và cả NATO. Phần lớn quan hệ giữa ông Putin và phương Tây là xung đột.

Thế nhưng không hẳn mối quan hệ Nga-Mỹ luôn trong tình trạng tiệm cận chiến tranh, Mỹ vẫn tìm cách để hợp tác với Nga trong một số vấn đề đa dạng như chống ma túy, cướp biển, vấn đề an ninh ở Afghanistan, kiểm soát vũ khí, và chống khủng bố.

Dựa trên những kinh nghiệm của mình trong thời gian làm việc với người Nga, cựu chỉ huy NATO đã đưa ra một vài lời khuyên giúp Mỹ dễ dàng hơn trong việc đàm phán với Tổng thống Putin trong tương lai.

Hiểu biết về thế giới quan của Nga: Nga luôn coi mình là một đế quốc hùng mạnh khi có lãnh thổ địa lý rộng lớn, nền văn hóa khác biệt. Họ tự hào về ngôn ngữ, nền văn học, và những đóng góp lớn về khoa học công nghệ.

Dù Chiến tranh Lạnh đã đi qua nhưng Moscow vẫn tin rằng động thái của phương Tây sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin, đặc biệt là mở rộng tầm ảnh hưởng của NATO vào các đồng minh của Liên Xô cũ, là điều gây tổn hại đến an ninh, ý thức hệ. Trong đàm phán với Moscow, Mỹ cần phải thấu hiểu được lòng tự tôn của họ.

Chấp nhận uy quyền của Putin: Theo cựu chỉ huy NATO, Nga luôn sản sinh ra những nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Hôm nay, nhà lãnh đạo của đất nước này là Putin, và mọi quyết định chính trị của đất nước gần như đều tập trung trong tay của riêng ông.

Mỹ không dễ thành công trong các cuộc đàm phán nếu không thể hiện sự tôn trọng với Putin cũng như chấp nhận tầm ảnh hưởng của ông trong mọi quyết định.

Chuẩn bị cho một quá trình lâu dài và khó khăn: Dù bản chất vấn đề đàm phán có thể không nghiêm trọng nhưng Nga sẽ làm cho mọi thứ trở nên khó khăn.

Người Nga luôn có sự hoài nghi với bất cứ điều gì đến từ phương Tây. Ngay cả bầu không khí trong cuộc đàm phán cũng sẽ tràn ngập bởi sự mất lòng tin, sự khiếm nhã bộc phát và đầy hoài nghi, trong khi các cuộc thảo luận luôn trên bờ vực xung đột.

James Stavridis lưu ý rằng người Nga không đi vào một cuộc đàm phán với suy nghĩ có thể tạo ra một kết quả hai bên cùng có lợi, mà là làm thế nào họ có thể đánh bại được tất cả các bên.

Bậc thầy chiến lược: Nga luôn bước vào đàm phán với sự đề cao giá trị logic; đi thẳng vào vấn đề, giải quyết trực tiếp, nhanh chóng, gọn ghẽ.

Sẽ là sai lầm nếu sử dụng cách tiếp cận tình cảm để đàm phán với Moscow. Họ không ngại ngần trong việc đưa ra các kế hoạch, những bước đi khó lường và phức tạp giống như một trận đấu cờ vua. Không phải ngẫu nhiên mà Nga có số lượng gấp đôi những kỳ thủ cờ vua xuất sắc so với Mỹ, trong khi dân số chỉ bằng một nửa.

Kiên nhẫn chờ đợi: Nga thường có những suy nghĩ một cách âm thầm trước khi trả lời một câu hỏi hoặc đưa ra quyết định. Sẽ là thô lỗ nếu phá tan luồng suy tư của họ bằng một cử chỉ vội vàng. Điều này sẽ làm cuộc thảo luận trở nên kém hiệu quả hơn.

Xây dựng quan hệ cá nhân: Người Nga rất coi trọng các mối quan hệ cá nhân. Cựu chỉ huy NATO chia sẻ trong quá khứ chính Vodka đã giúp ông hòa đồng hơn trong thời gian còn làm việc ở gần nước Nga.

Mặc dù việc uống rượu liên tục không phải là một điều tốt nhưng nó khiến người Nga đánh giá cao và ghi dấu ấn với họ. Họ cần một mức độ sâu sắc của sự tin tưởng để có thể trao đổi thông tin và chia sẻ quan điểm với nhau. Để làm được điều này sẽ phải đầu tư nhiều thời gian.

Ông Putin từng có một câu nói ẩn dụ nước Nga như một con gấu hồi năm 2014: “Họ (phương Tây) sẽ luôn cố gắng để xích chú gấu lại, sau đó họ bẻ gãy răng nanh và móng vuốt”. Cựu chỉ huy NATO James Stavridis lại cho rằng “con gấu bị dồn vào một góc là điều nguy hiểm”. Đó là lý do tại sao Mỹ cần phải suy nghĩ cẩn thận để không chỉ điều chỉnh chính sách sao cho hợp lý, mà cần phải chú ý cả về cách tiếp cận của mình trong đàm phán.

RELATED ARTICLES

Tin mới