Friday, March 29, 2024
Trang chủĐàm luậnBiển Đông liệu có rơi vào trạng thái “Chiến tranh lạnh”?(kỳ...

Biển Đông liệu có rơi vào trạng thái “Chiến tranh lạnh”?(kỳ II)

Sau khi Phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc được ban hành, nội dung liên quan đến quy chế “đảo” và “đá” đối với các thực thể trong quần đảo Trường Sa có thể xem làhoàn toàn bất lợi cho tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những giải thích của Tòa trọng tài đối với từng thực thể mà Philippines đề nghị giải thích phần lớn làm tổn hại đến chủ quyền thực tế của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.

Lợi thế và những bất lợi cho Việt Nam

Tòa trọng tài kết luận rằng, tất cả các cấu trúc nổi tại Trường Sa (Ba Bình, Thị Tứ, Bến Lạc, Trường Sa, Song Tử Đông, Song Tử Tây…) đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra EEZ hoặc thềm lục địa. Dựa trên cơ sở không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa là đảo, Tòa Trọng tài cũng kết luận rằng Công ước không quy định việc một nhóm các đảo như quần đảo Trường Sa sẽ có các vùng biển với tư cách là một thực thể thống nhất. Những điểm này đã góp phần thu hẹp đáng kể phạm vi tranh chấp biển giữa Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Từ sau Phán quyết, ở Biển Đông sẽ không còn vùng chồng lấn giữa đường chín đoạn của Trung Quốc với EEZ của Philippines cũng như EEZ của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều phán quyết của Tòa gián tiếp đưa đến suy luận rằng phần lớn khu vực quần đảo Trường Sa nằm trong phạm vi EEZ của Philippines, trong khi đó, nếu theo phán quyết, EEZ của Việt Nam lại không sở hữu nhiều thực thể ở quần đảo Trường Sa. Đặc biệt, việc cho rằng không có thực thể nào thuộc Quần đảo Trường Sa được hưởng EEZ, thì quyền tiếp cận của ngư dân Việt Nam đối với ngư trường quan trọng này có thể bị ảnh hưởng lớn. Cụ thể, họ sẽ mất quyền đánh cá trong các vùng nước bên trong EEZ của Philippines (đã được thừa nhận trong Phán quyết) và ngoài vùng lãnh hải của các thực thể đủ tiêu chuẩn thuộc Quần đảo Trường Sa mà không thuộc Việt Nam.

Điểm này của phán quyết đã “vô tình” bác bỏ chủ quyền của Việt Nam đã tuyên bố trên toàn bộ quần đảo Trường Sa. Mặc dù hiện nay đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa đang do Đài Loan chiếm giữ, nhưng Việt Nam vẫn kiên định chủ quyền không thể chối cãi ở đảo này, với tư cách là một thực thể trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việc Tòa trọng tài chỉ dựa vào các tài liệu do Philippines cung cấp, cũng như tham khảo các nguồn tài liệu khác mà chưa thực tế đến các đảo do Việt Nam quản lý như Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn… rồi kết luận các thực thể này chỉ là “đá”, đã không thể hiện rõ thực tế đang diễn ra tại các thực thể này. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Thiết nghĩ, đây chính là những điểm mà Việt Nam cần nghiên cứu kỹ để có thể có những hành động bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của mình ở trên quần đảo Trường Sa.

Đối với 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa, Tòa trọng tài tuyên rằng Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập và Gaven là các cấu trúc nổi trên mặt nước vào lúc thủy triều lên cao (đá), có lãnh hải 12 hải lý, còn Xu Bi, Tư Nghĩa, Vành Khăn là các cấu trúc chìm khi thủy triều lên (bãi, không có 12 hải lý lãnh hải, chỉ có 500m vùng an toàn. Việc Tòa trọng tài tuyên rằng 7 đảo nhân tạo này không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) và thềm lục địa không có nhiều ý nghĩa, vì đó là điều hiển nhiên, chiếu theo Công ước quốc tế về luật biển (Công ước). Tất cả các thực thể này nằm trong khoảng cách 200 hải lý, tính từ đường cơ sở của Philippines. Bên cạnh đó, PCA cho rằng Trung Quốc đã can thiệp vào việc thăm dò dầu khí của Philippines tại Bãi Cỏ Rong; chủ ý cấm các tàu Philippines đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại bãi Vành Khăn và bãi Cỏ Mây, bảo vệ cho và không ngăn ngừa ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá tại các nơi này; Xây dựng các công trình và đảo nhân tạo tại Vành Khăn mà không được sự đồng ý của Philippines. Do vậy, Tòa trọng tài kết luận Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này.

Có thể nói, những điểm này trong Phán quyết đã phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Nếu theo những kết luận này trong Phán quyết,Việt Nam có thể sẽ phải từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình đối với Bãi Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây vốn được Tòa tuyên bố là các thực thể lúc chìm lúc nổi (LTEs) và thuộc về thềm lục địa của Philippines. Quan trọng hơn, Việt Nam cũng có thể sẽ phải từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với các đá Tốc Tan và Núi Le, những thực thể đang thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam. Những thực thể này, được các chuyên gia xác định là các bãi lúc chìm lúc nổi, nằm trong vùng EEZ của Philippines và bên ngoài lãnh hải của các thực thể xung quanh.

