Tuesday, April 23, 2024
Trang chủĐiểm tinTranh luận bầu cử Mỹ: TQ liên tiếp bị chỉ trích

Tranh luận bầu cử Mỹ: TQ liên tiếp bị chỉ trích

Hai ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump đã 12 lần nhắc tới “Trung Quốc” trong phiên tranh luận trực tiếp đầu tiên hôm 26/9. So với hai cuộc bầu cử trước, Trung Quốc ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới chính trị Mỹ.

Hai ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần đầu tiên hôm 26/9. 

Theo ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới tình trạng kinh tế Mỹ sụt giảm. 

“Hãy nhìn vào những gì Trung Quốc đã làm với ngành sản xuất hàng hóa của chúng ta. Họ (Trung Quốc) đã hạ giá đồng nhân dân tệ và không ai trong chính phủ Mỹ có biện pháp ngăn chặn. Họ tận dụng đất nước chúng ta như một cái ngân hàng để tái thiết Trung Quốc và thậm chí nhiều quốc gia khác cũng làm như vậy”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời ông Trump phát biểu trong buổi tranh luận với ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Việc nhắc tới “Trung Quốc” là vô cùng hạn chế trong các phiên thảo luận về thương mại và khoản nợ tại các kỳ tranh luận Tổng thống Mỹ trước đây. Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận lần này, hai ứng cử viên là bà Clinton và ông Trump liên tiếp nhắc tới Trung Quốc khi thảo luận về lĩnh vực an ninh mạng, khủng bố và mối đe dọa hạt nhân. Cụ thể, hai ứng cử viên đã nhắc tới Trung Quốc 12 lần trong các chủ đề thương mại, internet, Iran, Triều Tiên và cơ sở hạ tầng tại Mỹ. 

Trước đó, trong phiên tranh luận đầu tiên hồi năm 2012 giữa ông Obama và Mitt Romney, Trung Quốc chỉ được nhắc tới 3 lần trong bài phát biểu của ông Romney, còn ông Obama không đề cập lần nào. 

Còn trong phiên tranh luận giữa ông Obama và John McCain hồi năm 2008, Trung Quốc được xướng tên 5 lần khi hai ứng cử viên thảo luận về vấn đề nợ và khả năng hợp tác cùng áp đặt lệnh trừng phạt với Iran. 

Ông Trump cáo buộc Trung Quốc gian lận thương mại và khiến dân Mỹ thất nghiệp đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc nên giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Triều Tiên. 

“Nhắc tới Triều Tiên, chúng ta không làm gì được cả. Trung Quốc nên giải quyết vấ đề Triều Tiên thay cho chúng ta. Trung Quốc nên tới Triều Tiên. Trung Quốc có đủ năng lực bởi họ có quan hệ với Triều Tiên”, ông Trump nói. 

Về phần mình, bà Clinton nhắc tới Trung Quốc 3 lần. Trước lời cam kết có những biện pháp cứng rắn ngăn chặn hành động tấn công mạng nhằm vào Mỹ, bà Clinton nói: “Dù đó là Nga, Trung Quốc, Iran hay bất cứ quốc gia nào khác, Mỹ vẫn thừa năng lực hơn”. 

Liên quan tới vấn đề biến đổi khí hậu, ứng cử viên Clinton nhấn mạnh: “Ông Donald Trump cho rằng biến đổi khí hậu là trò chơi khăm của Trung Quốc”. Song ông Trump phản bác rằng: “Tôi chưa từng nói và hiện cũng không nói như vậy”. 

Tuy nhiên, truyền thông Mỹ đã nhanh chóng phát hiện ông Trump từng có những chia sẻ hồi năm 2012 cho rằng tình trạng nóng lên toàn cầu do Trung Quốc tạo ra là để cạnh tranh với ngành công nghiệp sản xuất của Mỹ. 

Giới phân tích nhận định những lời chỉ trích Trung Quốc nặng nề trong phiên tranh luận đầu tiên trên truyền hình của ông Trump không có nghĩa là ông này sẽ thiết lập thành chính sách đối ngoại đề phòng Bắc Kinh nếu như giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. 

“Ông Trump chỉ sử dụng Trung Quốc là một thí dụ điển hình chứng minh quan điểm của mình về việc Mỹ phải chịu quá nhiều gánh nặng thế giới và duy trì chính sách thương mại, kinh tế toàn cầu yếu kém”, Giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua tại Đại học Tsinghua ở Bắc Kinh, ông Paul Haenle nhận định. 

Còn theo chuyên gia Yuan Zheng tại Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, việc Trung Quốc được nhắc tới trong phiên tranh luận hôm 26/9 là “bình thường”. Điều đó cho thấy mối quan hệ tương tác mật thiết giữa hai nước trong những năm qua khi mà Mỹ – Trung là hai đối tác thương mại lớn nhất của nhau. 

Ông Yuan nhấn mạnh mặc dù bà Clinton có phần kiềm chế chỉ trích Trung Quốc trong phiên tranh luận nhưng điều đó không có nghĩa ứng cử viên đảng Dân chủ sẽ tiếp tục làm như vậy trong các buổi tranh luận tới. 

Trong khi đó, chuyên gia Zhang Yuquan thuộc Đại học Sun Yat-sun ở Hàng Châu nhận định việc Trung Quốc được nhắc tới nhiều hơn so với các cuộc tranh luận Tổng thống Mỹ trước đây cho thấy Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn cho dù ứng cử viên nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Mỹ sắp tới. 

“Không quan trọng ai giành phần thắng, Trung Quốc vẫn sẽ đối mặt với những thách thứ lớn từ vị tân Tổng thống Mỹ bởi ông Trump sẽ siết chặt vấn đề thương mại với Trung Quốc còn bà Clinton sẽ tăng cường quan hệ với các đồng minh châu Á như Nhật Bản, Philippines để đối phó với tham vọng địa chiến lược của Trung Quốc trong khu vực”, ông Zhang nói. 
RELATED ARTICLES

Tin mới