Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiRất khó phân biệt cá sạch và cá nhiễm độc

Rất khó phân biệt cá sạch và cá nhiễm độc

Chia sẻ với PV Tiền Phong về cách phân biệt cá nhiễm độc với cá an toàn, người dân miền biển Hà Tĩnh cho rằng việc này rất khó. “Cá khi đánh lên đều sống nên biết thế nào là cá nhiễm độc và không nhiễm độc”, anh Phạm Văn Dương, ngư dân xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, nói.

Theo anh Dương, để an toàn, người dân cần phải mua cá từ chủ thuyền, phải rõ nguồn gốc. Ngoài ra, lực lượng chức năng phải xác định rõ trên địa bàn có bao nhiêu tàu, thuyền đánh cá tầng đáy từ 20 hải lý trở vào. 

“Những tàu, thuyền nào đánh cá tầng đáy từ 20 hải lý trở vào, chính quyền địa phương cần nắm được, báo cáo cơ quan chức năng lấy mẫu phân tích. Hiện trên địa bàn tỉnh, ngư trường được chia rõ ràng là xa bờ và gần bờ. Khu vực gần bờ đa phần ngư dân đánh bắt cá tầng nổi. Chỉ có một số tàu làm nghề đánh ốc, ghẹ nằm ở tầng đáy”, anh Phạm Văn Dương nói.

Ngư dân mong các cơ quan chức năng sớm tiêu hủy số hải sản tồn kho nghi bị nhiễm độc. “Lâu lâu cứ nghe bảo tại kho đông lạnh này cá nhiễm độc, kho đông lạnh kia cá nghi nhiễm độc. Phải giải quyết dứt điểm, rõ ràng số cá tồn này để người dân yên tâm sử dụng cá vừa đánh bắt về”, ngư dân Hoàng Văn Hảo, xã Thạch Kim nói.

Rất khó phân biệt cá sạch và cá nhiễm độc - ảnh 1

Chuẩn bị ngư cụ để ra khơi tại cảng cá Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh. Ảnh: Minh Thùy.

Không hợp tác kê khai

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc kê khai thiệt hại bước đầu của các địa phương trong tỉnh, hiện có 367 thôn/xóm thuộc 62 xã, phường của 7 huyện, thành phố, thị xã bị thiệt hại. Trong đó, có 6.441 tàu cá bị ảnh hưởng với hơn 15 nghìn lao động. Gần 2.000 ha nuôi trồng thủy sản và hơn 31 nghìn ha nuôi lồng bè bị ảnh hưởng… 

Tại TX Kỳ Anh, có 4 thôn người dân chưa hợp tác để kê khai và 3 thôn kê khai chưa hoàn thành. Nguyên nhân dẫn đến việc bất hợp tác này do những địa phương này đa phần là giáo dân, người dân yêu cầu, đòi hỏi một số nội dung ngoài kê khai, xác định thiệt hại. Tại một số thôn có hiện tượng cán bộ sau khi thực hiện kê khai trên đường về bị một số đối tượng cướp, xé hồ sơ kê khai.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục cho bổ sung các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường nhưng chưa được kê khai thiệt hại như các cơ sở thu mua, chế biến muối (bao gồm cả lao động); chủ các hàng quán phục vụ khách du lịch tại xã, thị trấn ven biển; các hộ buôn bán nhỏ thủy hải sản thu mua từ tàu, thuyền hoặc các cơ sở đông lạnh; các cơ sở nuôi cá lồng bè, nuôi nhuyễn thể vùng ven biển bị ảnh hưởng tiêu thụ khó khăn, bị thua lỗ…

RELATED ARTICLES

Tin mới