Tuesday, April 16, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCông nghệ gán ghép 'Gián điệp Triều Tiên' của Hàn Quốc

Công nghệ gán ghép ‘Gián điệp Triều Tiên’ của Hàn Quốc

Từ khi ra đời vào những năm 1960, Cục Tình báo Quốc gia Hàn Quốc từng bị tố ngụy tạo chứng cứ, ép cung nhục hình nhiều người để khép họ vào tội hoạt động gián điệp cho Triều Tiên.

Trụ sở Cục Tình báo Quốc gia Hàn Quốc tại Seoul. Ảnh: Business Korea

Họ bị đánh và bị ép cung. Nhiều người ngồi tù mọt gông. Một số bị xử tử. Phần lớn trong số họ bị lãng quên suốt hàng thập kỷ.

Đó là số phận của những người bị chính quyền Hàn Quốc bắt giữ và kết tội hoạt động gián điệp cho Triều Tiên trong hơn 60 năm qua. Nhiều người chỉ được xóa án sau khi đã ngồi tù hàng chục năm trời.

Thống kê chính thức về số lượng phạm nhân chưa từng được công bố. Những câu chuyện về họ gần như không còn ai nhớ tới cho đến khi bộ phim tài liệu Spy Nation (Quốc gia gián điệp) của nhà báo điều tra Choi Seung-ho lần đầu được trình chiếu.

6 thập kỷ “chế tạo gián điệp”

Trong Spy Nation, trước khi đến phần đề tên ê-kíp thực hiện, người ta thấy một danh sách những người từng bị kết tội hoạt động gián điệp cho Triều Tiên xuất hiện lần lượt trên màn ảnh. Đó là bằng chứng hùng hồn tố cáo sự lạm dụng quyền lực của lực lượng phản gián Hàn Quốc, đặc biệt là Cục Tình báo Quốc gia (NIS), trên danh nghĩa đấu tranh chống Triều Tiên.

Nhà báo Choi Seung-ho đã vén màn bí mật về một trong những di sản mà ông cho là “đáng xấu hổ nhất” của lực lượng phản gián Hàn Quốc. Trong tác phẩm dài 100 phút, ông Choi nhấn mạnh rằng câu chuyện “chế tạo gián điệp” của Hàn Quốc không thể bị lãng quên như một ký ức xa xôi nào đó.

Hàn Quốc thành lập NIS vào những năm 1960 với mục đích tìm bắt gián điệp từ Triều Tiên. Trên danh nghĩa, từ năm 1953 đến nay, bán đảo Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Trải qua các chính quyền quân sự liên tiếp, NIS và nhiều cơ quan nhà nước khác được cho là đã ngụy tạo những trường hợp hoạt động gián điệp nhằm bắt giữ và hạ bệ những người bất đồng chính kiến cũng như chuyển hướng quan tâm của công chúng khỏi các khủng hoảng trong nước.

Trong 10 năm qua, rất nhiều vụ trong số đó được đem ra xét xử lại sau khi Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Hàn Quốc phát hiện chúng được dựng lên từ những chứng cứ và lời khai có được thông qua nhục hình.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều người được tuyên vô tội, một vài trường hợp xảy ra sau khi chết, NIS được cho là vẫn tiếp tục tạo ra các vụ giả mạo mới.

Spy Nation kể lại một trong những vụ như vậy. Đó là câu chuyện có thật về Yu Woo-sung, một người Triều Tiên gốc Hoa trốn sang Hàn Quốc vào năm 2004.

Từ điển hình đào tẩu đến tội phạm gián điệp

Yu, 35 tuổi, từng được xem là một trường hợp thành công hiếm hoi trong số những người bỏ trốn khỏi Triều Tiên vốn gặp nhiều khó khăn để hòa nhập cuộc sống mới ở Hàn Quốc. Khi bị NIS bắt vào năm 2013 với cáo buộc làm gián điệp cho Triều Tiên, Yu đang là một nhân viên phúc lợi tại Tòa thị chính Seoul. NIS đưa ra cáo trạng dựa trên lời khai của em gái Yu, Ga-ryeo, sau khi cô này trốn sang Hàn Quốc vào năm 2012.

Vào lúc đó, NIS đang vướng vào một vụ bê bối lớn. Một nhóm mật vụ bị cáo buộc tổ chức chiến dịch bôi nhọ trên mạng nhằm vào các đối thủ của Tổng thống Park Geun-hye trước cuộc bầu cử tháng 12/2012. Cựu giám đốc NIS Won Sei-hoon sau đó bị buộc tội can thiệp nội chính.

Vụ bắt giữ Yu trở thành đề tài xôn xao khắp các mặt báo và được ca ngợi như một hành động phi thường của NIS vốn đang tuyệt vọng cứu vãn hình ảnh của mình.

“Hôm nay tôi là hình mẫu của những người đào tẩu, và hôm sau họ biến tôi thành một tên gián điệp khốn nạn”, Yu nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2014.

Tuy nhiên, em gái của Yu sau đó thú nhận trước tòa rằng cô bị đánh và bị ép khai sai sự thật về anh trai cô. Cô bị biệt giam 179 ngày tại trung tâm thẩm tra của NIS mà không có đại diện luật pháp. NIS phủ nhận việc bức cung tại trung tâm nằm ở phía nam Seoul, nơi họ giam giữ những người mới từ Triều Tiên sang trong suốt 6 tháng nhằm phát hiện các trường hợp làm gián điệp.

Những hình ảnh được NIS dùng làm bằng chứng trước tòa mà họ nói là chụp khi Yu bí mật về thăm Triều Tiên năm 2012, hóa ra lại là được chụp ở Trung Quốc. Hồ sơ mà NIS khẳng định do cơ quan nhập cảnh Trung Quốc cung cấp để chứng minh việc anh Yu vượt biên sang Triều Tiên cuối cùng bị phát hiện là giả mạo.

Ngoài ra, một người Hoa gốc Hàn tự đâm mình tại một căn phòng khách sạn ở Seoul sau khi để lại thư tuyệt mệnh nói rằng NIS hứa trả công cho anh ta nếu anh ta làm giả những hồ sơ này. Nhân viên NIS, người đã thuê anh ta làm việc này, cũng cố tự tử bằng cách gây ngạt khí CO2 trong xe hơi. (Không có ai chết).

Tòa án bác bỏ cáo buộc về hoạt động gián điệp của Yu.

Ngựa quen đường cũ

Năm 2014, giữa lúc sự việc nói trên bị phanh phui, NIS lại thông báo về việc bắt giữ một nghi phạm khác, cũng là một người đào tẩu từ Triều Tiên. Tuy nhiên người đàn ông, tên Hong Kang-cheol, được trả tự do sau khi tòa tuyên bố lời khai của anh ta vô hiệu do anh ta không được thông báo về quyền giữ im lặng và tìm luật sư.

Hong nói anh bị biệt giam trong 84 ngày và bị ép viết hàng loạt lời khai cho đến khi ra được một “câu chuyện tưởng tượng” thỏa mãn những người thẩm tra.

“Tôi không được phép gặp người muốn đến thăm, không được tự do đi lại, hoàn toàn cách ly với bên ngoài”, Hong nói sau khi tòa phúc thẩm tuyên bố tha bổng anh vào tháng 2 vừa rồi.

Trong nhiều năm, NIS lặp đi lặp lại khẳng định rằng họ không lạm dụng chức quyền hay hoạt động như công cụ chính trị của các tổng thống. Thế nhưng các vụ bê bối của tổ chức bí ẩn này thường xuyên khiến dư luận dậy sóng và một số lãnh đạo cục phải đi tù.

NIS từ chối đưa ra bình luận về Spy Nation, tác phẩm đoạt giải phim tài liệu tại Liên hoan phim Jeonju hồi tháng 5.

Tổng thống Park Geun Hye đã lên tiếng xin lỗi về hành vi gian lận của NIS trong vụ Yu Woo-sung và quyết định thay người lãnh đạo NIS vào năm 2014. Cơ quan này cũng cam kết sẽ minh bạch hơn trong các hoạt động của mình tại trung tâm thẩm tra.

Tuy nhiên, việc giám sát chặt chẽ NIS đến nay vẫn chỉ là “làm lấy lệ”. Nhiều hoạt động phe cánh tả ở Hàn Quốc cho rằng bất cứ chỉ trích nào nhằm vào NIS đều là biểu hiện của việc “về phe Triều Tiên” gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Sự tôn sùng lực lượng an ninh tại Hàn Quốc đã tạo điều kiện cho NIS thâu tóm và lạm dụng khối quyền lực ngày càng lớn.

Tiếng nói của những người bị hàm oan

Không có hệ thống rạp nào tại Hàn Quốc bày tỏ ý muốn trình chiếu bộ phim. Chỉ sau khi có 35.000 người mua vé trả trước thông qua một chiến dịch trên mạng, ông Choi mới có thể lên lịch chiếu phim vào tháng 10 tới. Ông cũng dự định mang phim đến Nhật Bản và Liên hoan phim Sundance.

Choi Woo-sung hy vọng bộ phim sẽ mở đường cho công cuộc cải tổ NIS, vấn đề vẫn chưa được quốc hội và truyền thông quan tâm đúng mực.

Từng là nhà sản xuất truyền hình, nhà báo Choi đã quyết định hợp tác với trang tin điều tra độc lập Newstapa. Ông bắt đầu tìm gặp những người làm công việc thẩm tra và những cựu quan chức cấp cao tại NIS cũng như những công tố viên nhà nước từng làm việc với họ. Ông thách thức họ bằng các câu hỏi ngay trước tòa án, trong thang máy hay trong phòng chờ sân bay. Tất cả đều từ chối trả lời, một vài người bỏ chạy.

Đưa những thông điệp của ông về quê nhà là tiếng nói của những người bị hàm oan.

Lee Cheol, 68 tuổi, một trong những cựu tù chính trị được phỏng vấn trong phim Spy Nation, bị tuyên án tử hình năm 1977 với cáo buộc hoạt động gián điệp. Ông được trả tự do sau 13 năm, nhưng chỉ được xóa án trong phiên tòa xử lại vào năm ngoái.

Những ký ức của ông về việc bị tra tấn, bị nhục hình vẫn còn vẹn nguyên.

“Họ để tôi trần truồng và hứng lên lại đánh, đe dọa đốt dương vật tôi bằng thuốc lá”, ông Lee nói. “Họ đe dọa cưỡng hiếp vợ chưa cưới của tôi và thậm chí cả mẹ của cô ấy. Cuối cùng tôi bảo họ rằng tôi sẽ khai tất cả những gì họ muốn tôi khai”.

RELATED ARTICLES

Tin mới