Friday, March 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiQuản lý BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ gian lận 500 triệu/ngày

Quản lý BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ gian lận 500 triệu/ngày

Việc hoàn lại số tiền chỉ là một phần nhỏ, cái quan trọng là phải xử lý tận gốc sự gian lận, thiếu minh bạch, kể cả người quản lý lỏng lẻo.

Trạm thu phí trên tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ. Ảnh minh họa.

Phải xử lý công khai…

Sau 10 ngày kiểm tra, Tổng cục đường bộ – Bộ GTVT đã có kết luận, doanh thu mỗi ngày ở Trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ đạt trung bình 1.985 tỉ đồng, chênh lệch tăng khoảng 500 triệu đồng/ngày so với báo cáo của chủ đầu tư.

Trước đó, Trạm thu phí Tào Xuyên (Thanh Hóa) có mức thu phí gấp 1,5-2 lần so với các trạm thu phí khác, đã không thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ GTVT, thu phí sai, nên sau đó, phải trả lại tiền cho dân.

Trước thực trạng trên, trao đổi với chúng tôi, ngày 19/9, ĐBQH Dương Trung Quốc – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết: “Tôi nghĩ tính về lâu dài mà nói thì tất cả công trình BOT đều phải công khai, minh bạch, nhà nước phải cử đoàn giám sát là cần thiết, để giám sát cho chuẩn.

Không chỉ tôi mà rất nhiều người dân đề nghị, mỗi trạm thu phí phải có một đồng hồ điện tử, công bố xem tổng số đầu tư là bao nhiêu, hàng ngày thu được bao nhiêu, rồi trừ dần số tiền, bao giờ về số 0 thì phá trạm thu phí đó đi.

Còn nếu phát hiện ra thu sai, thì không những thu hồi số tiền chênh lệch sai đó, mà phải phạt đến nơi đến chốn, chứ không chỉ là hòa cả làng, phải trừng trị việc làm sai. Chúng ta rất hoan nghênh, rất bảo vệ các DN, nhưng làm bậy thì phải xử lý. Tôi tin người dân ủng hộ, các DN đứng đắn ủng hộ. Phải loại bỏ “nọc độc” đó đi, còn cứ thỏa hiệp là không được”.

Về vấn đề xử lý tiền thu sai, theo ông Quốc, trả lại tiền cho dân là rất khó. Cần công khai và đưa vào trong các việc làm công ích cho xã hội, nhất là nơi liên quan đến ngành giao thông?

Thế nhưng, vị ĐBQH một lần nữa nhấn mạnh, việc hoàn lại số tiền chỉ là một phần nhỏ, cái quan trọng là phải xử lý tận gốc sự gian lận, thiếu minh bạch, của cả những người làm sai và những người quản lý lỏng lẻo.

“Chúng ta không chỉ giám sát DN thu phí, mà phải giám sát cả cơ quan quản lý việc thu phí, xem có nới lỏng hay không, dưới con mắt của người dân. Bởi vì hai cơ quan trên thường có sự thông đồng với nhau.

Bộ GTVT cần phải làm rõ, với Pháp Vân – Cầu Giẽ, nền đường là tiền nhà nước làm từ lâu, hạ tầng đó là tiền thuế của dân, phần nào nhà nước thiếu thì DN tham gia vào hỗ trợ, bổ sung. Nên phải tính toán ra số tiền mức thu phí chính xác, thì sẽ không có chuyện nhập nhèm về khoản tiền thu phí BOT.

Tôi chắc chắn không chỉ riêng Pháp Vân – Cầu Giẽ, mà rất nhiều công trình BOT khác, dân đã phát hiện từ lâu, nhưng bị lờ đi, nên nguyên tắc chung cứ minh bạch là tốt”, ông Quốc nhấn mạnh.

3 cách quản lý số tiền thu phí sai

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, bà Bà Bùi Thị An – ĐBQH khóa 13 cho hay, tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ trước đây do kinh phí ngân sách xây, tiền của dân đóng góp, còn doanh nghiệp chỉ chắp vá một phần, lại đấu thầu và được thu phí.

Nghĩa là, giá trị đấu thầu ngay từ ban đầu đã không chuẩn, mà lại thu phí gây chênh lệch, làm phiền cho dân, trốn thuế nhà nước, sự gian dối như vậy là không chấp nhận được.

“Với số tiền 500 triệu đồng/ngày thu nhầm, tôi đề nghị có 3 cách: Một là,giao lại toàn bộ cho nhà nước, giảm nợ công; hai là, dùng tiền đó để làm chính đoạn đường cần tu bổ; ba là, tính vào số tiền đã thu giảm thời gian thu phí, mức phí cho dân, để người dân được hưởng lợi trực tiếp.

Nghĩa là DN nộp cho nhà nước, nhà nước dùng tiền đó công khai, minh bạch, phục vụ cho quảng đường, đoạn đường đó”, bà An kiến nghị.

Mặt khác, theo bà An, BOT là vấn đề đang rộ lên, Bộ GTVT với tư cách quản lý nhà nước, phải xem một cách tổng thể, không chỉ có Pháp Vân – Cầu Giẽ, không chỉ Tào Xuyên, mà tất cả các trạm BOT trên cả nước.

Vị ĐBQH khóa 13 phân tích: “Đã minh bạch thì phải giám sát thu thực chất là bao nhiêu tiền/ngày, thời gian vừa qua do không giám sát cho nên có sự chênh lệch, người thì được lợi, người thì thiệt, giờ phải xem thực thu.

Phải thiết kế trạm thu phí không dừng bằng điện tử sẽ bớt hơn nhiều, mình dễ kiểm tra, bớt tham ô, tham nhũng có lợi cho đất nước, cho dân.

Ai cũng biết DN kinh doanh là phải có lãi, nhưng nước mình luôn phải đảm bảo lợi ích giữa nhà nước – nhân dân và doanh nghiệp.

Còn Bộ GTVT đã phát lệnh dứt khoát các đơn vị BOT phải báo cáo cả phương thức thu phí, có đội kiểm tra, chọn người vào đội kiểm tra giám sát cho chuẩn. Phải có chế tài xử phạt, xử lý nghiêm kể cả người ra chủ trương thu chênh lệch”.

RELATED ARTICLES

Tin mới