Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngTQ phớt lờ phản ứng của Mỹ

TQ phớt lờ phản ứng của Mỹ

Khi hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại New York (22-9), Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắc lại cam kết của Washington về bảo đảm an ninh cho Tokyo. Và lãnh đạo 2 nước cùng khẳng định, quan hệ đồng minh vững chắc giữa Washington với Tokyo cần được củng cố, đồng thời cam kết tăng cường hợp tác trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông và biển Hoa Đông.

`Tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh

Theo nhận định của tờ The Diplomat, đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận trong nước, tranh thủ tái cơ cấu quân đội và thử mức độ phản ứng của Mỹ có thể là nguyên nhân khiến Bắc Kinh đảo ngược chính sách Biển Đông đang khiến các nước trong khu vực và thế giới quan ngại. Bởi Trung Quốc đang thể hiện lập trường hiếu chiến và quyết đoán để theo đuổi các yêu sách lãnh thổ phi lý ở Biển Đông. Và sau phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế tại La Haye (Hà Lan) hôm 12-7, Bắc Kinh không những dứt khoát từ chối tuân thủ phán quyết này, mà còn trở nên quyết đoán, hung hăng hơn trong tuyên bố và hành động của mình. Giới phân tích cho rằng, kết quả của phép thử mức độ phản ứng của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, sẽ cho phép Trung Quốc đối phó có hiệu quả hơn tại quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Và những động thái này đương nhiên thách thức chiến lược “xoay trục” sang Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.

Những chủ đề được thảo luận tại Hội nghị chuyên đề Hải quân Quốc tế 2016 ở Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ tại thành phố Newport (Mỹ) được giới quân sự quan tâm. Bởi có khoảng 500 đại diện quân sự cấp cao đến từ 106 quốc gia và trong 3 ngày diễn ra hội nghị (từ 21 đến 23-9), các Tư lệnh Hải quân phương Tây đều đặc biệt lo ngại về sự mở rộng không ngừng của số lượng tàu ngầm, tàu chiến và tên lửa chính xác tầm xa của Trung Quốc. Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson là người chủ trì hội nghị và Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi cũng được mời tham dự. Theo tờ Nikkei Asian Review, tình hình Biển Đông là một trong những nội dung được thảo luận nhiều tại hội nghị và Tư lệnh Ngô Thắng Lợi không ít lần cảnh báo tình trạng đối đầu giữa các nước tuyên bố chủ quyền ở khu vực này hiện căng thẳng đến mức chỉ một vụ va chạm nhỏ trên biển hoặc trên không đều có thể gây ra chiến tranh.

Ngày 22-9, người phát ngôn Lực lượng không quân Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố, các cuộc tuần tra do máy bay nước này tiến hành trên Biển Đông đã trở thành hoạt động “thường xuyên” nhằm cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời tuyên bố, quân đội Trung Quốc đã điều máy bay ném bom H-6K và nhiều loại máy bay chiến đấu, trinh sát và tiếp nhiên liệu tới tuần tra khu vực quanh các đảo và bãi đá trên các vùng biển từ tháng 7. Và thông qua các hoạt động này, Không quân Trung Quốc muốn mô phỏng môi trường tác chiến trên biển cho các loại máy bay, cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu…

Phải có lập trường cứng rắn hơn

Ngày 25-9, Simon Tisdall, biên tập viên tờ The Guardian cho rằng, chiến lược “xoay trục” sang Châu Á – Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thất bại, còn Trung Quốc đang trong thời kỳ hoàng kim của quyền uy. Mỹ không thể ngăn Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo, tạo tranh chấp trên Biển Đông là bằng chứng rõ nhất cho nhận định này. Mặc dù Washington có hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, nhưng động thái này hầu như không có tác dụng ngăn chặn mưu đồ của Bắc Kinh, trong khi đó các hoạt động xây dựng mới của Trung Quốc ở “khu vực tranh chấp” tại Biển Đông vẫn được tiến hành, bất chấp luật pháp quốc tế, bỏ qua các nước láng giềng và sức ép của dư luận. Sự “bất lực” của ông chủ Nhà Trắng đang khiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải thúc đẩy nhanh hơn tiến trình tái trang bị khả năng tác chiến cho quân đội. Và điều đó đang tạo thế tiến thoái lưỡng nan của các nước trong khu vực khi hợp tác với Trung Quốc và Mỹ.

Ngày 22-9, trang tin USNI dẫn cảnh báo của các chuyên gia đến từ Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ (NWC) và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – Washington phải thể hiện lập trường cứng rắn hơn ở Biển Đông, cũng như đẩy mạnh hoạt động tự do hàng hải. Ngoài ủng hộ Mỹ phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), các chuyên gia NWC và CSIS còn cho rằng, Hải quân Mỹ phải củng cố quyền tự do hoạt động trên các tuyến đường thủy (FONOPS). Theo bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao của CSIS về các vấn đề châu Á kiêm Giám đốc chương trình nghiên cứu sức mạnh của Trung Quốc (CPP), cần thúc đẩy việc thực hiện FONOPS nhiều hơn và tiến hành “một cách lặng lẽ, không phô phương”. Bà Bonnie Glaser cũng thừa nhận, Australia có thể là đối tác hiệu quả giúp thực hiện FONOPS, nhưng lại lo lắng về sự tham gia của Nhật Bản. Các chuyên gia tại NWC và CSIS cho rằng, Trung Quốc cố gắng hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý không phải bằng đội tàu vỏ xám của Hải quân Trung Quốc, mà thông qua đội tàu hải cảnh vỏ trắng cùng tàu bán quân sự vỏ xanh. Giáo sư Andrew Erickson đến từ NWC coi đây là lực lượng trong bóng tối của Trung Quốc.