Theo UNCLOS, các thực thể này không phải là đối tượng của các tuyên bố chủ quyền, và Philippines có quyền chủ quyền đối với chúng. Mặc dù phán quyết của Tòa không trực tiếp đề cập tới các thực thể này, Việt Nam có thể bị Philippines yêu cầu từ bỏ chúng. Thực tế, bãi Vành Khăn và đá Ken Nan thực chất là các đá thuộc cụm đảo Sinh Tồn và Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, đá Ga Ven, Chữ Thập thuộc cụm Nam Yết; đá Xu Bi thuộc cụm Thị Tứ; Gạc Mạ thuộc cụm Sinh Tồn; Châu Viên thuộc cụm Trường Sa, và tất cả thực thể này đều không thuộc thềm lục địa của Trung Quốc, nhưng thuộc quần đảo Trường Sa có chủ quyền lịch sử của Việt Nam.

Phán quyết của Tòa trọng tài có ý nghĩa quan trọng, vì đây là lần đầu một tuyên bố pháp lý được đưa ra đối với tranh chấp Biển Đông, khu vực bao gồm một số các mỏ dầu và khí đốt hứa hẹn nhất của thế giới và là ngư trường quan trọng. Dù phán quyết sẽ không giải quyết được triệt để vấn đề Biển Đông, nhưng sẽ mang lại rất nhiều ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán giữa các bên có liên quan trong tương lai. Tất cả các bên có tranh chấp ở Biển Đông sẽ chịu những tác động từ phán quyết này. Về cơ bản, sự kiện này có thể dẫn tới việc duy trì nguyên trạng, hoặc cũng có thể tạo nên sự thay đổi trong cách hành xử trên biển dựa trên các quyền pháp lý và “sự tự tôn” của các quốc gia liên quan. Nếu xét từ góc đó Việt Nam, phán quyết sẽ đem đến cả lợi thế lẫn những bất lợi không hề nhỏ về mặt chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.

Chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa có tính lịch sử, được các nhà nước Việt Nam xác lập phù hợp với tiêu chuẩn và nguyên tắc chiếm hữu thật sự. Quần đảo Trường sa (và cả quần đảo Hoàng Sa) là đất vô chủ, được người dân Việt phát hiện từ lâu đời, ít ra là từ thế kỷ thứ XV, chiếm hữu trong thế kỷ thứ XVII và XVIII, chính thức chiếm hữu trong thế kỷ thứ XIX hành xử chủ quyền một cách hòa bình, liên tục mà không có bất kỳ một quốc gia nào tranh chấp.

Quần đảo đã tồn tại và được cộng đồng quốc tế công nhận như thế về mặt lịch sử, phù hợp với điểm b, Điều 46 của UNCLOS. Các đá nằm rải rác trong các cụm đảo, trở thành những bộ phận tạo thành một thể thống nhất của quần đảo Trường Sa, do đó không thể tách rời các thực thể này ra để rồi quy nó vào thềm lục địa của một quốc gia khác. Vụ kiện của Philippines chống lại Trung Quốc, nhưng vô tình hay hữu ý thì phía sau những kết luận mà Tòa trọng tài đưa ra đã mặc nhiên xâm hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 11, Phụ lục VII của UNCLOS, phán quyết của Tòa Trọng tài chỉ có giá trị bắt buộc giữa các bên liên quan. Trên thực tế, Việt Nam không tham gia vào vụ kiện thì Việt Nam không phải chấp hành phán quyết. Tuy nhiên, Tòa Trọng tài là một cơ quan xét xử quốc tế, phán quyết của cơ quan xét xử quốc tế được coi là tiền lệ, một nguồn bổ trợ trong pháp luật quốc tế. Phán quyết sẽ có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, định hướng dư luận quốc tế. Việt Nam với tư cách là một quốc gia đã mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền quần đảo Trường Sa (và cả quần đảo Hoàng Sa), lại không có động thái gì để bảo vệ chủ quyền đó khi bị xâm phạm, có thể sẽ ảnh hướng lớn đến cả quá trình khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay.

Theo nguyên tắc Estoppel, một quốc gia phải nhất quán trong ứng xử và không được bác bỏ một thực tế đã được chính quốc gia này thừa nhận trước đó. Mục tiêu chính của nguyên tắc này là không cho phép một quốc gia được hưởng lợi hoặc gây thiệt hại cho một quốc gia khác thông qua cách ứng xử không nhất quán của mình. Do đó, các hành vi được coi là Estoppel có thể dưới dạng hành động, hoặc im lặng, không phản ứng khi bị xâm phạm chủ quyền mặc dù ý thức được đầy đủ quyền của mình.

Quốc gia khác có quyền dẫn chiếu nguyên tắc Estoppel rằng sự im lặng của Việt Nam khi không phản ứng khi bị xâm phạm chủ quyền mặc dù ý thức được đầy đủ quyền của mình, sẽ được xem như một sự công nhận mặc thị đối với quan điểm chủ quyền của Philippines theo phán quyết. Do đó, Việt Nam cần phải có phản ứng của riêng mình đối với phán quyết, trong đó thể hiện rõ Việt Nam có thể đồng tình với tinh thần của phán quyết nhưng sẽ không đồng ý đối với những nội dung cụ thể của phán quyết ảnh hưởng đến chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.

Cùng với việc đánh giá các phán quyết của Tòa, Việt Nam cần quan tâm đến các lập luận của Tòa để dẫn đến các phán quyết ấy để từ đó có thể để nghị Tòa làm rõ những điểm liên quan đến quyền lợi của Việt Nam.Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải mạnh mẽ trong những hành động đối với quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông, đặc biệt là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thắng lợi bước đầu của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc cho thấy một nỗ lực pháp lý để giải quyết một số khía cạnh trong tranh chấp, xung đột ở Biển Đông tại các cơ quan tài phán. Phán quyết đưa ra từ vụ kiện của Philippines để lại nhiều bài học cho Việt Nam.

Việt Nam cần phải cân nhắc thấu đáo trước khi đưa ra những quyết định hành động tương tự như Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới