Friday, April 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBị Triều Tiên “trên cơ”, Hàn Quốc sẽ sở hữu vũ khí...

Bị Triều Tiên “trên cơ”, Hàn Quốc sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân?

Là một bên quan trọng trong mâu thuẫn hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc dường như không còn ý định xử lý “bình tĩnh” nữa.

Hankyoreh Sinmun (tờ báo Hàn Quốc hoạt động từ năm 1988) đưa tin, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye ngày 13/9 tiếp tục đả kích mạnh mẽ Triều Tiên.

Bà yêu cầu quân đội Hàn Quốc duy trì tình trạng giới bị cao nhất để bảo đảm chỉ cần Bình Nhưỡng có ý đồ phóng 1 quả tên lửa hạt nhân về phía Seoul thì Triều Tiên sẽ đối diện “sự kết thúc của chính quyền”.

Bà Park cũng ra lệnh các bộ phận liên quan tăng tốc triển khai việc bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc hôm 13/9 cũng đưa tin về tình trạng “nóng như lửa” ở nước này, với sự nổi lên rõ nét của “thuyết vũ trang hạt nhân”.

Tờ này viết: “Triều Tiên đã tiến hành lần thử hạt nhân thứ năm và cưỡi lên đầu Hàn Quốc. Vũ khí hạt nhân Triều Tiên không hề được sử dụng để đối phó Mỹ hoặc để phòng vệ, giống như chủ trương của thế lực thân Triều Tiên.

Hành động của Triều Tiên đã nói với Seoul rằng đối tượng mà vũ khí hạt nhân của họ đang nhắm thẳng vào chính là Hàn Quốc.

Vũ khí hạt nhân Triều Tiên bắn trúng Seoul sẽ gây ra hàng trăm ngàn thương vong trong tích tắc…”

Theo Chosun Ilbo, đã đến thời điểm Hàn Quốc buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại Bình Nhưỡng, và Seoul cần rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân để tiến hành vũ trang hạt nhân “có điều kiện”.

“Con đường sinh tồn của Hàn Quốc chính là sở hữu vũ khí hạt nhân giống như Triều Tiên,” Chosun viết.

Bình luận của Chosun Ilbo được cho là sự chỉ trích nhằm vào Trung Quốc, bởi Seoul không hài lòng trước việc Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ Hàn Quốc triển khai THAAD, đồng thời áp đặt các biện pháp răn đe làm ảnh hưởng đến kinh tế Hàn Quốc.

Trung Quốc cũng là bên cảm thấy nguy cơ nghiêm trọng nhất nếu ngoài THAAD, vũ khí hạt nhân của Mỹ được bố trí ở Hàn Quốc. Chính phủ nước này nhiều lần tuyên bố THAAD là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Bắc Kinh mới đây đã bị Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter yêu cầu “chịu trách nhiệm” vì đã không gây được ảnh hưởng và kiềm chế Triều Tiên, quốc gia từng là “đồng minh xương máu” của Trung Quốc.

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ năm của Triều Tiên ngày 9/9, những lời kêu gọi sở hữu hạt nhân từ phe bảo thủ ở Hàn Quốc đã nổi lên mạnh mẽ, đặc biệt là từ các chính khách trong đảng Saenuri cầm quyền của bà Park.

Nghị sĩ Won Yoo Chul của đảng này tuyên bố, trong thời gian ngắn sắp tới Hàn Quốc cần phải đề nghị Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trở lại trên lãnh thổ nước này. Còn về lâu dài, Seoul phải nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân, “đồng thời phải đạt số lượng gấp 2 lần của Triều Tiên”.

Chủ tịch đảng Saenuri, ông Lee Jung Hyun nhận định Bình Nhưỡng đã đi quá giới hạn và đã đến lúc Chính phủ Hàn Quốc thảo luận những biện pháp răn đe quyết liệt nhất, chưa từng được áp dụng trước đây.

Học giả Lữ Siêu của Viện khoa học xã hội Liêu Ninh, Trung Quốc chỉ trích trên Thời báo Hoàn Cầu: “Một số nhân vật ở Hàn Quốc kêu gọi phát triển vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ khiến tình hình khu vực Đông Bắc Á thêm phức tạp, hỗn loạn.”

Ông này cho rằng lựa chọn đúng đắn đối với Seoul là nỗ lực tìm giải pháp ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, thay vì chạy đua vũ trang theo Bình Nhưỡng.

RELATED ARTICLES

Tin mới