Thích phô trương, khoe mẽ

Theo tờ Times of India, Trung Quốc sẽ sớm triển khai máy bay không người lái đến Biển Đông để phục vụ cho việc khảo sát địa hình và giám sát hoạt động của tàu thuyền trên các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Giới chức Trung Quốc cho biết, việc sử dụng máy bay không người lái cho phép Bắc Kinh kiểm soát được những gì diễn ra trên vùng biển tranh chấp rộng tới 3,5 triệu km2. Và việc sử dụng máy bay không người lái còn cho phép Trung Quốc giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động bên trong Biển Đông. Được biết, Trung Quốc đã thiết kế loại máy bay không người lái đủ khả năng khảo sát các địa hình phức tạp, như ZC-5B và ZC-10. Trang Sputniknews.com cũng dẫn nguồn tin từ giới truyền thông Trung Quốc cho biết, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan tới các vùng lãnh thổ tranh chấp trên biển Hoa Đông và Biển Đông, Bắc Kinh chuẩn bị triển khai máy bay không người lái tàng hình để giám sát và lập bản đồ những vùng biển và quần đảo có tranh chấp.

Theo tờ South China Morning Post, việc Trung Quốc công khai công nghệ radar lượng tử được mệnh danh “sát thủ của mọi máy bay tàng hình” khiến giới chuyên gia nghi ngờ. Bởi theo tuyên bố mới đây của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC), họ đã thử nghiệm thành công loại radar lượng tử mới, có thể phát hiện mọi loại máy bay tàng hình từ khoảng cách trên 100km. Giới truyền thông Trung Quốc coi đây là loại vũ khí mới có thể khai tử những máy bay tàng hình hiện đại nhất thế giới như F-35, F-22 hay B-2 của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự coi đây có thể là chiêu trò đánh bóng tên tuổi của Bắc Kinh nhằm thể hiện sức mạnh công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc.

Theo chuyên gia Mehul Malik đến từ Viện Quang học, Đại học Rochester, New York, radar lượng tử nếu phát triển thành công sẽ là một hệ thống không thể gây nhiễu được. Chuyên gia phân tích quân sự người Mỹ Kyle Mizokami nghi ngờ về sức mạnh của “sát thủ của mọi máy bay tàng hình” bởi Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới nghiên cứu công nghệ radar lượng tử. Ngay từ năm 2008, Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ đã được trao bằng sáng chế đối với một thiết kế radar lượng tử lý thuyết, nhưng cho đến nay tiến triển của dự án này vẫn chưa được công bố. Chuyên gia Chris Lee cũng nghi ngờ về viễn cảnh radar lượng tử “được đưa ra khỏi phòng thí nghiệm” để ứng dụng vào thực tế trong tương lai gần, nhất là trong lĩnh vực quân sự, bởi đây vẫn là một hệ thống quá phức tạp và khó kiểm soát.

Trước đó, trong bài tập trận trên biển Java, Hải quân Indonesia đã thất bại cả 2 lần, khi phóng 2 tên lửa C-705 do Trung Quốc sản xuất. Tên lửa C-705, được triển khai lên tàu chiến KRI Clurit (641) và KRI Kujang (642), đều thất bại ở các giai đoạn khác nhau khi được phóng trong cuộc tập trận “Armada Jaya” 2016 trên biển Java hôm 14-9. Và cả 2 lần phóng đều được Tổng thống Joko Widodo quan sát cùng với Tư lệnh Hải quân Ade Supandoi và Tư lệnh Lục quân Gatot Nurmantyo.

Kết quả phân tích của tờ The Australian cho thấy, tàu tìm kiếm cứu hộ Đông Hải Cứu 101 hầu như không thực hiện bất kỳ hoạt động tìm kiếm thực tế nào kể từ khi đến thành phố Fremantle thuộc bang Tây Australia (từ tháng 2 đến tháng 8-2016) và Bắc Kinh đã lợi dụng việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 để do thám hoạt động quân sự của Australia. Australia là quốc gia đóng vai trò điều phối trong chiến dịch quốc tế tìm kiếm chiếc Boeing 777 số hiệu MH370 của Hãng Hàng không Malaysia Airlines mất tích từ ngày 8-3-2014 khi đang chở 239 người từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh.

Được biết, tàu Đông Hải Cứu 101 tích cực xuất hiện tại một trong những khu vực trọng yếu của quân đội Australia với căn cứ tàu ngầm HMAS Stirling cùng nơi đồn trú của trung đoàn không quân đặc nhiệm, trạm liên lạc vệ tinh quốc phòng và trạm liên lạc hải quân. Cựu Giám đốc Tình báo – An ninh Australia Clive Williams và chuyên gia Greg Barton đến từ Đại học Deakin (Australia) đều có nhận định giống nhau khi cho rằng, mục đích chính của tàu Đông Hải Cứu 101 là thu thập thông tin tình báo.

RELATED ARTICLES

Tin mới