Tuesday, April 23, 2024
Trang chủBiển nóngNguy cơ xảy ra đụng độ giữa các tàu phi quân sự...

Nguy cơ xảy ra đụng độ giữa các tàu phi quân sự ở Biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 3/10: Bộ trưởng Quốc phòng Singapore nhấn mạnh nguy cơ xảy ra đụng độ trên Biển Đông giữa các tàu phi quân sự là hiện hữu khi mà Trung Quốc tăng cường triển khai thêm lực lượng tàu tuần tra trang bị vũ khí hạng nặng.

Tình hình căng thẳng trên Biển Đông chưa có dấu hiệu lắng dịu khi mà Trung Quốc tăng cường
triển khai tàu hải cảnh trang bị vũ khí hạng nặng ra các khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền. 

Các nước trong khu vực cùng với Singapore và Mỹ đã lên tiếng cảnh báo việc phụ thuộc vào các tàu cá và tàu hải cảnh để khẳng định chủ quyền trên Biển Đông sẽ dẫn tới nguy cơ bùng nổ xung đột. Trong khi đó, lâu nay, Trung Quốc đã sử dụng hạm đội “tàu trắng” để truy đuổi các tàu cá nước ngoài hoạt động tại khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền. 

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, phát biểu trước các phóng viên bên lề cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Mỹ được tổ chức tại Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, ông Ng Eng Hen nhấn mạnh “Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới Biển Đông bởi đây là tuyến đường giao thương hàng hải lớn và nhiều nền kinh tế đang phụ thuộc vào Biển Đông. Chúng tôi cho rằng những bất ổn hiện nay có thể sẽ dẫn tới xung đột”.

“Trên thực tế, có rất ít hành động liên quan tới tàu quân sự. Nhưng xung đột có thể nảy sinh từ hoạt động đánh bắt với sự xuất hiện của các tàu trắng. Dù các tàu có được sơn màu gì thì chúng vẫn có thể tham gia xung đột”, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore nói thêm. 

Ông Ng cũng khẳng định Trung Quốc “không phải là mối đe dọa” đối với quốc gia này bởi Singapore không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, Singapore vẫn kêu gọi các nước kiềm chế tránh làm bùng nổ căng thẳng và hy vọng ASEAN có thể cùng thống nhất để giải quyết tranh chấp.  

Hiện nay, Biển Đông đang trở thành điểm nóng trong cuộc chiến mở rộng tầm ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương trong bối cảnh nhà lãnh đạo Tập Cận Bình tham vọng biến Trung Quốc trở thành cường quốc trong khu vực. 

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy nhanh tiến độ khai thác và xây dựng trái phép hàng loạt hòn đảo nhân tạo cùng với đường băng sân bay phục vụ mục đích quân sự. Hồi tháng Bảy, Tòa trọng tài quốc tế đã ra phán quyết phủ nhận tuyên bố chủ quyền “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Song, phán quyết này vẫn không thể ngăn Trung Quốc tiếp tục tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông. 

Ngay cả trong các cuộc họp gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao và lãnh đạo ASEAN cũng chưa thể đưa ra tiếng nói chung giải quyết xung đột trên tuyến đường biển chiến lược. Cụ thể, các tuyên bố chung của ASEAN cũng không chỉ đích danh Trung Quốc khi nhấn mạnh tới những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông. Song, cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao diễn ra ở Trung Quốc hồi tháng Sáu đã lần đầu tiên đưa tên Trung Quốc vào bản tuyên bố lên án những hành động sai phạm trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới