Wednesday, April 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớikhông “áp đặt” trong quan hệ với Việt Nam

không “áp đặt” trong quan hệ với Việt Nam

Phát biểu và thảo luận với cán bộ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tại Hà Nội chiều 27.9 về tương lai  quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam, Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius đã nhấn mạnh đến việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai nước, thông qua thúc đẩy hợp tác thương mại, giao lưu nhân dân, thúc đẩy hợp tác quốc phòng, hòa giải người Mỹ gốc Việt… Ông khẳng định Hoa Kỳ muốn phát triển quan hệ với Việt Nam trên cơ sở tôn trọng và cùng có lợi. 

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius.

Những tiến bộ không thể tưởng tượng 

Đại sứ Osius nói rằng quan hệ hai nước đã tiến xa sau 20 năm bình thường hóa khi hai bên đã thiết lập và củng cố hơn nữa Quan hệ Đối tác Toàn diện.”Ngày nay, các công dân trẻ của chúng ta với số lượng kỷ lục đang vượt đại dương sang học tại các trường đại học của nhau và khám phá nền văn hóa của mỗi nước. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đầu tư vốn ngày càng nhiều vào Việt Nam, trong khi các nhà sản xuất Việt Nam đang bán được nhiều hàng hóa của mình hơn cho những người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng sản phẩm của họ. Những mối liên kết mà chúng ta vui mừng có được hôm nay đã từng là không thể tưởng tượng được cách đây hai thập kỷ”.

Trong phát biểu, Đại sứ Osius nhắc tới câu nói của nhà bác học nổi tiếng Lê Quý Đôn: “Phi nông bất ổn. Phi công bất phú. Phi thương bất hoạt. Phi trí bất hưng.” Đại sứ kiến giải lời nhà bác  học rằng “xã hội phải được xây dựng trên một nền móng rộng lớn, nơi mà mọi người đều tham gia và mọi người đều có thể đóng góp tài năng của mình cho thành công lớn hơn”. 

Trên tinh thần đó, vào tháng 5 năm nay Tổng thống Obama và Chủ tịch Trần Đại Quang trong bản Tuyên bố Chung  đã đề ra một kế hoạch đầy tham vọng,  đề ra những mục tiêu toàn diện từ loại bỏ các rào cản thương mại và cải thiện hợp tác an ninh, đến hợp tác về tự do tôn giáo và thúc đẩy các mối quan hệ giữa nhân dân hai nước,  cam kết giải quyết những thách thức toàn cầu như tình trạng biến đổi khí hậu và nạn buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã. “Đó là sự thể hiện quan trọng cam kết chung của chính phủ hai nước chúng ta về đầu tư vào một tương lai hòa bình, bền vững và thịnh vượng hơn cho cả hai nước. Hôm nay, tôi tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ nhằm đạt được những mục tiêu đó” – ông nói.

Đại sứ cho rằng Việt Nam đã là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực. “Trong một thời gian khá ngắn, các bạn đã vươn lên gia nhập nhóm các nước có mức thu nhập trung bình và xây dựng một tầng lớp trung lưu thành đạt bằng cách mở cửa thị trường của mình với thế giới bên ngoài, cho phép tự do trao đổi ý kiến trên Facebook, và tạo ra một lực lượng lao động trẻ và có tinh thần khởi nghiệp” – ông nói. “Ở mọi nơi tôi đến trên đất nước này, tôi đều có thể thấy những kết quả mà quá trình này mang lại: hàng triệu người được thoát nghèo; giới trẻ rất lạc quan về tương lai của họ; các cộng đồng được bảo vệ an toàn hơn trước tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam có nhiều điều để tự hào, chắc chắn là vậy, nhưng cùng nhau chúng ta có thể làm còn nhiều hơn nữa”.

Doanh nghiệp Hoa Kỳ lạc quan về Việt Nam

Đại sứ Osius cho biết, trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam tăng 44%. Xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng tăng 12%, đưa thương mại song phương tăng lên 17%.  Trong số 50 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ, chỉ có 3 thị trường có mức tăng trưởng hai chữ số. Và, trong 3 thị trường đó thì Việt Nam là thị trường lớn nhất.

Về lâu dài, Đại sứ cho rằng, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương (TPP) sẽ là nền tảng của nỗ lực này. “Thực hiện đầy đủ TPP sẽ cho phép Việt Nam đưa được nhiều hơn nữa các sản phẩm của mình vào những thị trường mới, và sẽ thu hút được nguồn đầu tư nước ngoài mới vào đất nước các bạn. Điều đó sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào bất cứ thị trường đơn lẻ nào. Điều đó sẽ củng cố các mối kết nối không chỉ với Hoa Kỳ mà còn với các nước láng giềng của các bạn trong khu vực và với các đối tác mới ở bên kia đại dương”.

Đại sứ thúc giục Việt Nam tiếp tục cải cách hệ thống các doanh nghiệp nhà nước, tạo không gian trong nền kinh tế của mình cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cạnh tranh, hiện đại hóa các cơ chế về hải quan phải đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tài sản trí tuệ, áp dụng các thông lệ lao động, tiêu chuẩn môi trường công bằng, thực thi pháp luật công bằng, minh bạch và nhất quán.

“Tôi vui mừng nói rằng Việt Nam đã sẵn sàng sải những bước lớn hướng tới từng mục tiêu trong số đó” – Đại sứ nói. “Giới kinh doanh Hoa Kỳ lạc quan về Việt Nam, và các lãnh đạo doanh nghiệp của chúng tôi đang theo dõi sát sao quá trình Việt Nam hiện thực hóa những cải cách của mình… Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trở thành một đối tác mạnh với một nền kinh tế phát triển tốt và bền vững”.

Đại sứ cũng mong muốn thúc đẩy giao lưu nhân dân, loại bỏ thành kiến và tạo ra các mối gắn kết xã hội bằng việc đầu tư vào giáo dục thế hệ trẻ. Hai sáng kiến giáo dục quan trọng: Đoàn Hòa bình (Peace Corps) tại Việt Nam, và trường Đại học Fulbright Việt Nam sẽ là phương cách để thực hiện mục tiêu này, và ông hy vọng rằng đó sẽ mới chỉ là hai chương trình đầu tiên trong nhiều chương trình giao lưu tương tự gắn kết thế hệ trẻ hai nước.

Hòa giải cộng đồng người Mỹ gốc Việt

Ông đồng ý với các nhà lãnh đạo Việt Nam về việc  mở rộng mối quan hệ đối tác vượt xa hơn quan hệ song phương hiện nay để vươn vào các diễn đàn khu vực và quốc tế, như LHQ, ASEAN, APEC. “Làm việc thông qua các thể chế đó là một phương thức vô giá để xây dựng lòng tin giữa các đối tác trong cộng đồng quốc tế. Như Tổng thống Obama đã lưu ý chúng ta hồi tháng 5, gốc rễ của trật tự quốc tế mà an ninh và sự thịnh vượng chung của chúng ta phụ thuộc là nằm trong những nguyên tắc và chuẩn mực được chia sẻ trong các thể chế này” – ông nói. . Các diễn đàn đa phương đó cũng là những tuyến trọng yếu để đạt tiến triển về một số trong những vấn đề quan tâm cấp bách nhất của chúng ta

Nhắc tới cam kết đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và xây dựng lòng tin hơn nữa giữa các quân nhân của hai nước, Tổng thống Obama cho rằng, quyết định của Tổng thống Obama dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán trang thiết bị quốc phòng sẽ cho phép Việt Nam tiếp cận nhiều hơn những công cụ các bạn cần để đảm bảo an ninh của mình. “Tôi mong đợi mở rộng sự cộng tác của chúng ta trong việc nâng cao năng lực biển của Việt Nam và hợp tác về cứu trợ nhân đạo trong trường hợp thiên tai”.

Đại sứ quá trình hòa giải cho tất cả mọi người – trong đó có những người Mỹ gốc Việt bị ảnh hưởng sâu sắc bởi quá khứ – vẫn chưa hoàn tất. Chúng ta cam kết tạo thuận lợi cho việc giao lưu giữa cộng đồng người gốc Việt tại Hoa Kỳ với người dân và các nhà lãnh đạo Việt Nam như là một phương thức để hàn gắn. Quá trình này sẽ đòi hỏi phải xây dựng lòng tin ở cả hai bên, một việc khó nhưng cần thiết nếu chúng ta muốn khép lại một chương khó khăn của quá khứ với sự tôn trọng, và chuyển trọng tâm chú ý của chúng ta vào tương lai.

Không áp đặt

Đại sứ Osius cũng nhấn mạnh, hai bên cần thảo luận cả những khác biệt để xây dựng lòng tin. Ông thúc giục Việt Nam cho phép  xã hội dân sự  được hưởng những quyền tự do lớn hơn để thành lập tổ chức một cách ôn hòa, tự do trao đổi ý kiến trên Internet và mạng xã hội, và tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Ông nhấn mạnh: “Hoa Kỳ không tìm cách ra điều kiện hay áp đặt những điều chúng tôi tin là đúng lên bất kỳ đối tác nào của chúng tôi. Trên thực tế, nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam là tôn trọng lẫn nhau đối với chủ quyền và hệ thống chính trị khác biệt”

Kết thúc bài phát biểu, Đại sứ Osius cho rằng hai nước cần hợp tác để “ làm tiêu tan mong đợi của những kẻ hoài nghi, và để cho mối quan hệ đối tác của chúng ta trở thành một điển hình cho thế giới. Chúng ta có thể tạo ra những mối gắn kết thông qua hoạt động thương mại cởi mở, đi lại nhanh chóng, và giao lưu chân thành. Chúng ta có thể thể hiện điều đó bằng việc làm và cho thấy rằng hai nước có thể, trong khoảng thời gian chỉ một thế hệ, dùng lịch sử mà chúng ta chia sẻ để tăng cường hiểu biết, tình hữu nghị và sự hợp tác. “Chúng ta hãy cho thế giới thấy rằng, cùng nhau, không có điều gì là không thể”- ông nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới