Thursday, November 14, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiMáy bay Nga – Trung "thống lĩnh" bầu trời châu Âu

Máy bay Nga – Trung “thống lĩnh” bầu trời châu Âu

Nga và Trung Quốc đang thách thức vị trí thống trị bầu trời của các nước châu Âu bao gồm cả Mỹ bằng việc phát triển những thế hệ máy bay chiến đấu tối tân có khả năng tàng hình và tấn công vượt trội.

Hơn 20 năm qua, các thế hệ chiến đấu cơ của Mỹ và các nước đồng minh châu Âu gần như làm chủ bầu trời. Nhưng nay vị thế này đang bị lung lay khi Nga và Trung Quốc mạnh tay đầu tư vào hệ thống quốc phòng, có khả năng dẫn tới một cuộc đua vũ trang mới. 

Việc nâng cấp hệ thống vũ khí diễn ra trong bối cảnh Moscow tăng cường sức mạnh ở những điểm nóng chiến sự như khu vực Đông Âu và Trung Đông. Trong khi đó, Bắc Kinh tập trung phát triển chiến đấu cơ thế hệ mới trước tham vọng bá chủ ở Biển Đông. 

Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ xuất hiện lần đầu tiên ở hội chợ hàng không Farnborough tại Anh hồi tháng Bảy. 

“Thách thức lớn nhất đối với Không quân Mỹ hiện thời là sự lớn mạnh của các đối thủ cạnh tranh đang được trang bị năng lực quân sự hiện đại”, tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời Tướng David Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ phát biểu hồi tháng Sáu. 

Chỉ 2 tháng sau, Không quân Mỹ tuyên bố dòng tiêm kích F-35 đã sẵn sàng chiến đấu với khả năng thực hiện các cuộc tấn công vô cùng chính xác. Đây là yêu cầu quan trọng nhất được quân đội phương Tây đề ra sau khi NATO thực hiện chiến dịch ném bom ở Bosnia vào những năm 1990. 

Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì hoạt động của thế hệ máy bay chiến đấu F-22. Loại máy bay này được đưa vào hoạt động từ năm 2005. Được thiết kế với khả năng bắn hạ đối thủ khi đang bay với vận tốc nhanh gấp 2 lần vận tốc âm thanh, F-22 gần đây còn được nâng cấp thành máy bay ném bom và thu thập thông tin tình báo bên trên lãnh thổ đối phương.  

Tuy nhiên, hơn 3/4 phi đội chiến đấu cơ của Mỹ được sử dụng từ thập niên 70. Cụ thể, Không quân Mỹ đã sử dụng F-15 từ năm 1975. Còn máy bay chiến đấu F-16 đi vào hoạt động từ năm 1979 và F/A-18 được triển khai lần đầu tiên vào năm 1978. 

Cùng với việc bổ sung thêm các loại máy bay mới như Rafale của Pháp và Eurofighter, những thế hệ máy bay cũ của Mỹ hiện còn đóng vai trò là xương sống trong lực lượng không quân của nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ ở châu Á và châu Âu. 

Về phần mình, Nga đang có kế hoạch đưa vào sử dụng dòng chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên T-50 vào năm 2018. Thế hệ máy bay 2 động cơ này được thiết kế hoạt động linh hoạt và trang bị các thiết bị điện tử tối tân nhằm phát hiện máy bay đối phương từ khoảng cách xa. Nga cũng đã triển khai dòng máy bay chiến đấu tối tân nhất của nước này là Su-34 và Su-35 tới Syria. Song Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra bình luận về quyết định này. 

Trong khi đó, Trung Quốc vốn là quốc gia có lịch sử phụ thuộc vào thiết kế của Nga từ các loại máy bay cũ cho tới những thế hệ máy bay tự sản xuất theo bản quyền của Nga. Bản đánh giá thường niên sức mạnh quân đội Trung Quốc được Lầu Năm Góc công bố hồi tháng Năm cũng đã nhấn mạnh mối quan ngại Không quân Trung Quốc “đang nhanh chóng lấp dần khoảng cách năng lực với các lực lượng không quân phương Tây”. 

Cụ thể, chiến đấu cơ J-20 của Trung Quốc được thiết kế giống với F-22 của Mỹ, đã thực hiện bay thử nghiệm vào năm 2011 nhưng đến nay chưa được Không quân Trung Quốc đưa vào biên chế. Chỉ một năm sau, Bắc Kinh bắt đầu cho FC-31 – một phiên bản giống với F-35 của Mỹ, bay thử nghiệm.

Tuy nhiên, theo WSJ cho tới nay, các máy bay tàng hình của Mỹ vẫn giữ vị thế số 1 trong khi Nga và Trung Quốc hiện còn đang tập trung phát triển thế hệ máy bay này. Song cả Bắc Kinh và Moscow lại đang nghiên cứu phát triển các hệ thống phòng không vô cùng tối tân. Cụ thể, Nga khẳng định hệ thống S-400 mới có thể bắn hạ máy bay đối phương ở khoảng cách lên tới gần 380km. 

Hồi tháng Tám, Bộ Quốc phòng Nga thông báo hệ thống S-400 sẽ được triển khai tới Crimea, bán đảo thuộc Ukraine được Nga sáp nhập hồi năm 2014. Ngoài ra, Moscow cũng đang rao bán S-400 cho các đối tác nước ngoài. 

Còn trong năm nay, Trung Quốc đã ngang nhiên triển khai hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 tới quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông. 

Để đối phó trước những mối đe dọa mới, Lầu Năm Góc đang phân tích cụ thể các yêu cầu đối với loại máy bay mới trong bối cảnh các tập đoàn sản xuất máy bay như Boeing , Lockheed Martin và Northrop Grumman đưa ra bản thiết kế về chiến đấu cơ tương lai. 

Trong khi đó, giới chức Mỹ cũng đang yêu cầu Không quân nước này tái khởi động sản xuất chiến đấu cơ F-22 đồng thời trang bị thêm hệ thống điện tử tối tân để đối phó với khả năng phòng không hiện đại của đối phương. 

Theo nhà nghiên cứu hàng không quân sự tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở London, ông Douglas Barrie, các bộ trưởng quốc phòng châu Âu bao gồm Anh đang cân nhắc trang bị phi đội máy bay chiến đấu mới. 

Bộ Quốc phòng Anh thì nhấn mạnh nước này đang lên kế hoạch nâng cấp kỹ thuật để sáng ngang với Mỹ và Pháp. Nhằm hiện thực hóa kế hoạch trên, Anh sẽ mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ. Đức cũng muốn thay thế lực lượng máy bay chiến đấu lỗi thời Tornados, vốn đã hoạt động 37 năm. 

Còn phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Pháp nhấn mạnh Paris đang cộng tác cùng với Anh để nâng cấp thế hệ chiến đấu cơ Rafale nhằm nâng cao khả năng chiến đấu trước các mối đe dọa lớn hiện nay. 

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Wall Street Journal (WSJ) là một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, xuất bản tại Thành phố New York, tiểu bang New York , Mỹ với lượng phát hành rất lớn trên toàn thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới